Ẩn dụ mới và những thách thức dị thường

Thứ ba - 08/01/2019 05:29
Chúng ta vẫn thường nói hai mặt đồng tiền để chỉ cái tốt và xấu, tích cực và tiêu cực song hành trong mọi hiện tượng. Nhưng thế giới đã thay đổi.
Ẩn dụ mới và những thách thức dị thường

 


Chúng ta vẫn thường nói hai mặt đồng tiền để chỉ cái tốt và xấu, tích cực và tiêu cực song hành trong mọi hiện tượng. Nhưng thế giới đã thay đổi. Ẩn dụ về đồng tiền cũng khác, giờ đây còn có tiền ảo và tiền điện tử, khả toán và khó mô tả bằng vật lý.

Quyết định bất ngờ rút quân khỏi Syria của Donald Trump, việc chỉnh sửa bản đồ gen của Hạ Kiến Khuê hay các dự án SpaceX của Elon Musk đã chia rẽ ý kiến của cộng đồng quốc tế thành nhiều luồng, ủng hộ, không ủng hộ, không có chính kiến và ngay cả trong các luồng cũng có nhiều sắc thái, cấp độ.

Ẩn dụ mới và những thách thức dị thường
Chúng ta vẫn thường nói hai mặt đồng tiền để chỉ cái tốt và xấu, tích cực và tiêu cực song hành trong mọi hiện tượng. Nhưng thế giới đã thay đổi.

Niềm vui và hy vọng

Trước hết là điều tích cực. Đoàn tàu kinh tế thế giới năm qua ở giữ tốc độ tốt, khoảng 3,5%. Các nền kinh tế lớn, trừ Trung Quốc, đều tăng trưởng khả quan. Thực tế là tốc độ của Trung Quốc vẫn còn khá cao nhưng vì sau một thời gian dài luôn ở mức ấn tượng nên việc tăng trưởng giảm xuống dưới 7% khiến có sự lo lắng.

Công nghệ tiếp tục phát triển như vũ bão, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và công cụ quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng thực lực quốc gia. Kinh tế tri thức đã vượt mức đóng góp 50% GDP toàn cầu.

Các mô hình kinh tế mới như kinh tế số (thương mại điện tử, hạ tầng số, thông tin trực tuyến), kinh tế chia sẻ (Uber, Grab, AirBnb, Wefarm, TripAdvisor) xuất hiện, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với các mô hình kinh doanh, tổ chức sản xuất và cung cấp dịch vụ truyền thống.

Nếu như tốc độ là yếu tố mấu chốt thì trong Cách mạng 4.0, nhiều quốc gia có thể đạt đến tiêu chí này mà không nhất thiết chỉ có các nước lớn. Đức, Pháp và Thụy Điển cũng giữ nhiều ưu thế về trí tuệ nhân tạo, là thứ có thể đem đến tốc độ. Đến năm 2025, từ nền tảng hiện nay, GDP của ASEAN sẽ tăng thêm 1600 tỷ USD nhờ kinh tế số.

Một thực tế có liên quan, các nền kinh tế mới nổi, tuy còn thiếu nhiều yếu tố vững bền, tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu.

Về địa lý, châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là nơi hội tụ không chỉ về liên kết, tăng trưởng kinh tế-thương mại mà còn cả địa chiến lược toàn cầu. Dù triệt thoái nhiều nơi, chính quyền Trump vẫn ưu tiên triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (FOIP). Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc đang triển khai với quy mô chưa từng có.

Toàn cầu hóa, tự do hóa không còn hứng khởi như những năm đầu 2000, thế giới không “phẳng” như Thomas Friedman nói, mà đa tầng nấc. Nhưng xu thế đó không bị triệt tiêu như nhiều ý kiến bi quan. Năm qua, FTA Nhật Bản-EU, USMCA (phiên bản mới của NAFTA) và CPTPP, ba hiệp định có quy mô hàng đầu, vẫn được ký kết.

Điều quan trọng nhất, hòa bình, an ninh thế giới được giữ vững. Căng thẳng và chiến tranh chỉ xảy ra cục bộ, ví dụ tại Syria. Chiến tranh không còn là phương cách tốt nhất để thực hiện lợi ích. Người Trung Quốc nói là “bất chiến tự nhiên thành”. Sở hữu quân đội hùng mạnh, nhưng Mỹ vẫn rút khỏi Syria và một phần hai lực lượng tại Afghanistan, cho rằng giải pháp quân sự không mang lợi ích tối ưu.

Bán đảo Triều Tiên đi vào hòa giải và đối thoại, góp phần tháo gỡ những viên gạch đầu tiên từ “bức tường” chia cắt cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, từ đó đem đến hy vọng.

Nỗi lo và thất vọng

Bên cạnh niềm vui và hy vọng là nỗi lo và thất vọng. Cuộc chiến thương mại, sâu xa hơn là cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, mang đến nỗi lo nhiều hơn. Sở dĩ nói nhiều hơn là vì cuộc cạnh tranh này vẫn mang đến một số mặt tích cực như việc hai nước chuyển hướng thị trường và đầu tư đã làm lợi cho bên thứ ba, ví dụ ASEAN.

Nhưng lợi ích chỉ trong ngắn hạn, bởi va chạm của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang làm chao đảo cả con thuyền chung. Hơn nữa, việc tận dụng các cơ hội tùy thuộc chủ yếu vào năng lực bên trong của các nền kinh tế hơn là các điều kiện bên ngoài, vốn có thể có thay đổi, ví dụ nếu Mỹ và Trung Quốc tìm được giải pháp thỏa hiệp.

Chủ nghĩa đa phương không còn thuận như những năm trước. G7 và APEC không ra được tuyên bố chung, G20 đạt đồng thuận tối thiểu. Mỹ rút khỏi UNESCO, Hội đồng nhân quyền, Hiệp định hạt nhân Iran và Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Chủ nghĩa song phương tăng lên với việc Mỹ đề nghị đàm phán FTA với từng nước riêng rẽ sau khi rút khỏi TPP. Các nước lớn tiếp tục sử dụng cơ chế song phương để tạo thế với những nước nhỏ yếu hơn, thậm chí có lúc nhằm bẻ từng chiếc đũa, chia để trị.

Luật pháp quốc tế, tuy vẫn là công cụ vô cùng quan trọng cho hòa bình, ổn định, công bằng, bình đẳng, nhưng bị thách thức nhiều bề. Việc xây dựng các văn bản pháp lý trở nên khó khăn. Khía cạnh thực thi không sáng sủa hơn, các bên liên quan đã không tuân thủ pháp quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS 1982.

Trong bối cảnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng tăng, cả về kinh tế và an ninh và có nhiều vấn đề xuyên biên giới, ví dụ như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, tội phạm có tổ chức, sự suy giảm hợp tác quốc tế là nỗi thất vọng lớn nhất trong năm nay. Một nghịch lý giữa nhu cầu tăng lên trong khi hành động đáp ứng giảm xuống.

Gốc rễ nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Hòa bình ổn định được duy trì nhưng nguy cơ chiến tranh, xung đột tăng vì cả ý muốn chủ quan, tính toán sai lầm hay sự cố ngoài ý muốn dưới tác động của công nghệ (ví dụ lỗi mạng). Chủ nghĩa cường quyền có dấu hiệu trở lại. Mật độ phương tiện tăng lên khiến Biển Đông trở nên nguy hiểm hơn.

Khó đoán và dị thường

Những bất định, vốn là đặc trưng của thế giới trong những năm qua, luôn gây nên hệ quả khó lường. Thomas Schelling, nhà kinh tế lý thuyết trò chơi, cho rằng trong điều kiện thiếu thông tin, các “tay chơi” có xu hướng chọn giải pháp tốt nhất cho bản thân và do vậy, tất cả đều không đạt kết quả tối ưu.

Mỹ vẫn là siêu cường nhưng khoảng cách với nhóm nước kế tiếp đang thu hẹp lại. Sự chuyển dịch quyền lực sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, kể cả bẫy “Thucydides” - là kịch bản trong đó sự đổi ngôi quyền lực, nếu không quản trị tốt, sẽ dẫn đến xung đột.

Sự thay đổi chính sách bất ngờ có thể làm bùng phát các mâu thuẫn vốn bấy lâu âm ỉ. Bài học của các cuộc thế chiến, cách mạng Mùa xuân Ả rập và phong trào “áo vàng” tại Pháp vừa qua cho thấy điều đó.

Các điểm nóng an ninh như bán đảo Triều Tiên, biển Đông, eo biển Đài Loan, Syria có thể trở thành nơi giải quyết mâu thuẫn giữa các nước, nhất là các nước lớn. Trong điều kiện thiếu hợp tác, các quốc gia sẽ tự lực cánh sinh, tự cứu và nghi ngờ đối thủ nhiều hơn. Vì thế, ngân sách quốc phòng tiếp tục tăng (khoảng 1,1% trên quy mô toàn cầu, vượt mức 1700 tỷ USD, là mức cao nhất kể từ sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh).

Năm qua, với tỷ lệ tăng tweet 35%, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ đích chuyển thông điệp chính trị qua kênh phi truyền thống này. Là một trong những chính khách dị thường và khó đoán nhất trong lịch sử nước Mỹ, sau 2 năm Trump sa thải hoặc chứng kiến 10 thành viên nội các từ chức trong khi 65% nhân viên liên bang xin chuyển việc. Điều đáng chú ý là tư tưởng của Trump vẫn có sự ủng hộ đáng kể.

Nhiều quyết định nằm ở khoảng xám, không phải trắng hay đen. Xây tường là giúp bảo đảm an ninh nội địa Mỹ, hạn chế nhập cư trái phép nhưng liệu có phải là phương cách tối ưu trong điều kiện có thể sử dụng công nghệ cao? Xây tường hay bảo đảm tính ổn định của chính phủ là ưu tiên hàng đầu? Cuộc tranh cãi trắng-xám-đen đã dẫn đến hệ quả là lần thứ ba trong năm Chính phủ Mỹ phải đóng cửa.

Dự án tên lửa SpaceX để tìm hiểu sự sống trên Sao Hỏa (xác suất cực thấp) hay để bán xe điện Telsa, nghệ thuật PR đỉnh cao?

Thế giới có nhiều câu hỏi hơn câu trả lời.

Không có giải pháp duy nhất đúng. Hiện tượng “Thiên nga đen” (là hiện tướng hiếm khi xảy ra nhưng nếu xảy ra thì hệ quả khó lường) ngày càng nhiều và có lẽ trở thành Thiên nga trắng (phổ biến). Phải chăng màu xám trở thành một ẩn dụ mới?

Các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng. Nhật Bản không đạt mục tiêu kinh tế năm 2018 vì quý III chịu nhiều thiên tai. Inđônêxia liên tục phải đối phó với động đất, sóng thần. 95% các tảng băng lâu đời và dày nhất của Bắc Cực đã mất.

Nếu thực hiện đúng cam kết với hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (giữ nhiệt độ chỉ tăng lên đến 2,5o), GDP toàn cầu vẫn bị giảm 15%. Còn nếu không thực hiện được, ví dụ với việc Mỹ rút khỏi hiệp định, nhiệt độ tăng lên 3o, thì GDP toàn cầu sẽ mất 1/4  so với mức năm 2010.

2019

Đoàn tàu kinh tế năm tới có thể sẽ chậm lại một chút: các gói kích thích tài chính của Chính quyền Trump sẽ hết tác dụng, FED đã tăng lãi suất, Trung Quốc sẽ đối mặt với sức tiêu dùng giảm, thị trưởng nhỏ đi, Nhật có thể khả quan hơn nhờ cải cách thuế nhưng mới chỉ qua giai đoạn trì trệ, Ấn Độ tăng trưởng tốt nhưng lạm phát đang tăng cao, đồng Rupee mất giá, Đức giảm xuất khẩu do chính sách kiểm soát khí thải mới cho ô tô chặt chẽ hơn.

Những căng thẳng trong năm 2018 có trở thành những xung đột trong năm 2019? Xác suất, theo các dự báo, sẽ không cao nhưng không thể xem thường.

Những giải pháp truyền thống sẽ không còn phù hợp với những vấn đề dị thường. Gánh nặng với các nước vừa và nhỏ sẽ tăng lên vì vừa phải ứng phó với các thách thức truyền thống, vừa phải xử lý các thách thức mới.

Điều quan trọng hơn hết là giữ nguyên tắc, tôn trọng quy luật, ví dụ như muốn phát triển tiếp phải giải phóng năng lực cho các thành phần, muốn bảo đảm an ninh thì xây dựng thực lực và hợp tác. Đồng thời, do tính khó đoán định và nhiều khoảng xám, các quốc gia cần hội đủ sự nhanh nhạy (tốc độ), linh hoạt, sáng tạo (mặt thứ ba của đồng tiền) và bản lĩnh (không ngại thay đổi) để biến cái dị thường, cái mới thành cơ hội.

Đón xem phần 2: Vượt lên sóng lớn

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây