Khiếu nại là hình thức người dân tham gia vào giám sát hoạt động hành chính

Thứ ba - 15/01/2019 20:16
(Thanh tra)- Khiếu nại hành chính (KNHC) là quyền cơ bản của công dân ở mọi Nhà nước, thể hiện ý chí của công dân mong muốn Nhà nước xem xét lại những quyết định mà công dân cho là trái pháp luật hoặc không hợp lý. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định đối tượng của KNHC như mục tiêu và vai trò của hoạt động giải quyết khiếu nại; điều kiện xã hội cụ thể hay năng lực cả thiết chế thực thi.
Khiếu nại là hình thức người dân tham gia vào giám sát hoạt động hành chính

Khiếu nại là hình thức người dân tham gia vào giám sát hoạt động hành chính

KNHC là phương thức tự bảo vệ các quyền và lợi ích khi bị xâm hại

Tại đề tài “Đối tượng của KNHC – những vấn đề lý luận và thực tiễn”, ThS. Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra chia sẻ, KNHC không chỉ là quyền mà còn là phương thức căn bản để mỗi người tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại bởi các cơ quan Nhà nước.

KNHC thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, thể hiện bản chất dân chủ của một Nhà nước. Để thể hiện quyềnKNHC, cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất chính là xác định những đối tượng có thể bị khiếu nại, lấy đó làm căn cứ để xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết và các vấn đề pháp lý khác có liên quan.

Có thể phân loại đối tượng của KNHC theo nhiều tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, không có tiêu chí nào có thể nêu được hết các loại đối tượng của KNHC.

Trên thế giới các quốc gia quy định về đối tượng KNHC không giống nhau, điều này phụ thuộc vào mục tiêu của KNHC ở mỗi quốc gia.

Thông thường, KNHC nhắm đến các mục tiêu: Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trước những hành động vi phạm pháp luật của cơ quan hành chính; giúp cơ quan hành chính Nhà nước kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, xác lập kỷ cương trật tự và sự tôn trọng pháp luật; đóng góp vào hoàn thiện hoạt động hành chính thông qua việc giúp các cơ quan Nhà nước kịp thời phát hiện những sai lầm, hạn chế trong hoạt động của mình để uốn nắn, sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

Đặc biệt, khiếu nại cũng là một cách để người dân và tổ chức tham gia vào giám sát hoạt động hành chính, thực thi đúng bản chất dân chủ của chính quyền và cuối cùng, khiếu nại góp phần cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với người dân, tổ chức.

Nếu phạm vi khiếu nại càng rộng mở thì khả năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức càng cao; nhiều hành vi vi phạm của cán bộ và cơ quan Nhà nước được xử lý hơn; hoạt động của cơ quan hành chính có nhiều cơ hội được hoàn thiện; và sự tham gia của nhân dân trở nên tích cực hơn trong hoạt động hành chính.

“Pháp luật điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội và hiệu quả của sự điều chỉnh pháp luật phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế xã hội cụ thể - ở đó pháp luật được tạo lập và tồn tại”, bà Thúy nhấn mạnh.

Đối tượng của khiếu nại càng rộng thì khả năng bảo vệ quyền lợi càng cao

Thiết kế khung pháp luật về khiếu nại cũng chịu sự chi phối của điều kiện kinh tế - xã hội hiện hành. Ở Việt Nam, sự biến chuyển của pháp luật khiếu nại phản ánh chính xác bối cảnh kinh tế xã hội cụ thể.

Pháp lệnh quy định việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được ban hành năm 1981 đã từng có quy định rất rộng mở về đối tượng khiếu nại. Việc xác định đối tượng khiếu nại hết sức rộng phản ánh bối cảnh phát triển của thời kỳ trước:một mặt là tinh thần dân chủ, đổi mới và đề cao quyền làm chủ của nhân dân; nhưng mặt khác cũng phản ánh sự chưa phân công chuyên nghiệp giữa các cơ quan Nhà nước; sự thiếu vắng các cơ chế chuyên biệt để giải quyết các xung đột đặc thù.

Sự phát triển của kinh tế, xã hội và nhu cầu tìm những cơ chế giải quyết tranh chấp đặc thù và chuyên nghiệp đã dẫn đến những thay đổi mới trong xác định đối tượng của khiếu nại hành chính. Cơ chế xét xử hành chính ra đời, dẫn đến việc xác lập cơ chế riêng cho khiếu nại.

Đến 2011, Luật Khiếu nại ra đời, tách biệt cơ chế giải quyết khiếu nại với tố cáo. Sự phân biệt giữa đối tượng của khiếu nại hành chính so với tố cáo, với xét xử hành chính phản ánh sự chuyên môn hoá trong cơ chế giải quyết các xung đột hành chính hiện thời. Các cơ chế phong phú này phản ánh sự phát triển của tổ chức bộ máy Nhà nước, của dân chủ hoá xã hội và của nhận thức về pháp quyền.

ThS. Lê Thị Thúy khẳng định, đối tượng của khiếu nại càng rộng mở thì khả năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức càng cao; việc kiểm soát các vi phạm trong hoạt động hành chính càng được tăng cường.

 

Tác giả bài viết: Bảo Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây