Tan nát rừng phòng hộ Sông Kôn

Thứ năm - 29/03/2018 03:17
Ngày 29/3 ông Đinh Văn Hươm, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, huyện đang chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn, khu vực giáp ranh 2 xã Jơ Ngây và Tà Lu.
Tan nát rừng phòng hộ Sông Kôn
Tan nát rừng phòng hộ Sông Kôn

Còn chúng tôi, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân huyện Đông Giang, về việc rừng phòng hộ Sông Kôn giáp ranh 2 xã nói trên đang bị các lâm tặc tàn phá. Chúng tôi đã có chuyến đi thực tế tại điểm này và những gì tận mắt chứng kiến không khỏi kinh hoàng.

Theo đó, sau khoảng 2 tiếng đồng hồ đi bộ chúng tôi đã có mặt tại điểm xảy ra phá rừng. Tại đây, theo quan sát, chúng tôi nhận thấy thấy hàng chục gốc cây cổ thụ bị xẻ lấy gỗ, chỉ còn trơ gốc, bìa gỗ, nhánh cây,… và một số phách gỗ chưa kịp vẫn chuyển đi vẫn còn nằm ngổn ngang giữa rừng.

Ngoài ra, nhiều thân cây 2 người ôm không hết còn nguyên chưa kịp xẻ thành phách nằm khắp sườn núi với đường kính từ 1,2 -1,5 m, dài từ 8-10 m. Qua ước tính lượng gỗ bị chặt phá gần 100 m3. Tiếp đó, chúng tôi men theo vết trâu kéo gỗ nên lại đi tiếp khoảng 500 m, thì phát hiện thêm nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, nhiều phách gỗ bị xẻ thịt nằm ngổn ngang với vết cắt có cả mới lẫn cũ.

Nhiều người dân ở xã Jơ Ngây cho hay: Việc tình trạng các lâm tặc khai thác gỗ ở khu vực trên đã diễn ra thời gian dài. Tuy nhiên, lực lượng chức năng chưa có biện pháp xử lý. Các cây gỗ sau khi được cắt ngắn, xẻ thành phách được vận chuyển bằng bò kéo ra ngoài bìa rừng.

Việc các cây gỗ lớn ngã đổ, quá trình cắt xẻ cây, vận chuyển ra khỏi rừng tiếp tục tàn phá thêm một diện tích lớn khu rừng. Cảnh tượng nơi đây thật khủng khiếp.

Tan nát rừng phòng hộ Sông Kôn

Tan nát rừng phòng hộ Sông Kôn

Tan nát rừng phòng hộ Sông Kôn

Các phách gỗ lâm tặc chưa kịp vẫn chuyển ra ngoài.

Ông Hồ Văn Minh, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn cho rằng: “Do người dân gần đó sửa nhà nên vào rừng lấy gỗ, lợi dụng việc này lâm tặc đã khai thác để trao đổi mua bán. Về công tác quản lý thì hằng tháng họp giao ban và giao trách nhiệm quản lý cho các trạm phối hợp với các nhóm hộ. Thời gian tới, đơn vị sẽ không giao cho nhóm hộ nữa mà sẽ họp lại và giao cho cộng đồng để xây dựng tổ bảo vệ rừng”.

Ông Đinh Văn Hươm, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang xác nhận: “Có tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện và đã chỉ đạo công an và kiểm lâm vào cuộc điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý. Chúng tôi không bao che cho một ai. Nếu cơ quan nào, bộ phận nào để sai sót trong công tác, quản lý bảo vệ rừng thì địa phương sẽ xử lý theo quy định pháp luật”.

Cũng theo ông Hươm, từ những ngày đầu tháng 1, các cơ quan chức năng huyện Đông Giang đã nắm bắt được tình hình, có một nhóm đối tượng vào rừng phòng hộ để khai thác gỗ trái phép và lực lượng Công an huyện đã xác lập chuyên án đấu tranh. Đến ngày 8/3, lực lượng Công an đã bắt quả tang nhóm người đang cưa xẻ gỗ trái phép tại 2 tiểu khu 40 và 141 thuộc địa bàn xã Tà Lu và Za Hung. Còn Tại Tiểu khu 40, các đối tượng đã khai thác gỗ trái phép tại khoảnh 8, 10 và 11 do xã Tà Lu quản lý; khoảnh 9 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn quản lý. Tại Tiểu khu 141, các đối tượng phá rừng tại khu vực khoảnh 1 và 3 thuộc địa phận xã Za Hung do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn quản lý. Bước đầu xác định, các đối tượng đã chặt hạ hàng chục cây gỗ chò, sơn đào, trám, chuồng rồi xẻ thành phách để vận chuyển đi tiêu thụ.

Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi Cục kiểm lâm Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi đã nghe được thông tin về vụ việc xảy ra vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn. Sáng nay, chúng tôi đã cử lực lượng kiểm lâm tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng huyện Đông Giang đi điểm tra nên hiện giờ chưa nắm rõ được số lượng cây gỗ bị lâm tặc chặt phá”.

Tan nát rừng phòng hộ Sông Kôn

Tan nát rừng phòng hộ Sông Kôn

Một địa điểm ở khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn bị chặt phá rừng.

Điều đáng nói, tại Quảng Nam những năm qua tình trạng tàn phá rừng phòng hộ liên tiếp xảy ra. Nhiều vụ án, bị can bị khởi tố. Thế nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Dư luận rất bức xúc, bởi vì hệ thống kiểm lâm rất bài bản, từ trên chi cục đến cấp xã cũng có kiểm lâm viên, kiểm lâm địa bàn. Về mặt quản lý Nhà nước, các địa phương không thể không biết rừng bị tàn phá có tổ chức với khối lượng lớn. Vậy tại sao không ngăn chặn được việc rừng tiếp tục chảy máu.

 

Tác giả bài viết: Thành Nhân - Chi Mai

Nguồn tin: daidoanket.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây