Phát hiện ba vụ nổ sóng âm thanh kinh hoàng đầy bí ẩn trong vũ trụ

Thứ năm - 06/04/2017 01:28
(PL News) - Những vụ nổ này chỉ diễn ra trong vòng một vài phần nghìn giây, nhưng lại phát ra năng lượng tương đương với năng lượng Mặt Trời sinh trong vòng một tháng.
Dàn radar của trạm quan sát vũ trụ Molonglo.
Dàn radar của trạm quan sát vũ trụ Molonglo.
Ba vụ bùng nổ sóng phát thanh nhanh (FRB) giải phóng ra những làn sóng mạnh phi thường vừa được một trạm quan sát ở Australia phát hiện, góp phần đúc kết ra một tuyên bố chấn động.


Các nhà quan sát tại trạm Molonglo vừa công bố các dữ liệu theo dõi về ba vụ FRB là 160317, 160410 và 160608 trong vòng 6 tháng. Nhóm nhà khoa học này cho biết phát hiện trên không đơn thuần là một vụ khám phá ra vài FRB mới mà còn là “lời chốt hạ cuối cùng” của giả thuyết cho rằng FRB là kết quả của hiện tượng giao thoa sóng. 

Với các thiết bị hiện đại khác hẳn các trạm thiên văn cũ, Molonglo sẽ không bị nhầm lẫn ảo ảnh từ hiện tượng giao thoa sóng của các vệ tinh quanh quỹ đạo Trái Đất thành FRB. “Các kính viễn vọng từ một chảo ăngten thông thường hay gặp khó khăn trong việc xác định các sóng bắt nguồn từ ngoài khí quyển Trái Đất”, Tiến sĩ Chris Flynn tại Đại học Công nghệ Swinburne khẳng định trên tờ Metro của Anh.

Kể từ khi được phát hiện vào năm 2007, vụ bùng nổ sóng phát thanh nhanh đã trở thành một trong những bí ấn lớn nhất của giới thiên văn. Mặc dù chỉ diễn ra trong vòng một vài phần nghìn của giây, FRB phát ra một lượng năng lượng cực mạnh: tương đương với lượng Mặt Trời sản sinh trong vòng một tháng.

Chính sức mạnh như vậy đã giúp các thiết bị ở Trái Đất phát hiện ra chúng từ khoảng cách hàng tỷ năm ánh sáng. Trong suốt thập kỷ qua, nhân loại mới chỉ khám phá ra được vài chục vụ FRB.

Vô số giả thuyết đã được đưa ra về nguồn gốc của FRB. Giả thuyết được cho là rõ ràng nhất chính là sự va chạm giữa các vật thể vũ trụ cực lớn: các ngôi sao neutron, hố đen, sao khổng lồ cùng với các hiện tượng khác. 

Ngoài ra còn có giả thuyết cho rằng FRB không hề tồn tại mà chỉ là sự giao thoa sóng radio quanh Trái Đất ví dụ như các vệ tinh, đang tạo ra những ảo ảnh đánh lừa loạt trạm quan sát ở Trái Đất. Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị công bố của nhóm nhà quan sát tại trạm Molonglo bác bỏ. 

Trạm Molonglo ở Australia có hệ thống thiết bị tối ưu để săn tìm FRB với khả năng thu thập thông tin trong một khu vực rộng khoảng 70.000m2. Mỗi ngày Molonglo ghi được 1.000 terrabyte dữ liệu, sau đó dữ liệu được lọc qua phần mềm để tìm kiếm hiện tượng FRB. 


 

Nguồn tin: Xuân Chi/Báo Tin Tức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây