Sửa luật để ngăn chặn hành vi thông đồng “thổi giá” từ các Doanh nghiệp Thẩm định giá

Thứ năm - 14/05/2020 22:26
(TVLMP) - Nguyên tắc hoạt động thẩm định giá theo quy định tại Điều 29 của Luật Giá 2012 phải bảo đảm tính tính trung thực, khách quan, không phụ thuộc vào bên mua hay bên bán. Song trên thực tế cho thấy, thẩm định viên và tổ chức có chức năng thẩm định giá vẫn có thể đưa ra giá thẩm định thấp cho bên mua hoặc giá cao cho bên bán, tùy theo lợi ích của bên thuê thẩm định giá. Vậy kẽ hở của luật nằm ở đâu ? Giải pháp nào để ngăn chặn những vụ “ thổi giá” từ các doanh nghiệp Thẩm định giá ?
Bị can Nguyễn Nhật Cảm (ảnh to) và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội vừa bị CO3 khởi tố
Bị can Nguyễn Nhật Cảm (ảnh to) và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội vừa bị CO3 khởi tố

Bài viết của Luật gia Vũ Lê Minh (đăng trên Pháp lý điện tử ngày 14-5-2020)   
        

Theo quan điểm của Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định): “Thẩm định giá không phải là giá giao dịch cuối cùng của tài sản, nhưng sẽ là căn cứ căn bản để hai bên thương thảo. Chính vì thế, tính khách quan là yếu tố quan trọng trong việc thuê Thẩm định giá nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên. Ở nhiều quốc gia, luôn có cơ chế giám sát doanh nghiệp thẩm định giá, nếu phát hiện có hành vi thông đồng với khách hàng thẩm định giá để làm sai lệch kết quả thẩm định giá sẽ bị xử lý nghiêm và trong cơ chế cạnh tranh thị trường, doanh nghiệp đó tất yếu sẽ mất uy tín và bị khách hàng từ bỏ”.

Còn ở Việt Nam, đã có nhiều vụ án xảy ra, có sự tiếp tay của khâu Thẩm định giá. Một ví dụ rõ nhất là quá trình CPH, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thời gian qua đã cho thấy nhiều trường hợp “bán rẻ” tài sản nhà nước, gây thất thoát vốn nhà nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc xác định giá trị doanh nghiệp không thực hiện đúng các quy định pháp luật, trong đó có vai trò của thẩm định giá.

Mới đây nhất là vụ CDC Hà Nội nâng khống giá trị thiết bị vật tư y tế phòng chống dịch. Vai trò thẩm định giá đến đâu trong vụ CDC Hà Nội và các địa phương khác trong việc mua sắm các gói thiết bị phòng chống Covid19 chắc chắn tói đây cũng sẽ bị lật tẩy.

Hay một ví dụ khác, vụ mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) với giá gần 9.000 tỉ đồng, kết luận của Thanh tra cho biết, Tổng công ty Viễn thông Mobifone đã sử dụng kết quả thẩm định của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX để đàm phán với tổng mức đầu tư dự án này là 16.500 tỷ đồng.

Nguyên tắc hoạt động thẩm định giá theo quy định tại Điều 29 của Luật Giá 2012 phải bảo đảm tính tính trung thực, khách quan, không phụ thuộc vào bên mua hay bên bán. Song trên thực tế cho thấy, thẩm định viên và tổ chức có chức năng thẩm định giá vẫn có thể đưa ra giá thẩm định thấp cho bên mua hoặc giá cao cho bên bán, tùy theo lợi ích của bên thuê thẩm định giá.

Vậy kẽ hở của luật nằm ở đâu ? Luật Giá quy định thẩm định viên có quyền hoạt động độc lập về chuyên môn nghiệp vụ; và có nghĩa vụ “ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá về kết quả thẩm định giá…” (Điều 37). Thế nhưng lại quá dễ dãi khi không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định; hoặc hỗ trợ tạo điều kiện cho thẩm định viên hoạt động độc lập về chuyên môn, không chịu sự chi phối hay sức ép bất cứ từ bên nào ? Muốn định giá cao thì thẩm định viên tô hồng tài sản, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó, còn nếu muốn định giá thấp thì phớt lờ các lợi thế của tài sản như: thương hiệu, giấy phép… ? Chỉ đến khi vụ việc bị cáo giác, Thanh tra, Kiểm toán nhà nước vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết số liệu, kết quả thẩm định giá là… “khống”.

Chính từ kẽ hở trên mới có chuyện lạ lùng, tại phiên tòa xét xử vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG (diễn ra vào cuối năm 2019), bị cáo Hoàng Duy Quang, nguyên thẩm định viên Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX khai bị cáo không hề tham gia thẩm định giá trị doanh nghiệp nhưng vẫn vô tư ký với tư cách là thẩm định viên trong chứng thư và báo cáo thẩm định giá, để được hưởng hoa hồng 15% giá trị hợp đồng. Trong khi đó bị cáo Võ Văn Mạnh, nguyên Giám đốc Công ty AMAX, trước sự truy vấn của chủ tọa, thừa nhận đưa ra con số dựa vào báo cáo “anh em công ty làm nên bị cáo ký” do non kém chuyên môn nghiệp vụ. Bị cáo không có thực tế làm định giá doanh nghiệp, không xem tài liệu. Bị cáo nhận thức việc ký là không đúng. ..


                       
CDC 1
Tọa đàm định hướng cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên ngành Thẩm định giá ( ảnh minh họa)


Trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước thì hoạt động thẩm định giá của nhiều tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân tham gia là cần thiết để tạo ra sự cạnh tranh tích cực về giá. Theo đó, rất cần có những thẩm định viên chuyên nghiệp, trung thực vừa hồng vừa chuyên. Muốn vậy sự độc lập về chuyên môn nghiệp vụ của thẩm định viên là điều kiện cần để đảm bảo có được những chứng thư và báo cáo thẩm định giá khách quan, phù hợp với giá trị thực. Song ở chiều ngược lại sự độc lập đó sẽ biến thành con dao 2 lưỡi đối với những thẩm định viên không có tâm, có tầm hay nói cách khác là yếu kém về năng lực nhưng lại thừa thủ đoạn.

Tuy nhiên sẽ là phiến diện nếu cho rằng sự thất thoát tài sản nhà nước do định giá “ảo” bắt nguồn từ “thủ phạm” mang tên thẩm định viên, các doanh nghiệp có chức năng thẩm định. Vì kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản (khoản 1 Điều 42 Luật Giá 2012). Nói như vậy để thấy rằng, trách nhiệm của thẩm định viên, các doanh nghiệp có chức năng thẩm định là giới hạn; cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản mới là người quyết định cuối cùng.

Vì vậy để không còn những vụ án nâng khống giá trị xảy ra do có tiếp tay của Thẩm định viên, bên cạnh việc sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật làm hạn chế sự lạm quyền của thẩm định viên và các tổ chức hoạt động về thẩm định giá theo hướng muốn “lách” cũng không có “cửa”, thì cần bổ sung quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm… Đặc biệt xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản, nếu phát hiện có hành vi thông đồng, nâng khống, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước.
 

Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định): “Thẩm định giá không phải là giá giao dịch cuối cùng của tài sản, nhưng sẽ là căn cứ căn bản để hai bên thương thảo. Chính vì thế, tính khách quan là yếu tố quan trọng trong việc thuê Thẩm định giá nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên. Ở nhiều quốc gia, luôn có cơ chế giám sát doanh nghiệp thẩm định giá, nếu phát hiện có hành vi thông đồng với khách hàng thẩm định giá để làm sai lệch kết quả thẩm định giá sẽ bị xử lý nghiêm và trong cơ chế cạnh tranh thị trường, doanh nghiệp đó tất yếu sẽ mất uy tín và bị khách hàng từ bỏ”.
 

Luật sư, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Việc ban hành các tiêu chuẩn, các quy định về quản lý nghề và công việc thẩm định giá là hết sức cấp bách. Phải tuyển dụng các chuyên gia thẩm định giá giỏi vào các cơ quan quản lý nhà nước và bảo vệ pháp luật, để đội ngũ này hướng dẫn hoạt động thẩm định giá lành mạnh cho xã hội, đồng thời phản biện, phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây