Rằm tháng giêng còn xem được siêu trăng 2019, tại sao?

Thứ hai - 18/02/2019 20:38
(Thanh Niên) - Hôm nay (19.2), đúng vào ngày Rằm tháng Giêng, Việt Nam và các nước trên thế giới sẽ được quan sát siêu trăng dài và rõ nhất năm 2019. Vậy siêu trăng là gì, các hiện tượng trăng xanh, trăng non, trăng máu có ý nghĩa gì?
Rằm tháng giêng còn xem được siêu trăng 2019, tại sao?
Siêu trăng được quan sát tại Washinhton DC /// AFP

Để giải đáp những thắc mắc liên quan đến siêu trăng và các hiện tượng khác của Mặt Trăng, phóng viên đã có cuộc trao đổi với thầy Đoàn Văn Xuân, giáo viên Địa lý (đã nghỉ hưu), trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang, Khánh Hòa).
Thầy Xuân cho biết siêu trăng (super moon) hay hiện tượng trăng cận điểm rất hiếm gặp khi trăng tròn. Trung bình thời gian chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Đất là 29,5 ngày. Hiện tượng trăng tròn trong tháng khi Trái Đất và mặt trăng cùng hướng về phía Mặt Trời trên một đường thẳng, ở vị trí sóc vọng (15 âm lịch).
Thầy Xuân giải thích: “Mặt trăng chuyển động quanh Trái Đất theo quỹ đạo hình ê líp, nên có lúc nó xa Trái Đất nhất, vị trí đó là viễn điểm (apogee), khi nó gần Trái Đất nhất, vị trí đó là cận điểm (apogee). Ở vị trí cận điểm Mặt Trăng gần Trái Đất hơn so với vị trí viễn điểm khoảng hơn 48.000 km. Vì vậy, hiện tượng siêu Mặt Trăng xảy ra do sự thay đổi quĩ đạo di chuyển của Mặt Trăng xung quanh Trái Đất. Đó là hiện tượng trăng tròn khi Mặt Trăng ở vị trí cận điểm so với Trái Đất, cách Trái Đất khoảng 360.000 km. Siêu Mặt Trăng lớn hơn khoảng 14% và sáng hơn 30% so với trăng tròn bình thường”.
Thầy Xuân cũng nói thêm, hiện tượng trăng tròn xuất hiện mỗi tháng 1 lần, nhưng siêu trăng chỉ thấy nhiều nhất chỉ vài lần trong năm. Tuy nhiên, cũng rất khó để phân biệt siêu trăng và trăng tròn thông thường, thời điểm lý tưởng để chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn hấp dẫn này là khi Mặt Trăng mọc thấp, gần đường chân trời.

Các hiện tượng khác của Mặt Trăng

1. Trăng non: là trăng lưỡi liềm vào đầu tháng âm lịch, thường nhìn thấy vào buổi chiều và sau lúc chạng vạng.
2. Trăng già: là trăng lưỡi liềm vào cuối tháng âm lịch, thường nhìn thấy vào trước lúc bình minh và buổi sáng.
3. Trăng xanh: là thuật ngữ tiếng Anh dùng để gọi hiện tượng trăng tròn hai lần trong một tháng chứ không phải mặt trăng phát ra ánh sáng màu xanh. Trên thực tế, cái tên Trăng xanh không liên quan gì đến màu sắc của Mặt Trăng.
Rằm tháng giêng còn xem được siêu trăng 2019, tại sao? - ảnh 2
 
Siêu trăng trong một lần được chụp tại Hà Nội
NGUYỄN TUẤN
 
Được biết, trên thực tế "trăng xanh" mà mọi người nhìn thấy sẽ có màu xám trắng. Hiện tượng thiên văn kỳ thú này xảy ra vào năm Âm lịch có 13 tháng. Theo lý giải, mỗi năm sẽ có 12 kỳ trăng tròn tương ứng với 12 tháng. Tuy nhiên, do Mặt Trăng quay quanh Trái Đất trong 29,5 ngày mà các tháng Dương lịch có 30 hoặc 31 ngày, nên mỗi năm Dương lịch có nhiều hơn 11 ngày so với năm Âm lịch. Như vậy, sau khoảng 2 - 3 năm sẽ có một năm Âm lịch có 13 tháng.
4. Trăng máu: là một cách gọi khác của hiện tượng nguyệt thực. Đây là hiện tượng thiên văn xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên một đường thẳng. Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Lúc này ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt Trăng sẽ có màu đỏ đồng hoặc màu cam sẫm.
5. Trăng đen (Black moon): Trăng đen chỉ đơn giản là lần xuất hiện kỳ trăng mới thứ hai trong tháng âm lịch.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng "Trăng đen" xảy ra khi các phần được Mặt Trăng chiếu sáng rơi vào bóng của Trái Đất khiến cho người ta không thể quan sát được. Hiện tượng này chỉ xảy ra một lần trong 32 tháng.
Thông thường, mỗi năm có 12 kỳ trăng tròn tương ứng với 12 tháng. Nhưng do Mặt Trăng quay quanh Trái Đất trong 29,5 ngày, còn các tháng trong dương lịch có 30 hoặc 31 ngày nên mỗi năm dương lịch có nhiều hơn 11 ngày so với năm âm lịch. Sau khoảng 32 tháng hoặc lâu hơn, vài tháng lại xuất hiện một kỳ trăng mới thứ 2.
Dù hiện tượng mặt trăng đen không quan sát được bằng mắt thường nhưng nhiều người lại cho rằng đây là một dịp tuyệt vời để ngắm sao.
Rằm tháng giêng còn xem được siêu trăng 2019, tại sao? - ảnh 3
Những người mê trang háo hức chờ đón sự kiện siêu trăng 
AFP

6. Trăng rằm Trung thu: Hiện tượng trăng tròn vào dịp Trung thu, vào ngày 15 tháng 8 (ngày rằm tháng 8) âm lịch hàng năm, Mặt Tăng lúc này tròn hơn và sáng hơn.
7. Nhật thực: Nhật thực là hiện tượng Mặt Trời bị che khuất bởi Mặt trăng khi nhìn từ Trái Đất. Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái Đất và Mặt Trời và quan sát từ Trái Đất, lúc đó Mặt Trăng làm che khuất hoàn toàn hay một phần Mặt Trời.
Để hiện tượng nhật thực xảy ra, Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất phải nằm trên một đường thẳng hoặc gần thẳng, sự thẳng hàng này được các nhà thiên văn học gọi là syzygy. Điều này chỉ có thể xảy ra trong kỳ trăng mới.
Nhật thực toàn phần: Một nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời và hình thành các vùng bóng tối và bóng nửa tối trên bề mặt Trái Đất.
Nhật thực một phần: Nhật thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng không che khuất hoàn toàn đĩa Mặt Trời và chỉ hình thành vùng bóng nửa tối ở trên bề mặt Trái Đất.
8. Nguyệt thực: là hiện tượng Mặt Trăng bị che khuất bởi bóng của Trái Đất trước ánh sáng của Mặt Trời, hay còn gọi là Mặt Trăng máu, là hiện tượng thiên văn khi Mặt Trăng đi vào hình chóp bóng của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời.
Rằm tháng giêng còn xem được siêu trăng 2019, tại sao? - ảnh 4
Nguyệt thực
AFP

Do Mặt Trăng không tự phát ra ánh sáng, chúng ta nhìn thấy Mặt Trăng là nhờ có ánh sáng của Mặt Trời thời điểm Mặt Trăng - Trái Đất - Mặt Trời thẳng hàng nhau, Trái Đất đã che khuất ánh sáng của Mặt Trời chiếu đến Mặt trăng, tức là Mặt Trăng đứng sau bóng của Trái Đất, lúc này Mặt Trăng tối đen dần do bị khuất sau bóng Trái Đất, thời điểm và hiện tượng này gọi là nguyệt thực.

Nguyệt thực toàn phần: xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên một đường thẳng. Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Lúc này ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt Trăng sẽ có màu đỏ đồng hoặc màu cam sẫm. Khi nguyệt thực toàn phần diễn ra, tia Mặt Trời trước khi đến được Mặt Trăng đã chiếu vào chóp bóng của Trái Đất và bị khí quyển Trái Đất khúc xạ. Các tia sáng bước sóng ngắn đã bị cản lại hết, chỉ còn các tia có bước sóng dài (đỏ, cam) xuyên qua. Do đó, Mặt trăng thường hiện ra dưới màu đỏ nhạt. Thời gian tối đa của nguyệt thực toàn phần khoảng 104 phút (trường hợp thường hay tái diễn).

Nguyệt thực một phần: xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên đường gần thẳng. Lúc này ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt trăng bị khuyết đi một phần. Có thể nhìn thấy bóng của Trái Đất màu đen (hoặc màu đỏ sẫm) đang che khuất Mặt Trăng. Nguyệt thực một phần kéo dài khoảng 6 giờ.

Nguồn tin: thanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây