Cán bộ ‘hư’, dân đi ‘cửa trước’ cũng khó… lọt

Thứ hai - 14/01/2019 02:10
Có biết bao sự cản trở trớ trêu khiến nhiều lúc người ta phải lựa chọn giữa tuân thủ và vi phạm, đâu chỉ là chuyện dừng đèn đỏ hay không.
Cán bộ ‘hư’, dân đi ‘cửa trước’ cũng khó… lọt

 


Sống theo pháp luật có dễ chăng?

Khi những thông tin ám ảnh vụ xe container tông chết 4 người ở Long An còn chưa kịp “nguội”, vài ngày trước, nhiều xe đang dừng đèn đỏ ở ngã tư tại Bình Dương lại bị ôtô tải phía sau lao tới tông trúng. Tai nạn làm 6 người bị thương, phải nhập viện cấp cứu.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều vụ “dừng đèn đỏ bị xe tông” từng xảy ra. Người ta không khỏi hoang mang về những tai nạn “trên trời rơi xuống”, khi người tuân thủ pháp luật lại trở thành nạn nhân.

Trong cuộc sống chẳng mấy ai không mong muốn có được sự an bình để yên tâm làm việc, học hành. Tuy vậy, có biết bao sự cản trở trớ trêu khiến nhiều lúc người ta phải lựa chọn giữa pháp luật và cuộc sống, giữa tuân thủ và vi phạm, đâu chỉ là chuyện dừng đèn đỏ hay không.

Người dân muốn lắm tìm hiểu và thực hiện các thủ tục theo đúng quy định, quy trình nhưng lại bất lực trước những thủ tục oái oăm rắc rối, có khi phi lý. Không thể đôi co lý sự với “ông” công chức, cuối cùng có những người đành chọn cách “chủ động” quà cáp, phong bì (trực tiếp hoặc qua những tay “cò”) dù biết đó là hành vi hối lộ bị cấm đoán.

Doanh nghiệp muốn làm ăn tử tế cũng khó có thể thực hiện mọi thứ theo pháp luật trong quá trình sản xuất kinh doanh chừng nào còn tồn tại ti tỉ loại “giấy phép con” thay đổi soành soạch, để rồi chấp nhận “nhờ vả”, đi cửa sau.

Ngay cả các cơ quan nhà nước cũng đâu dễ bỏ qua chuyện thăm hỏi, quà cáp lẫn nhau các dịp lễ tết để thuận lợi mỗi khi có phê duyệt biên chế, kinh phí hàng năm hay dự án. Cái cơ chế “xin cho” hô hét mãi nhưng vẫn cứ tồn tại đâu dễ tiêu vong. Thậm chí cái chuyện “xin-cho” thời 4.0 đã chuyển sang hình thức phết phẩy phần trăm phần nghìn cho nó phù hợp với thời công nghệ số!

Rồi cả tệ nạn tín dụng đen, đòi nợ thuê đang hoành hành dữ dội không đơn giản chỉ vì sự thiếu hiểu biết. Người dân không biết trông cậy vào ai trong những lúc khó khăn phải nhắm mắt đi vay nặng lãi dù biết thế là chui đầu vào rọ. Các chính sách cơ chế hỗ trợ người nghèo có cả, nhưng để “đủ tiêu chuẩn” được vay đôi lúc cũng phải qua những “quy trình” không có trong văn bản. 

Cán bộ ‘hư’, dân đi ‘cửa trước’ cũng khó… lọt
Dù biết sai luật, nhiều người vẫn phải chọn "cửa sau". Ảnh minh họa

Đòi nợ kiểu xã hội đen tồn tại khi người ta thấy khó trông cậy được vào cơ quan bảo vệ pháp luật. Lắm lúc cũng vì cái đám xã hội đen đầu gấu này “làm việc” nhanh chóng hơn, thậm chí là rẻ hơn so với việc theo đuổi kiện tụng dù “lệ phí đòi nợ thuê” có thể lên đến gần nửa số nợ đòi được…

Kể không hết hàng chục hàng trăm lý do đẩy con người đến chỗ phải chấp nhận “sống chung với lũ”, rơi tình thế buộc phải vi phạm để có thể đạt được cái mà họ xứng đáng được hưởng từ sự chở che của luật pháp.

Chỉnh quy trình, phải chỉnh cả cán bộ “hư”

Thực tế chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức không phải “quan hệ, ngoại giao”, để người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện thuận lợi nhất công việc của mình mà không phải xin xỏ chạy chọt.

Đó là những nghị quyết, nghị định về đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh… Đó là những quy định về chuyện quà biếu, quà tặng và mới đây là Đề án Văn hóa công sở nhằm góp phần lành mạnh hóa hoạt động công vụ, chống tệ tham nhũng vặt vốn làm xã hội ngứa ngáy. Đó là những đợt ra quân xử lý cơn bão tín dụng đen, xử lý việc đòi nợ thuê. V.v và v.v…

Không phải không có những tín hiệu đáng mừng từ những kết quả ban đầu nhưng hình như sự bền vững vẫn còn phải là điều chờ đợi. Những lo lắng, bức xúc vẫn thường trực mỗi khi phải có việc đến cơ quan công quyền. Và đôi khi trong cuộc sống người ta vẫn cứ phải “khôn ngoan” mà tìm ra cái cách luồn lọt dù chẳng muốn, phải “mua” cả những quyền chính đáng của mình!

Đã có không ít giải pháp được đưa ra. Tuy nhiên có thể khẳng định hai điều.

Một là, không một giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết, mà cần có một hệ thống liên hoàn các giải pháp với sự đồng bộ và vào cuộc của tất cả các bên, nhà nước, xã hội và từng người. Điều người ta hay nói đến là do cơ chế chính sách, tuy nhiên như Thủ tướng đã nói, cơ chế cũng do cán bộ mà ra. Vì vậy, cùng với việc chủ động rà soát để phát hiện để cắt bỏ ngay những quy định bất hợp lý, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.

Đây là điều mang ý nghĩa quyết định. Chẳng hạn, trong vụ xe container tông người ở Long An, ngay cả khi tìm ra một trong những nguyên nhân là tài xế ngủ gật vì dùng ma túy, thì trách nhiệm không chỉ thuộc về người đó hay doanh nghiệp sử dụng anh ta. Dư luận đòi hỏi truy trách nhiệm với cả các cá nhân, cơ quan quản lý giáo thông đã không làm chức trách hoặc vì lý do lợi ích mà “lờ đi” cho những vi phạm gây đến hậu quả thảm khốc.

Việc người dân phải tìm đến với tín dụng đen, trông cậy vào những tay “cò chuyên nghiệp” hay đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen cũng có phần nguyên nhân từ sự yếu kém và thiếu trách nhiệm của bộ máy công quyền.

Thứ hai, dù có giải pháp hay một hệ thống giải pháp đi chăng nữa, hiệu quả cũng không thể đến ngay và luôn. Nó đòi hỏi cả một quá trình thường xuyên liên tục, với tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quản quản lý và đội ngũ công chức tận tâm, liêm chính. Chứ không chỉ là những đợt ra quân, những chiến dịch ồn ào giống như một liều thuốc giảm đau, chỉ có tác dụng xoa dịu nhất thời trong khi bệnh tật ung nhọt vẫn còn nguyên đó và có thể phát tác bất kỳ lúc nào với những hậu quả khôn lường.

Tác giả bài viết: TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây