Nghe người làm báo nói về thời "Kỷ nguyên số"

Thứ sáu - 17/03/2017 19:28
(PL News) - Trong kỷ nguyên số, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kết nối, số lượng các tờ báo điện tử cũng nở rộ khắp nơi trên thế giới, truyền tải thông tin dưới mọi hình thức. Không ai có thể phủ nhận được công nghệ đã mang tới những tiện ích vượt bậc cho người làm báo, nhưng mặt trái của nó cũng rất khó lường... 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Đó là những chia sẻ của nhiều nhà báo tại Diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số” diễn ra chiều 17/3, trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2017.

“Kỷ nguyên số” - Người người làm báo

Nhà báo Đào Phương Thảo, Phó trưởng ban Báo điện tử Đài PT-TH Hà Nội đánh giá: "Chúng đã đã và đang sống trong thời kỳ của kỷ nguyên số. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kết nối, số lượng các tờ báo điện tử cũng nở rộ khắp nơi trên thế giới, truyền tải thông tin dưới mọi hình thức".

Theo nhà báo Phương Thảo, sự phát triển của Internet và các phương tiện kết nối tác động mạnh mẽ đến các loại hình, thay đổi và tạo ra một thế hệ những người làm báo thời Internet. Họ làm báo nhanh hơn, nhạy bén hơn, có kỹ năng khai thác thông tin đa dạng hơn.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có gần 35 triệu người sử dụng Internet, trong đó có khoảng 30 triệu người sử dụng các trang mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook. Sự phát triển mạnh mẽ, sức hấp dẫn, cập nhật, “xuất bản” thông tin dễ dàng, tốc độ lan truyền nhanh chóng, liên tục theo từng giây là những ưu thế mà mạng xã hội đem đến trong kỷ nguyên công nghệ số.

Nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng ban công tác Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, kỷ nguyên số thổi sinh khí mới cho thông tin bùng nổ khắp hành tinh. Mọi sự kiện tự nhiên và xã hội; sự vụ, vấn đề liên quan đến cuộc sống xã hội, đến cộng đồng đây đó, chúng ta đều sớm biết, thậm chí chỉ trong tích tắc.

Tính ưu việt của công nghệ thông tin, của phương tiện tác nghiệp và thông tin như laptop, ipad, điện thoại thông minh khi kết nối với internet giúp bao việc từ tra cứu tài liệu, từ điển đến cất giữ, sao chép, gửi thư từ, tin nhắn, bài vở về địa điểm trình duyệt; đến việc tiếp nhận thông tin của các loại hình báo chí, báo hình, báo nói, báo viết đến báo ảnh và Facebook cá nhân.

Nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng Biên tập - Báo Nhà báo & Công luận cho rằng, ở thời đại này ai cũng có thể làm báo. Điều này đã và đang xảy ra khi chúng ta sống trong thời kỳ mà kỹ thuật số đang phát triển như vũ bão. “Chúng ta không còn sống trong một thế giới mobile-first, ưu tiên điện thoại di động nữa mà chúng ta đang sống ở trong thế giới mobile only - chỉ dành cho thiết bị di động”.

Theo nhà báo Trần Lan Anh, dễ dàng nhận thấy mọi hành động tra cứu thông tin, đọc báo, sử dụng mạng xã hội, xem video, nghe nhạc, nghe radio… của hầu hết người trẻ hiện nay đều diễn ra trên điện thoại di động. Nắm bắt được xu hướng này, Facebook, Google, Yahoo… đã tích hợp ứng dụng tin tức, giải trí, xem phim, xem video, phát video trực tuyến… trên cùng một website nhằm giữ chân người dùng và tăng doanh thu quảng cáo.

Ngoài ra, với sự xuất hiện của mạng xã hội, trang blog cá nhân, cả xã hội tham gia vào quá trình chia sẻ thông tin. Người dân với thiết bị di động thông minh đang làm thay công việc của các nhà báo, đưa thông tin nhanh và đa dạng hơn các nhà báo.

Sự phát triển của công nghệ ảnh hưởng cực lớn đến nghề làm báo. Ảnh minh hoạ: Internet.

Hậu quả khó lường

Tuy thừa nhận những ưu việt của công nghệ trong thời “Kỷ nguyên số” nhưng các nhà báo cũng cho rằng điều này cũng có những mặt trái.

Nhà báo Nguyễn Uyển cho biết, trước kia bài báo hay nhờ chi tiết đắt, ngồn ngộn hơi thở của cuộc sống, do tác giả dấn mình vào thực tế để khai thác tài liệu. Nay thì chưa hẳn, vì người ta vẫn có thể ngồi một chỗ, kết nối thông tin để tham khảo, để “khai thác”, để viết nhiều, thậm chí viết rất hay, viết rất nhanh”. Nhưng đây cũng là nơi vấp ngã, là tai họa, sập sụp của không ít nhà báo. Đơn giản vì tiếp nhận thông tin nhanh từ mạng, không rõ nguồn, chưa kiểm chứng, chưa rõ bản chất thực của sự vụ, sự việc... đã khai thác, tiếp nhận và tạo nên tác phẩm mới của mình rồi lại tham gia thông tin.

“Cứ thế, cứ thế cái sai được tiếp nối, chia sẻ, lan truyền theo cấp số nhân... Hậu quả, thiệt hại từ thông tin sai gây ra trong kỷ nguyên số là vô cùng lớn và rất khó khăn, mất nhiều thời gian cho việc sửa sai, đính chính”, nhà báo Nguyễn Uyển nói.

Còn theo nhà báo Đào Phương Thảo, với khối lượng thông tin lớn được truyền tải từng giây, từng phút qua mạng internet, con người không còn đủ khả năng kiểm soát hết thông tin. Công chúng trong kỷ nguyên số đang phải sống chung với những luồng thông tin thật giả, xấu tốt lẫn lộn. Để phản ánh nhanh và đúng sự thật, đưa vấn đề đạo đức, trách nhiệm của báo chí trong môi trường truyền thông kỹ thuật số thành vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay.

Nhắc về mặt trái của công nghệ đối với người làm báo, nhà báo Trần Lan Anh cho rằng, Robot làm báo, nhà báo Facebook, làm báo Mobile… đó là những khái niệm còn mới ở Việt Nam nhưng đang là xu hướng phát triển của báo chí thế giới.

Chính xu hướng này đã khiến các tòa sọan báo tại Việt Nam phải guồng chân tăng tốc để chiếm thị phần trong miếng bánh thông tin ngày càng chật hẹp. Làm sao để độc quyền thông tin, làm sao để thu hút độc giả là những câu hỏi làm đau đầu tất cả các nhà quản lý báo chí. Đương nhiên, nảy sinh cơ hội thì cũng đối đầu với nhiều thách thức.

“Trong thời báo chí hiện đại, tin nóng, tin nhanh, tin độc... không phủ nhận là sự đòi hỏi “sống, chết” của từng tòa soạn nhưng cách xử lý thông tin của mỗi tờ báo sẽ khẳng định đẳng cấp của mình”, nhà báo Trần Lan Anh nói.

Nguồn tin: VietTimes:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây