Khi hành lang pháp lý bảo hộ bản quyền trên mạng Internet còn bất cập ?

Thứ tư - 14/09/2022 03:18
(Phản biện) – Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên mạng Internet đã và đang là vấn nạn toàn cầu. Câu chuyện Công ty TNHH Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam (Sconnect) mới đây viết đơn cầu cứu đến 4 Bộ trưởng nhờ lên tiếng bảo vệ bản quyền sản phẩm sáng tạo và yêu cầu phía 2 DN sản xuất phim hoạt hình có trụ sở ở London - Anh là Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited (gọi tắt chung là EO) chấm dứt các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh trên không gian mạng Internet là “giọt nước tràn ly”...
Tọa đàm học sinh, sinh viên với bản quyền trên không gian mạng do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tháng 4/2022.
Tọa đàm học sinh, sinh viên với bản quyền trên không gian mạng do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tháng 4/2022.

Giọt nước tràn ly…

Cùng với gửi đơn kêu cứu đến 4 Bộ trưởng (Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Công Thương), trước đó ngày 19/8/2022, Sconnect cũng đã nộp đơn khởi kiện EO ra Toà án Moscow (Nga) và TAND TP Hà Nội. Đồng thời, Sconnect cũng kiến nghị Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, đề nghị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xử lý vi phạm pháp luật đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh do phía EO đã thực hiện.

Đến nay, bản quyền sản phẩm sáng tạo Wolfoo của Sconnect đã được cấp chứng nhận bản quyền hình ảnh bộ (với 20 nhân vật) tại Việt Nam và Mỹ; chứng nhận bản quyền kịch bản phim và phim hoạt hình tại Việt Nam. Bộ nhãn hiệu Wolfoo cũng đã nộp đơn đăng ký thành công tại Việt Nam, Nga, Mỹ và EU. Căn cứ theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2019) và Điều 2, Điều 3 Công ước Berne năm 1971 (sửa đổi bổ sung năm 1979) về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật thì giá trị pháp lý của các chứng nhận bản quyền Wolfoo đã được cấp có giá trị toàn cầu và được áp dụng đối với 181 quốc gia là thành viên của Công ước Berne.

Như vậy theo Luật SHTT và Công ước Berne, bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo và toàn bộ các tập phim hoạt hình Wolfoo của Sconnect đương nhiên phải được bảo hộ trên 181 quốc gia là thành viên của Công ước Berne, trong đó có Vương quốc Anh và Mỹ, Nga, Việt Nam. Thế nhưng Sconnect cho biết, từ cuối năm 2021 tới nay, EO liên tục có các hành vi vi phạm pháp luật để cạnh tranh không lành mạnh khiến Sconnect tổn thất vô cùng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh cũng như danh tiếng của thương hiệu. Trong khi đó, đơn vị trung gian là nền tảng YouTube không có động thái xử lý các sai phạm của EO theo quy định về ngăn chặn hoặc nghiêm cấm các hành vi lạm dụng chính sách của YouTube.

Hành vi ăn cắp bản quyền của EO có thể xem là “giọt nước tràn ly”, trở thành vấn nạn không chỉ ở Việt Nam. Tính đến tháng 6/2022, Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng chặn truy cập của người dùng tại Việt Nam trên 500 website vi phạm bản quyềnCác hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền rất tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che giấu thông tin chi tiết và thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam. Nhiều trang web bị chặn nhiều lần nhưng vẫn tồn tại theo nhiều tên khác và rất khó chứng minh các web này có liên quan với nhau, tức là sự phát sinh các trang này nhanh hơn nhiều so với các giải pháp ngăn chặn. Đặc biệt là tình trạng vi phạm bản quyền video trực tuyến ngày càng phổ biến, số lượng người dùng trái phép tăng lên 15,5 triệu năm 2022, làm thất thoát 348 triệu USD, chiếm 18% doanh thu của toàn ngành video hợp pháp. 

Hệ lụy của hành vi vi phạm bản quyền không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cá nhân làm công việc sáng tạo, các đơn vị cung cấp nội dung mà còn ảnh hưởng tới công chúng. Để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại này, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã áp dụng một số biện pháp mạnh tay. Theo đó, cùng với tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật; Công ước Brussel về việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh; Công ước Rome về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng… Việt Nam đã ban hành Luật SHTT năm 2005 và sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2022 ngày càng tương thích. Tuy nhiên những nỗ lực đó vẫn chưa đủ để thiết lập được trật tự trên không gian mạng, nhất là bảo hộ quyền SHTT, khi mà tốc độ phát triển công nghệ 4.0 như vũ bão.

Khu vui chơi Wolfoo tại Hà Nội

Chưa tìm thấy tín hiệu lạc quan từ các vụ kiện

Cho đến nay đã gần 2 năm nhưng vụ kiện do Vie Channel (đơn vị sản xuất và phân phối chương trình Rap Việt, Người ấy là ai?) đòi Spotify AB, một công ty con của ứng dụng âm nhạc toàn cầu Spotify, bồi thường 9,53 tỉ đồng (vì vi phạm bản quyền 19 bài hát của chương trình Rap Việt và 19 tập phát sóng chương trình Người ấy là ai), vẫn chưa có kết quả. Spotify AB, có trụ sở tại Thụy Điển (Regeringsgatan 19, SE-111 53 Stockholm, Sweden), là một nhánh của Spotify cung cấp dịch vụ âm nhạc trực tuyến cho tất cả các thị trường ngoài Mỹ).

Trong vụ kiện này, Vie Channel đã dẫn ra các cơ sở pháp lý để thực hiện, quyết theo đuổi đến cùng. Vie Channel đặt nhiều niềm tin vào vụ kiện còn là vì Việt Nam và Thụy Điển đều là thành viên của Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại được thông qua ngày 15/11/1965 tại phiên họp lần thứ 10 của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 110/2016. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để TAND TP.HCM tống đạt các giấy tờ tư pháp tới Spotify AB tại Thụy Điển.

Trước đó không lâu (24/8/2020), Công ty Cổ phần VNG cũng nộp đơn kiện TikTok đòi bồi thường thiệt hại hơn 221,5 tỉ đồng vì cho rằng TikTok đã để cho các clip đăng tải trên nền tảng này lồng ghép trái phép khoảng 150 bản quyền ghi âm bài hát trong hơn 11 triệu clip. Cùng với yêu cầu bồi thường, VNG còn yêu cầu TikTok xóa tất cả các phân đoạn nhạc lấy từ bản ghi của Zing (một công ty con của VNG) khỏi ứng dụng và trang web TikTok.

Tất cả 3 vụ kiện bên phía nguyên đơn đều cho biết, Tòa án có thẩm quyền đã thụ lý vụ kiện. Trong đó chỉ duy nhất VNG là công khai bằng văn bản vụ kiện đã được Tòa án TP.HCM có Thông báo thụ lý vụ án dân sự số 110/2020/TLST-KDTM  về việc “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”. Tuy nhiên cho đến nay chưa có vụ kiện nào được đưa ra xét xử. Vào thời điểm đó, vụ VNG kiện TikTok được cho là sáng cửa vì đã chọc vào đúng “gót chân Achilles” của TikTok và TikTok bị buộc phải đối mặt với vấn đề bản quyền âm nhạc trên nền tảng của mình tại Việt Nam.

Vì sao các vụ kiện bị giẫm chân tại chỗ chưa rõ nguyên nhân nhưng đã tạo ra một tiền lệ không mấy sáng sủa, ít nhiều tác động tiêu cực đến việc hình thành một “thói quen” khởi kiện vi phạm bản quyền bắt đầu le lói đã vội vụt tắt. Trả lời với báo chí lúc đó, ông Đoàn Đức Dương - đại diện pháp lý của Vie Channel cho rằng: “Trước đây, khi chúng ta muốn khiếu kiện các hành vi vi phạm bản quyền, nhất là với các cá nhân ở nước ngoài hoặc đơn vị vi phạm có trụ sở ở nước ngoài, thường người khởi kiện rất cân nhắc và e ngại... Nhưng nay, tôi nghĩ việc khiếu kiện cũng nên trở thành thói quen - việc làm hiển nhiên để tố cáo những hành vi sai trái”.

Trong khi đó việc để kéo dài thời gian xét xử vụ án, vô hình trung trở thành một “khoảng trống pháp lý” tạm thời để cho các bị đơn là các ông lớn Spotify AB, TikTok… tiếp tục vi phạm. Việc 2 DN sản xuất phim hoạt hình có trụ sở ở London - Anh là Entertainment One UK Limited và Astley Baker Davies Limited liên tục có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khiến Sconnect tổn thất vô cùng nghiêm trọng và đơn vị trung gian là nền tảng YouTube không có động thái xử lý các sai phạm của EO theo quy định về ngăn chặn hoặc nghiêm cấm không loại trừ có xuất phát từ nguyên nhân này.

Khó xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm bản quyền

Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT, theo Điều 204 Luật SHTT quy định, bao gồm: Thiệt hại về vật chất bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại; thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; người biểu diễn… Mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở các tổn thất thực tế mà chủ thể quyền SHTT phải chịu do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên trên thực tế để xác định mức độ thiệt hại như luật định theo các chuyên gia luật luôn là vấn đề gặp nhiều khó khăn, đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả trong môi trường Internet còn khó khăn hơn rất nhiều. Trong đơn khiếu nại gửi đến các cấp có thẩm quyền, ông Tạ Mạnh Hoàng – Giám đốc Sconnect cho biết: “Những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO khiến chúng tôi tổn thất vô cùng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh doanh cũng như danh tiếng của thương hiệu”. Theo tính toán, hành vi của EO gây thiệt hại cho Sconnect lên tới 300.000 USD. Còn trước đó Vie Channel đòi Spotify AB bồi thường 9,53 tỉ đồng, VNG đòi TikTok bồi thường thiệt hại hơn 221,5 tỉ đồng… Tuy nhiên đó là thông tin từ một phía. Con số thiệt hại cụ thể mà Sconnect, Vie Channel hay VNG  đưa ra dựa vào cơ sở nào và được thực hiện bỡi một cơ quan nào không thấy đề cập đến…

Việc sử dụng tác phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tâm lý của công chúng, khả năng thẩm thấu nghệ thuật… Ví dụ, trường hợp tác phẩm điện ảnh “Cánh đồng bất tận”, “Bụi đời chợ lớn” bị công bố trái phép trên mạng Internet, sau đó được truyền tải rộng rãi trên mạng cũng như được phân phối dưới hình thức DVD lậu, khó mà xác định được chính xác mức thiệt hại. Bởi lẽ, không ai biết được tác phẩm này, nếu được trình chiếu ngoài rạp chiếu phim, sẽ có bao nhiêu lượt vé được bán, chiếu được trong bao lâu, doanh thu là bao nhiêu?

Rất có thể vì ý thức sự khó khăn nói trên mà trong đơn khởi kiện và các tài liệu gửi tới TAND TP Hà Nội, Sconnect tố cáo EO sử dụng trái phép nhãn hiệu Wolfoo trong các video Peppa Pig - vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 129 Luật SHTT, khoản 2, khoản 8, khoản 12 Điều 28 Luật SHTT 2005 và vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 129 Luật SHTT 2005.  Đồng thời, đề nghị Toà xem xét phán quyết buộc EO phải chấm dứt các hành vi vi phạm nhãn hiệu và đăng công khai xin lỗi Sconnect trên 3 tờ báo quốc tế mà không đề cập đến yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nếu thắng kiện phải trải qua thủ tục thi hành án phức tạp

Trong đơn khởi kiện và khiếu nại hành vi của EO đã được Sconnect nêu rõ vi phạm khoản 2, khoản 8, khoản 12 Điều 28 Luật SHTT 2005 và vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 129 Luật SHTT 2005.  Có nghĩa EO đã có hàng loạt hành vi vi phạm mà pháp luật Việt Nam điều chỉnh, gồm: mạo danh tác giả; sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình; sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự...

Để bảo vệ quyền lợi của mình trước khi gửi đơn cầu cứu đến 4 Bộ trưởng và Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Sconnect đã nộp đơn khởi kiện EO tại Tòa án Moscow (Nga) và TAND TP Hà Nội. Hiện Tòa án Moscow (Nga) đang thụ lý giải quyết quyết vụ án. Câu hỏi đặt ra là nếu TAND TP Hà Nội thụ lý thì phán quyết buộc EO bồi thường cho Sconnect sẽ được giải quyết như thế nào? Vì chủ thể bị xâm phạm quyền là pháp nhân Việt Nam, tác phẩm được sáng tạo tại Việt Nam và được bảo hộ bởi pháp luật Việt Nam và pháp luật của các nước tham gia điều ước quốc tế Công ước Berne…

Trao đổi với PV, Luật sư Lưu Bá Khiết (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, nếu vụ kiện được TAND TP Hà Nội thụ lý và phán quyết buộc EO hoặc YouTube  bồi thường thiệt hại cho Sconnect thì khả năng thi hành án tại Vương quốc Anh hay tại Mỹ lại càng thấp hơn. Thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp mà nước ta ký kết với các nước thì bản án, quyết định của tòa án Việt Nam vẫn có thể được công nhận và cho thi hành tại các quốc gia khác trên thế giới.

Tuy nhiên để bán án được thực thi, bên thắng kiện phải trải qua một quy trình phúc tạp thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án Việt Nam tại Anh. Việc Sconnect tiến hành các thủ tục khởi kiện EO trên nước Nga chắc chắn chi phí sẽ rất tốn kém nhưng nếu thắng kiện sẽ càng khó thi hành án hơn vì EO không có trụ sở hoặc tài sản trên đất Nga…

Chế tài có nhưng chưa có cơ chế để xử phạt

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 28/2017/NĐ-CP), đối với những hành vi vi phạm bản quyền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng và bị áp dụng hình phạt bổ sung là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm hoặc bị buộc tiêu hủy tạng vật vi phạm. Bên cạnh hình thức xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 225 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)…

Hiện nay để bảo vệ bản quyền các tác phẩm trên môi trường số, Trung tâm Bản quyền số (thuộc Hội truyền thông số Việt Nam) sử dụng hai giải pháp công nghệ là: DDC VDRM (giải pháp bảo vệ bản quyền nội dung video cho báo chí) và DDC Watcher (Hệ thống lắng nghe dò quét, phát hiện và cảnh báo vi phạm bản quyền báo chí, âm nhạc, ấn bản điện tử). Hiện phạm vi dò quét của hai công nghệ nói trên đang phủ khoảng 600 đầu báo, forum, blog, 90 triệu profile Facebook, 2 triệu page và 3 triệu group trên các mạng xã hội như Facebook và YouTube và tương lai sẽ mở rộng ra nhiều mạng xã hội khác như Lotus, Gapo.

Tuy nhiên nếu phát hiện sai phạm, theo người đại diện Trung tâm Bản quyền số, cũng chỉ dừng lại ở những cảnh báo vi phạm. Trong đó, sự thiếu hợp tác để xử lý dứt điểm đến từ các nền tảng xuyên biên giới là một vấn đề nan giải. Phía Bộ Thông tin và Truyền thông từng cho biết, thực tế việc đấu tranh với Facebook và Google để yêu cầu xử lý các fanpage, tài khoản, kênh, video vi phạm gặp nhiều khó khăn khi mà các Tập đoàn Google, Facebook, YouTube chưa đặt văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam.

Vậy nên trong nhiều trường hợp, Facebook và Google cố tình không chịu gỡ các bài viết có nội dung xấu, độc mà viện lý do không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp. Nhiều bài viết, hình ảnh, video đăng tải trên các nền tảng xuyên biên giới dù vi phạm pháp luật nhưng vẫn được cho phép quảng cáo, bật kiếm tiền. Phía sau câu chuyện bình phong là san sẻ lợi nhuận cho nhà sản xuất nội dung, nguồn tiền vẫn vô tư chảy vào túi các nền tảng xuyên biên giới.


Kiện “ông lớn” vi phạm bản quyền rất gian nan

Kiến nghị giải pháp

Việc phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự đa dạng của các thiết bị có khả năng truy cập Internet, sự gia tăng sử dụng Internet đã đặt ra rất nhiều vấn đề pháp lý phức tạp trong bảo hộ quyền SHTT, đặc biệt là quyền tác giả. Mặc dù chính phủ các nước đã rất nỗ lực rất nhiều trong việc thiết lập khung pháp luật quốc tế cung như hoàn thiện pháp luật trong nước cho việc bảo hộ các quyền này trong môi trường số, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực thi quyền nhưng rõ ràng là việc đảm bảo thực thi hiệu quả các quyền này trong môi trường số không phải là vấn đề đơn giản.

Trở ngại về mặt pháp lý như đã phân tích ở trên đã và đang khiến nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lúng túng và chưa thật sự mặn mà theo đuổi các vụ kiện vi phạm bản quyền tới cùng. Từ thực tế cho thấy, không chỉ là việc sửa đổi hành lang pháp lý theo hướng dễ nhận diện và xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm bản quyền gây ra, tạo ra điều kiện thuận lợi để thực thi các chế tài của pháp luật mà còn là câu chuyện từ phía các cơ quan tố tụng. Do pháp luật tố tụng chưa tương thích với các hiệp định tương trợ tư pháp đã ký với các nước tham gia Công ước Berne; hay vì thiếu trách nhiệm… khiến cho các vụ kiện bị bế tắc ? Cần phải được làm rõ để tái thúc đẩy các vụ kiện vi phạm bản quyền có liên quan đến yếu tố nước ngoài đảm bảo đi đến cùng chân lý, tạo ra một tiền lệ tích cực, có như vậy mới tạo ra sự răn đe cần thiết. Một khung pháp lý đầy đủ và thực sự mang lại hiệu quả sẽ là cơ sở quan trọng cho việc bảo vệ quyền tác giả.

Trong bối cảnh đó, việc Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022 vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/01/2023 được kỳ vọng sẽ bịt được những khoảng trống pháp lý, qua đó sẽ thổi được “luồng gió mới” vào lĩnh vực đăng ký và bảo hộ quyền SHTT, trong đó có bảo hộ bản quyền tác phẩm văn hóa nghệ thuật trên không gian mạng. Tuy nhiên, theo Luật sư Lưu Bá Khiết, Luật sửa đổi chỉ ưu tiên khắc phục những bất cập trong bảo hộ quyền SHTT đối với sản phẩm công nghiệp, dược phẩm, giống cây trồng... Liên quan đến quyền bảo hộ tác phẩm trên không gian mạng, tại Điều 198b Luật sửa đổi đã bổ sung được trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (là doanh nghiệp cung cấp phương tiện kỹ thuật để tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ đưa nội dung thông tin số lên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet (như Google, YouTube, Facebook…), có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet liên quan đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của mình. 

Với quy định trên, trong vụ việc Sconnect khởi kiện EO, thì hành vi của nền tảng YouTube (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian) phớt lờ không có động thái xử lý các sai phạm của EO theo quy định về ngăn chặn hoặc nghiêm cấm loại trừ có hành vi cạnh tranh không lành mạnh khiến Sconnect tổn thất vô cùng nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trong đó chế tài cao nhất là bị xử lý hình sự, nếu như đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Điều đó có nghĩa, những vụ kiện về xâm xâm phạm bản quyền tác phẩm kiểu như Sconect, Vie Channel hay VNG đang theo đuổi vẫn phải tuân thủ theo quy trình thủ tục tố tụng của pháp luật Việt Nam và pháp luật của các nước tham gia Công ước Berne. Hay nói cách khác, một phiên tòa có yếu tố nước ngoài về bảo hộ quyền tác phẩm được diễn ra tại Việt Nam và đi đến cùng sự thật sẽ còn xa thẳm, bỡi những bất cập về thủ tục tố tụng chưa được khai thông…

Trong lúc chờ đợi sự hoàn thiện của pháp luật, sự nhập cuộc tích cực của các cơ quan tố tụng, các doanh nghiệp phải tự cứu mình. Đó là cho dù thế nào thì việc đăng ký quyền SHTT vẫn quyết định đến việc thành bại của chính doanh nghiệp. SHTT là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tài sản hữu hình của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là, giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu của doanh nghiệp chiếm đến 3/4. Do đó, công tác tự bảo vệ mình cũng vô cùng quan trọng, tự bảo vệ bằng cách kiểm soát, liệu có đối thủ cạnh tranh đăng ký quyền tương tự ngay từ đầu để phản đối, khiếu nại, phối hợp với cơ quan thực thi để bảo vệ cho mình

Tác giả bài viết: Luật gia, Nhà báo Minh Trung 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây