May mắn là, các nhà hóa học đến từ Đại học California (Mỹ) đã phát minh ra giải pháp thứ ba: một chất liệu màn hình điện thoại có thể tự liền các vết nứt vỡ.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nhiều thử nghiệm với chất liệu mới, kể cả khả năng tự liền của nó trước các vết cắt và trầy xước. Kết quả cho thấy, sau khi họ cắt rời chất liệu thành hai, nó đã tự động dính liền như cũ trong vòng 24 giờ.
Theo Chao Wang, nhà hóa học đứng đầu nghiên cứu, chất liệu nói trên có thể kéo giãn tới 50 lần kích thước ban đầu của nó. Chất liệu cấu tạo từ một loại polymer dẻo và một muối ion, hình thành một dạng liên kết đặc biệt gọi là tương tác ion - lưỡng cực giữa các ion tích điện và các phân tử có cực. Điều này đồng nghĩa, khi chất liệu bị nứt vỡ hoặc trầy xước, các ion và phân tử sẽ hút nhau để hàn gắn chất liệu.
Chuyên gia Wang nói, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học chế tạo được một vật liệu tự phục hồi, có thể dẫn điện, đặc biệt hữu ích để sử dụng cho màn hình điện thoại di động và pin.
Một số mẫu điện thoại LG, ví dụ như G Flex, đã được trang bị một chất liệu có khả năng tự liền vết xước ở mặt lưng máy. Tuy nhiên, chất liệu này không thể dẫn điện nên các nhà sản xuất không thể sử dụng nó cho màn hình. Hầu hết các màn hình smartphone đều có một mạng lưới điện cực bên dưới và khi người dùng chạm tay vào chúng, ngón tay của họ (vốn cũng dẫn điện) tạo thành một mạch kín, thông báo cho smartphone biết phải làm gì.
Ông Wang dự đoán, chất liệu tự phục hồi mới này sẽ được sử dụng cho màn hình điện thoại và pin vào năm 2020. Toàn bộ nghiên cứu sẽ được nhóm của ông Wang đệ trình lên hội nghị diễn ra trong tuần này của Hiệp hội hóa học Mỹ, tổ chức khoa học lớn nhất thế giới chuyên về nghiên cứu hóa học.
Nguồn tin: Tuấn Anh (Theo BI)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn