Biểu hiện thứ tư của “hai mặt”: Trình độ giả, bằng cấp thật
Thế giới thực sự ngạc nhiên khi biết quan chức Việt rất nhiều người có bằng tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư nhưng lại không có bất kỳ công trình khoa học nào được công bố. Hiện tượng sử dụng văn bằng giả hoặc bằng thật nhưng trình độ giả là khá phổ biến.
Thói sính bằng cấp đã khiến có thời gian chính quyền tổ chức vinh danh cả người tốt nghiệp cao đẳng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Nhà nước không khuyến khích việc sử dụng văn bằng giả nhưng thực tế Nhà nước cũng không có chế tài đủ mạnh răn đe những người sử dụng bằng giả.
Chưa thấy công bố trường hợp nào vì sử dụng văn bằng giả mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những trường hợp điển hình đã bị phát hiện như ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Yên Bái, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh,… đều là lãnh đạo cao cấp diện Trung ương quản lý.Theo công bố của Trung tâm Công nhận văn bằng thuộc Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, có hàng chục ngàn văn bằng có yếu tố nước ngoài không được công nhận tại Việt Nam. [5]
Tình trạng sử dụng bằng thật trình độ giả, thậm chí là bằng giả 100% của “lãnh đạo, quan chức” nhằm thăng tiến không còn là cá biệt.
Họ đã “tự chuyển hóa” bản thân từ chỗ dốt nát thành người có “trình độ” thông qua bằng cấp, đây chính xác là sự suy thoái về đạo đức, lối sống, là hai mặt trong một con người được gọi là “công bộc” của dân.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 chỉ ra 6 bước chạy: “Chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội”.
Về chạy bằng cấp, bài “Bằng giả ‘ghế’ thật và những cuộc bổ nhiệm thần tốc” trong chuyên mục Tuanvietnam/Vietnamnet ngày 31/07/2018 có đoạn:
“Chạy bằng cấp” rất đáng lên án, bởi nó không dừng lại ở sự suy thoái về phẩm chất đạo đức cách mạng, mà cũng là một trong những biểu hiện của suy thoái về chính trị, làm mọt ruỗng văn hóa công quyền.
Vì những người chạy bằng cấp ngoài mục đích có chỗ làm tốt, vị trí ngon, bổng lộc nhiều, còn tự tạo cho mình một uy tín giả thông qua cái vỏ bọc có tấm bằng “cử nhân này, thạc sĩ nọ, tiến sĩ kia”.
Đấy là chưa kể những người không học hành hẳn hoi, không qua quá trình đào tạo chỉn chu mà vẫn sở hữu những tấm bằng danh chính ngôn thuận rồi “chui” vào các cơ quan công quyền ung dung làm cán bộ lãnh đạo, quản lý!”. [6]
Vấn đề không chỉ ở người sử dụng văn bằng giả, vấn đề còn nằm ở những cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân chịu trách nhiệm thế nào trong việc tạo nên văn bằng giả?Chuyện “lò ấp tiến sĩ”, chuyện “bội thực giáo sư” là một thực tế và chuyện chỉ có nhà nước mới tiếp nhận người có văn bằng giả đã được chính cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đề cập.
“Lò ấp thạc sĩ, tiến sĩ” tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chỉ là một trong những minh chứng về nạn “chạy bằng cấp”.
Hơn 40 người bị gạt khỏi danh sách phong giáo sư, phó giáo sư gần đây cũng chỉ là một trong các minh chứng.
Hậu quả của “trình độ giả, bằng cấp thật” là gì?
Báo cáo giám sát việc giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri cho thấy năm 2017 số văn bản trái pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành là 5.639 văn bản. Giai đoạn 1995-2015 là 90 nghìn văn bản trái pháp luật được ban hành. [7]
Tranh minh họa của Họa sỹ Khều |
Hai đạo luật sau khi được Quốc hội thông qua đã phải tạm hoãn thi hành để chỉnh sửa là Bộ Luật Hình sự và Luật Bảo hiểm xã hội.
Soạn thảo, ký ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đương nhiên phải là “lãnh đạo, quan chức”, thậm chí còn phải là người đứng đầu.
Những người này chắc chắn phải tốt nghiệp đại học, không mấy người không có bằng chuyên viên kèm theo bằng Lý luận chính trị, Quản lý hành chính nhà nước.
Trong 10 năm có tới 90 nghìn văn bản trái pháp luật được ban hành, bình quân 1 năm là 9.000 văn bản, một ngày khoảng 3 văn bản được “tung” ra để quản lý xã hội, có điều gì nguy hại hơn thế?
Liệu các chuyên gia có thể tìm thấy vài quốc gia khác có nét “tương đồng” như Việt Nam trong vấn nạn “lãnh đạo, quan chức” bằng cấp thật, trình độ giả?
Biểu hiện thứ năm của “hai mặt”: Lương thấp, thu nhập cao
“Giải thích về ngôi biệt thự khủng trên diện tích 16.000 m2 ở Thành phố Bến Tre, ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ, đã nói rằng ngoài tiền lương, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, ông còn làm thêm “đến thối cả móng chân móng tay”.Xin trích dẫn một đoạn trong bài viết trên báo Nongnghiep.vn:
Hay giải thích về ngôi biệt thự đồ sộ trên diện tích đất nông nghiệp hơn 1 ha, ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó ban Nội chính tỉnh Đắk Lắk, cho báo chí biết rằng ngoài giờ làm việc ở cơ quan, ông còn “chạy xe ôm thâu đêm suốt sáng”.
Mới đây nhất, giải thích với báo chí về nguồn gốc “cung điện” của mình bao gồm biệt thự, nhà sàn, nhà thờ, ao cá, cầu treo, vườn hoa... trên diện tích đất 13.000 m2, ông Phạm Sỹ Quý, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái cho biết ông từng phải đi buôn chít, nhiều đêm phải ngủ lại giữa rừng hoang, và mở cả hiệu chữa giầy”. [8]
Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, phải “buôn chổi đót, sửa xe máy, chạy xe ôm, bán cây cảnh” để xây biệt thự, mua đồng hồ đeo tay tiền tỷ, lo cho con cái du học ngước ngoài, thế họ nghỉ ngơi vào lúc nào?
Sao chưa thấy Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ lên tiếng mà để tình trạng “lãnh đạo, quan chức” vất vả như vậy?
Có người bảo ai nói thế người ta cười cho “thối mũi”.
Một khi phải “làm thối cả móng tay” thì người ta ngại gì “thối mũi”!
Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh trong bài: “Ẩn số biệt thự 100 tỉ của giám đốc Công an Đà Nẵng” viết:Chắc chắn không thiếu dẫn chứng về thu nhập ngoài luồng cao ngất ngưởng của “lãnh đạo, quan chức” song chỉ xin thêm một minh họa:
“Một nữ cựu trưởng phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa mới công tác vài năm đã có biệt thự nhiều tỉ đồng; một bí thư huyện Duy Tiên, Hà Nam sở hữu căn biệt thự lộng lẫy hết biết ở một khu đô thị; một cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái có trong tay rất nhiều nhà, đất, trong đó có biệt phủ rộng mênh mông.
Và giờ thì biệt thự của giám đốc Công an Thành phố Đà Nẵng không phải chục tỉ mà là trăm tỉ…”. [9]
Hậu quả của “Lương thấp, thu nhập cao” có phải là làm băng hoại đạo đức cán bộ?
Báo chí dẫn phát biểu của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - đoàn Hà Nội - tại diễn đàn Quốc hội như sau:
“Có một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy Đảng ở các địa phương có những biểu hiện chỉ “quan tâm” đến phái nữ.
Vì họ muốn có thêm “vợ bé”, “bồ nhí” để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có, nên chỉ đạo cấp dưới đưa vào quy hoạch bổ nhiệm “hot girl siêu tốc” vào vị trí quản lý lãnh đạo ở các địa phương”. [10]
Phải chăng bà Trần Thị Quốc Khánh chỉ dựa vào câu chuyện cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô hay cũng còn vào câu chuyện “nâng đỡ không trong sáng” ở Thanh Hóa?
Báo Tuoitre.vn ngày 07/01/2018 có bài: “Không bồ nhí bất thành quan chức”. [11]
Tiếng là chuyện bịa nhưng chẳng hiểu sao người đọc lại cứ cho là thật?
Mới chỉ điểm sơ qua 5 biểu hiện đã thấy “lãnh đạo, quan chức” có tới 10 “mặt”, “mặt” khoe ra và “mặt” đậy lại.
Tìm thêm các “mặt” khác không khó, “đậy lại” mới khó.
Tài liệu tham khảo:
[6] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/bang-cap-gia-thang-tien-that-va-nhung-cuoc-bo-nhiem-than-toc-463350.html
[7] https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/ban-hanh-van-ban-trai-phap-luat-trach-nhiem-thuoc-ve-nguoi-dung-dau-nganh-va-dia-phuong/788436.antd
[8] https://nongnghiep.vn/nuc-cuoi-chuyen-co-biet-thu-khung-nho-lam-them-den-thoi-mong-tay-post197352.html
[9] http://plo.vn/phap-luat/an-so-biet-thu-100-ti-cua-giam-doc-cong-an-da-nang-767687.html
[10] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/vo-be-bo-nhi-va-viec-bo-nhiem-than-toc-hot-girl-1206545.tpo
[11] https://tuoitre.vn/khong-bo-nhi-bat-thanh-quan-chuc-20180103164242513.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn