Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm
4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó có thể hiểu rằng hành vi làm giả hồ sơ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật khi cá nhân, tổ chức tiến hành làm giả con dấu, tài liệu thể hiện thông tin không chính xác về quá trình tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng như các vấn đề pháp lý khác liên quan nhằm mục đích trục lợi chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy để biết rằng hành vi đó có vi phạm pháp luật hay không thì phải xác định như thể nào? Hiện nay, các nhà làm luật chỉ yêu cầu chứng minh được rằng người đó dùng hồ sơ giả này để thực hiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhằm mục đích trục lợi mà không yêu cầu chứng minh thêm về hậu quả khi những chủ thể đó được giải quyết tiền bảo hiểm thất nghiệp
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn A có tham gia làm việc tại Công ty N từ tháng 9/2018. Sau khi kết thúc 2 tháng thử việc, anh A bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2018. Tháng 1/2020, do gia đình có việc đột xuất, anh A đã tự ý nghỉ việc, không tuân thủ quy định về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (tức anh A chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật). Sau khi được Công ty chốt sổ và trả sổ bảo hiểm xã hội, vì muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp nên anh A đã tự mình soạn thảo thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa Công ty N và anh. Đồng thời anh A cũng làm giả con dấu của Công ty cũng như chữ ký của giám đốc công ty trong văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Tháng 3/2020, anh A nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh T. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết hồ sơ, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh T đã phát hiện ra bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động giữa anh A và Công ty N là giả. Hành vi của anh A bị coi là hành vi làm giả hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 53. Tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp
3. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:
b) Tìm được việc làm;
Vấn đề xác định người lao động đã có việc làm được hướng dẫn cụ thể tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định Nghị định 28/2015/NĐ-CP. Theo đó nếu người lao động đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 03 tháng trở lên hoặc có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc thì được coi là đã có việc làm.
Nếu đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động đã có việc làm nhưng lại không khai báo thông tin tìm kiếm việc làm một cách trung thực, cố tình hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó thì bị coi là vi phạm pháp luật về hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Khi thực hiện các hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì người thực hiện hành vi đó sẽ phải chịu những chế tài sau:
Thu hồi bảo hiểm thất nghiệp được hiểu là người lao động sẽ phải chi trả lại các khoản tiền trợ cấp thất nghiệp, tiền hỗ trợ học nghề và kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm… đã được hưởng mà đáng lý ra họ không đủ điều kiện để được nhận hoặc có hành vi sai phạm khi đang hưởng các chế độ trợ cấp này.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH thì khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp thì cơ quan ban hành quyết định về việc hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp phải ban hành quyết định thu hồi số tiền đã chi sai. Như vậy, khi người lao động thực hiện các hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp như: làm giả hồ sơ, đã có việc làm nhưng không khai báo trung thực mà vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp… thì sẽ phải hoàn trả lại các khoản trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện các hành vi vi phạm đó.
Khi thực hiện các hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì ngoài việc phải hoàn trả các khoản trợ cấp đã được nhận thì các chủ thể thực hiện hành vi đó còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi này được quy định rất chi tiết tại Khoản 1 Điều 39 Nghị định 28/2020/NĐ-CP. Theo đó khi thực hiện các hành vi vi phạm để hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm có thể bị phạt các mức như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau: (1) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; (2) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; (3) Đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung.
Ngoài việc phải hoàn trả số tiền trợ cấp đã được nhận hoặc bị phạt hành chính thì các chủ thể thực hiện những hành vi lách luật để hưởng bảo hiểm thất nghiệp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) thì khi thực hiện các hành vi vi phạm về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Tác giả bài viết: Luật gia Lê Công Tâm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn