Làm thế nào để giúp cha mẹ giành quyền nuôi con khi ly hôn ?

Thứ ba - 06/04/2021 22:05
(TVLMP) - Ngoài việc phân chia tài sản chung khi ly hôn, thì việc giành quyền nuôi con là vấn đề được những người làm cha mẹ đặc biệt quan tâm. Vậy quyền nuôi con được quy định như thế nào khi ly hôn? Tranh chấp quyền nuôi con sẽ được giải quyết ra sao? Thủ tục để yêu cầu Tòa án xác định người trực tiếp nuôi con? Nếu có cùng những thắc mắc trên, hãy liên hệ với Tư vấn luật miễn phí tại 40/2 Trần Lương, TP. Quy Nhơn hoặc qua số máy 0768 058 117 để được hỗ trợ giải đáp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Người mẹ muốn giành quyền nuôi con phải làm thế nào?

Chị Phạm Thị Thu Hương (thuhuong1995@gmail.com) nhờ LS của Tư vấn luật miễ phí, tư vấn nội dung sau: "Tôi hiện đang sống tại quận GH cùng với 2 con ( 1 bé 3 tuổi 9 tháng và 1 bé 10 tháng). Tôi đã có hộ khẩu tại quạn GH, nhà tôi đang sinh sống là nhà vợ chồng tôi mua sau khi chúng tôi làm đám cưới.

Từ khi cưới nhau thì anh ta đã đánh tôi rất nhiều lần. Khi tôi mang bầu đứa con đầu và sinh con, Chồng tôi làm ngoài HN anh ta để mặc mẹ con tôi cho chị em tôi chăm sóc, không quan tâm, thăm nom gì. Gần đây tôi phát hiện anh ta có mối quan hệ bất chính và còn dùng bạo lực với tôi. Ngoài ra từ lúc sinh đứa thứ 2, anh ta không hề hỗ trợ tiền sinh hoạt cho tôi, toàn bộ tiền sinh hoạt gia đình, tiền học của con… đều do tôi lo. Đứa con đầu và đứa con tôi mới sinh đều do em gái của tôi 1 tay chăm sóc và nuôi dạy lúc tôi đi làm.

Giờ tôi muốn ly hôn và muốn được nuôi 2 đứa con. Nhờ LS tư vấn giúp tôi làm sao tôi được nuôi 2 đứa con tôi ?"

Luật sư tư vấn, như sau:

Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn thì:

"...1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."

Ngoài ra còn có pháp luật quy định về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn tại điều 82 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:

"..1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."

Trong trường hợp của chị Hương, đối với cháu dưới 1 tuổi thì đương nhiên tòa sẽ giao cho mẹ theo nguyên tắc. Còn trong trường hợp chị muốn giành quyền nuôi 2 cháu thì chị nên trình bày và đưa ra tòa những căn cứ về điều kiện  về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên dành cho con, yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi giải trí, trình độ học vấn… của cha mẹ.

Cùng với những căn cứ trên, chị nên đưa ra những căn cứ về việc người cha thờ ơ, không quan tâm chăm sóc con. Bỏ mặc mọi trách nhiệm nuôi dạy con cho chị. Ngoài ra người cha còn thường xuyên có hành vi bạo lực đối với chị, đó là hành vi đáng lên án và không nên để trẻ tiếp xúc với những hành vi không hay đó. Vấn đề này quy định cụ thể tại Điều 83 Luật HNGĐ năm 2014 về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

"1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình...."

Và khi chị giành được quyền trực tiếp nuôi con thì chồng chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng có thể vợ chồng chị tự thỏa thuận, nếu không có thể nhờ tòa giải quyết.
 

2. Làm sao để giành được quyền nuôi con sau khi ly hôn?

Bạn Nguyễn Ngọc Tuyên (nguyenngoctuyen1979@gmail.com) nhờ giải đáp: "Chào luật sư, mong luật sư tư vấn hộ e. E  sinh năm 93. Chồng e sinh năm 92. E có 3 cháu, 1 cháu được 3t, 2 cháu được 11tháng. Giờ vợ chồng e hết tình cảm với nhau muốn ly hôn .Chồng e sửa xe máy trong miền nam và hiện ở cùng với bé lớn từ 21/12 âm năm ngoái. E thì ngoài bắc cùng 2 bé nhỏ. Vì xích mích mẹ ck nàng dâu mà từ khi sinh 2 cháu đk 1 tháng 4 ngày e về ngoại. Bảo ra mấy hôm đến 28/12 âm về  thì mẹ ck khóa cửa vào nam luôn bảo không để chìa khóa ở nhà nên từ đó đến giờ e và 2 bé ở ngoại. Vì bảo ra mấy hôm về nên e không mang gì cả chỉ mang cho con ít tã lót còn lại để hết nhà nội. Ở ngoại e phải sắm hết mới cho 2 con.  Từ khi e ra ngoại thì chồng e không chu cấp bất kỳ 1 chi phí nào chăm 2 con. Chúng e có vào phường nên e nhượng lại cho họ rút về đk tất cả là 78triệu. Thì e gửi vào nam cho con lớn 20tr còn để lại cho 2 đứa nhỏ 58tr.  Vốn của chúng e còn có 100tr gửi ngân hàng mang tên mẹ ck. Nhưng bữa đầu năm ck e có mổ chân, hỏi thì a ấy bảo lấy hết ra chi trả trong khi không bảo e 1 câu gì cả. E cũng còn mấy chỉ vàng cưới nhưng hiện tại mẹ ck đang giữ. Bảo bán lấy tiền mua sữa cho cháu thì bà bảo để trong nhà khóa rồi tết bà về rồi tính. E hiện là công nhân. Ck không đoái hoài gì đến vợ và 2 con ở nhà. Giờ chúng e muốn ly hôn thì thủ tục sao ạ. E muốn giành quyền nuôi cả 3 đứa có được không ạ. Nếu không thì có cách nào không ạ.Mong luật sư tư vấn cho e ạ". 

Về trường hợp bạn Tuyên hỏi, Luật sư tư vấn như sau:

Bạn, chồng bạn hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Trường hợp hai vợ chồng bạn cùng yêu cầu ly hôn và đã thỏa thuận được về vấn đề tài sản, con cái thì Tòa án có thể ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể:

"Điều 55. Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn."

Trường hợp chồng bạn không có yêu cầu ly hôn hoặc không đồng ý thuận tình ly hôn nhưng bạn có yêu cầu ly hôn thì bạn có thể thực hiện việc ly hôn đơn phương. Tuy nhiên, trong trường hợp ly hôn đơn phương thì theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 Tòa án chỉ giải quyết ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng bạn có hành vi bao lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của bạn. Cụ thể:

"Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia."

Bạn cần nộp đơn đến Tòa án nhân dân quận( huyện) nơi bạn hoặc chồng cư trú, làm việc theo thỏa thuận của vợ chồng trong trường hợp thuận tình ly hôn. Trường hợp bạn đơn phương ly hôn thì nộp đơn tại Tòa án nơi chồng bạn cư trú, làm việc. Hồ sơ bao gồm:

- Đơn khởi kiện ly hôn;

- Đăng ký kết hôn ( bản chính );

- Giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, sử dụng tài sản nếu có tranh chấp về tài sản ( nếu có);

- Giấy khai sinh của các con (bản sao có công chứng, chứng thực )

- CMTND, sổ hộ khẩu,..( bản sao có công chứng, chứng thực)

Trường hợp Tòa án quyết định cho vợ chồng bạn ly hôn thì việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con sau khi ly hôn sẽ do vợ chồng bạn tự thỏa thuận. Trường hợp không tự thỏa thuận được thì theo quy định tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 Tòa án sẽ giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.

"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

....như đã trích dẫn tại câu hỏi (1) và (2)"

Do đó, nếu bạn muốn Tòa án giao cho bạn trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cả 3 con của bạn thì bạn cần chứng minh mình đảm bảo điều kiện các mặt để chăm sóc cho các con và những điều kiện của bạn vượt trội hơn hẳn so với các điều kiện của chồng: có công việc ổn định với mức lương đáp ứng điều kiện vật chất cơ bản, có chỗ ở hợp pháp, đảm bảo điều kiện về mặt thời gian để đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần cho các con, môi trường sống lành mạnh,...

Chúc bạn gặp nhiều may mắn !

Tác giả bài viết: Luật sư Lê Hoài Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây