Chìa khóa cho Việt Nam thịnh vượng

Thứ hai - 31/12/2018 21:56
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đi nhắc lại yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân theo Nghị quyết của Đảng. Đó mới chính là chìa khóa để Việt Nam trở nên thịnh vượng.
Chìa khóa cho Việt Nam thịnh vượng

 

Trong phiên họp Chính phủ cuối cùng của năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định vị trí và tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải “đặc biệt quan tâm” xây dựng chương trình hành động, “tạo mọi điều kiện thuận lợi” về đất đai, vốn, môi trường đầu tư kinh doanh và bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý để phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thủ tướng lưu ý, một số địa phương chưa có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 10 (Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng) và khẳng định sẽ phối hợp với  Ban Kinh tế Trung ương kiểm tra một số ngành, địa phương,  nhất là các địa phương trọng điểm về phát triển kinh tế tư nhân.

Như vậy, Thủ tướng, một lần nữa khẳng định vị trí của khu vực kinh tế tư nhân đã từng giúp kinh tế đất nước hồi sinh và nảy nở sau Đổi mới cách đây 30 năm, khi nền kinh tế chuyển sang đa thành phần sở hữu.

Doanh nghiệp tư nhân đã phát triển vượt trội

Có vô vàn thực tiễn sinh động về sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân mà 4 người Việt Nam đầu tiên được xếp hạng tỷ phú đô la trong khi nhiều doanh nhân khác cũng đang vươn lên danh sách này là ví dụ.

Nhìn những sân bay Vân Đồn ở Quảng Ninh, cầu vượt vòng xuyến ở Quảng Nam, hay nhà máy Vinfast ở Hải Phòng do các doanh nghiệp tư nhân xây dựng trong thời gian rất ngắn mới thấy luồng vốn được sử dụng hiệu quả như thế nào.       

Trên thực tế, những số liệu thống kê chính thức đã cho biết, khu vực doanh nghiệp tư nhân, dù chỉ mới được coi là “động lực quan trọng” đã vượt lên so với khu vực doanh nghiệp nhà nước đang được ấn định vai trò “chủ đạo”.

Một báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố gần đây về điều tra doanh nghiệp năm 2016 cho biết khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước đã vượt trội so với khu vực doanh nghiệp nhà nước về vốn, doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước, về lao động.

Về vốn, các doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút tới 16,75 triệu tỷ đồng (chiếm 55,5%), lớn hơn nhiều so với 8,36 triệu tỷ đồng (chiếm 27,7%) mà các doanh nghiệp nhà nước thu hút được.

Về doanh thu, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng (chiếm 56%), cao hơn nhiều lần so với doanh thu 2,88 triệu tỷ đồng của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Về lợi nhuận, các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra hơn 188 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,4%), không thua kém so với 197 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,7%) của doanh nghiệp nhà nước.

Các doanh nghiệp ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất với 434,7 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với con số 277,3 nghìn tỷ đồng của khu vực doanh nghiệp nhà nước. 

Chìa khóa cho Việt Nam thịnh vượng
Cầu vượt mang biểu tượng hoa xương rồng 600 tỷ ở Quảng Nam do tư nhân đầu tư. Ảnh: Zing News

Các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo nhiều việc làm nhất với 8,57 triệu, cao hơn nhiều so với 1,31 triệu việc làm của doanh nghiệp nhà nước.

Về số lượng doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, doanh nghiệp nhà nước chỉ có 2.663, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số 505.067 doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước tại thời điểm cuối năm 2016.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thực hiện Nghị quyết 10 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân tại phiên họp Chính phủ tháng 12, dư nợ tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân liên tục tăng qua các năm và chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, chiếm tới hơn 87% tính đến tháng 9/2018.

Đó là thực tế vô cùng sinh động và khác hẳn so với những kết quả nghiên cứu của chính Tổng cục Thống kê cho rằng, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chỉ chiếm khoảng 9% GDP trong suốt hàng chục năm qua.

Nhưng, doanh nghiệp tư nhân vẫn  là mục tiêu của phân biệt đối xử

Có nhiều cơ sở để nhận định, doanh nghiệp tư nhân vẫn là nơi bị hắt hủi. Chi phí cơ hội, chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh, trong hoạt động cũng như chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân trong tiếp cận các dịch vụ công vẫn còn rất phổ biến.

Tại không ít các cơ quan công quyền, doanh nghiệp, người dân vẫn bị gây khó khăn, nhũng nhiễu bởi những quy định còn nặng tính cục bộ của chính các cơ quan đó hay của một bộ phận công chức, viên chức.

Trong suốt 5 năm qua, Chính phủ đã liên tục ban hành các Nghị quyết 19, song xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn mới chỉ đạt ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (đứng thứ 69/190 về môi trường kinh doanh, thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa vào nhóm 4 nước dẫn đầu (đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh).

Vẫn còn nhiều chỉ số cải thiện chậm. Đặc biệt một số chỉ số bị tụt hạng mạnh so với khu vực và thế giới như chỉ số về giải quyết Phá sản doanh nghiệp năm 2018 giảm 8 bậc so với 2016, ở vị trí cuối bảng xếp hạng, Giao dịch thương mại qua biên giới giảm 7 bậc.

Chỉ số Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản (Thủ tục chuyển nhượng tài sản đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, không phải đăng ký mới) trong nhiều năm không có cải cách nào và thứ hạng liên tiếp tụt giảm bậc. Qua 5 năm, chỉ số này của nước ta giảm 27 bậc từ vị trí 33 xuống vị trí 60. Đây là lĩnh vực của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Thủ tướng đã giao các Bộ cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, 50% danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Chính phủ cho biết, một số lĩnh vực đã có Dự thảo Nghị định, nhưng chưa được ban hành, ví dụ lĩnh vực Giao thông vận tải (còn 5/9 Nghị định), Y tế, Ngân hàng nhà nước. Bộ Công an không đề xuất sửa đổi mặc dù thực tế, một số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công an đang gây trở ngại cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất chưa đạt yêu cầu cắt giảm 50%. Một số điều kiện kinh doanh cắt giảm, sửa đổi, nhưng không thật sự tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Ví dụ như điều kiện kinh doanh cắt bỏ, nhưng lồng ghép vào các quy chuẩn kỹ thuật; sửa đổi điều kiện kinh doanh với mục đích tránh gây sự chú ý, nhưng bản chất không thay đổi; một số điều kiện kinh doanh sửa đổi thậm chí gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp; Vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp; Chứng chỉ hành nghề do các cơ quan quản lý nhà nước cấp tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực xây dựng); Mở rộng thêm các quy định về điều kiện kinh doanh trong thành phần hồ sơ...

Như vậy có thể thấy, Thủ tướng đã rất có cam kết rất cao nhưng các bộ thừa hành đã không tuân thủ nghiêm chỉnh và đây rõ ràng là tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Nghị quyết 10 của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Những mục tiêu này sẽ “góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đi nhắc lại chuyện phát triển kinh tế tư nhân, chắc chắn đó sẽ là một cam kết để hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng. Đó mới chính là chìa khóa để Việt Nam trở nên thịnh vượng.

 

Trong dự thảo Nghị quyết 19 của năm 2019, Chính phủ cam kết cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

Theo đó,

Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh (của WB) lên 15-20 bậc; trong năm 2019 tăng 5-7 bậc.

Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF) tăng 5-10 bậc; trong năm 2019 tăng 3-5 bậc.

Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo - GII (của WIPO) lên 5-7 bậc; trong năm 2019 tăng từ 2 đến 3 bậc.

Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB) lên 5-10 bậc.

Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) lên 10-15 bậc; trong năm 2019 tăng 7-10 bậc.

Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN) lên 15-20 bậc; trong năm 2020 tăng 10-15 bậc.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây