Ông Đỗ Cao Bảo: ‘Tại sao Luật Lao động lại cấm người ta chăm chỉ, luật ngớ ngẩn’

Thứ hai - 28/10/2019 03:25
Ông Đỗ Cao Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT, cho rằng một cá nhân hay một quốc gia muốn thoát nghèo thì phải làm việc chăm chỉ. “Lẽ ra chúng ta phải truyền nhau khát vọng đất nước nhất định phải giàu, trong khát vọng đó phải thể hiện tinh thần chăm chỉ, tại sao lại có luật cấm chăm chỉ? Một luật ngớ ngẩn”.
Ông Đỗ Cao Bảo: ‘Tại sao Luật Lao động lại cấm người ta chăm chỉ, luật ngớ ngẩn’
Ông Đỗ Cao Bảo: ‘Tại sao Luật Lao động lại cấm người ta chăm chỉ, luật ngớ ngẩn’

Hạn chế giờ làm thêm là đi ngược mong muốn của con người

Bình luận về quy định giờ làm thêm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được dư luận quan tâm hiện nay, ông Đỗ Cao Bảo cho rằng rất nhiều người đang hiểu sai.

“Làm thêm giờ là quyền của người lao động chứ không phải nghĩa vụ”, ông Bảo nói và chỉ ra, “Trong xã hội có nhiều người thích làm thêm, ngoài ra còn có những người muốn làm thêm vì nhu cầu kinh tế”.

“Ai muốn làm thêm? Rất nhiều, văn nghệ sĩ, giáo viên, vận động viên, kiến trúc sư, lập trình viên, người kinh doanh… họ làm vì đam mê, muốn tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội, họ yêu nghề nghiệp, ấy thế mà ta lại khống chế, không cho họ làm. Đó là đi ngược với mong muốn của con người”, ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, nếu nhà nước muốn bảo vệ cho những người không muốn làm thêm giờ thì nên tìm cách khác chứ không nên quy định cứng như trong dự luật.

Phó tổng giám đốc FPT cũng giải thích sở dĩ cộng đồng doanh nghiệp muốn nâng số giờ làm thêm trong năm là do bản chất của hoạt động kinh doanh, do nhu cầu của thị trường chứ không phải là doanh nghiệp muốn bóc lột người lao động.

Cụ thể, ngành nghề nào cũng có thời kỳ cao điểm và thấp điểm: cao điểm cần nhiều lao động, thấp điểm cần ít lao động. Doanh nghiệp không thể duy trì số lượng lao động ngang với thời kỳ cao điểm hoặc thấp điểm mà phải duy trì ở mức độ trung bình.

Sở dĩ doanh nghiệp phải duy trì số lượng lao động ở mức độ trung bình vì 2 nguyên do chính: một, doanh nghiệp phải trữ quân, lúc cao điểm sẽ có người làm; hai, doanh nghiệp không dễ tăng quân số vì có những việc phải giỏi nghề mới làm được.

Bên cạnh đó, việc duy trì số lao động trung bình còn liên quan đến các yếu tố: kĩ năng của người lao động và chi phí lao động dư thừa.

“Nếu duy trì số lao động trung bình thì lúc ít việc, doanh nghiệp có thể đào tạo để nâng cao kỹ năng cho người lao động, còn nếu duy trì ít thì lao động suốt ngày, không có thời gian đào tạo. Ngoài ra, việc duy trì số lượng lao động lớn đồng nghĩa với chi phí lao động dư thừa sẽ tăng cao”, ông Bảo phân tích.

‘Chẳng ông nào giàu mà không chăm chỉ’

Theo ông Bảo, một cá nhân muốn thoát nghèo thì ngoài kỹ năng, kiến thức cần có sự chăm chỉ. “Chả ông nào thoát nghèo, dù giỏi mấy, mà không cần chăm chỉ. Quốc gia cũng vậy, nước nghèo muốn giàu mà người dân không chăm chỉ thì chẳng có cách nào khác. Công nghệ, vốn… đến đâu mà không chăm chỉ cũng không giàu được. Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan đều vậy, còn ông nào không trải qua đều nghèo”.

“Lẽ ra, chúng ta phải truyền cho nhau khát vọng đất nước nhất định giàu, trong khát vọng đó phải thể hiện tinh thần chăm chỉ, tại sao lại có luật cấm chăm chỉ? Một luật ngớ ngẩn”.

“Lẽ ra phải truyền cho toàn dân tinh thần chăm chỉ thì dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lại dẹp bớt tinh thần chăm chỉ. Có anh là trung tướng là giáo sư - tiến sĩ vào bình luận với tôi ‘Đúng là dân tộc Việt Nam, thích ngồi mát ăn bát vàng. Không muốn lao động mà muốn giàu có, muốn giàu có lại muốn ít làm, muốn ít làm lại đòi cuộc sống cao, làm gì có chuyện đó được”, ông Bảo nói.

Ông Bảo cũng phản bác quan điểm “người có kỹ năng tốt làm thêm giờ thì người không có kĩ năng tốt sẽ thất nghiệp”. Ông cho rằng ngoài tinh thần làm giàu, tinh thần khởi nghiệp cũng phải truyền cho thế hệ trẻ.

“Ai thất nghiệp thì tìm việc mà làm. Người khác không tạo ra được thì mình tự tạo ra. Rất nhiều việc trong xã hội có thể tự làm được thì tại sao lo thất nghiệp. Thất nghiệp thì tự tìm việc mà làm, ai cũng phải làm việc.

“Bắt người khác làm ít thì ông thất nghiệp vẫn không có việc, vì ông không có tinh thần làm việc”.

Vị phó tổng giám đốc của FPT cũng phê bình Luật Lao động, rằng tư duy của luật bị sai.

“Chúng ta quy định 200 giờ làm thêm/năm, tức là cứ 8 giờ làm việc sẽ được làm thêm 4 giờ. Lẽ ra người càng nghèo thì càng phải lao động, nước càng nghèo càng phải chăm chỉ.

“Trên thế giới, quốc gia nghèo cho người lao động làm thêm thoải mái, miễn là ông chủ và người lao động thỏa thuận tự nguyện với nhau. Khi đã giàu lên rồi họ mới quy định số giờ làm thêm mà cũng bắt đầu với con số rất cao. Ví dụ như Hàn Quốc, thời kỳ trước, họ quy định thời gian làm thêm là 28 giờ/tuần, tức 1.400 giờ/năm, sau đó họ mới giảm xuống 12 giờ/tuần, nhẩm ra cỡ 500 – 600 giờ/năm. Tức là họ đi từ không quy định số giờ làm thêm rồi đặt ra quy định, rồi giảm dần, giảm dần.

“Thế mà ở ta, mới nâng lên 300 giờ/năm đã lo bóc lột lao động. Một số người dân túy muốn lấy lòng người lao động - tôi cho rằng có rất nhiều người muốn lấy lòng người lao động – giả vờ hô lên tôi bảo vệ người lao động chỉ được làm thêm 200 giờ/năm…”, ông Bảo nói.


 

Tác giả bài viết: Xuân Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây