Cuộc sống bình dị của phi công anh hùng Nguyễn Văn Bảy ở quê nhà - Ảnh: MI LĂNG
Ông Bảy hồn nhiên đúng chất Nam Bộ vậy đó và cũng do được đào tạo kiểu "đi tắt, đón đầu" nên mới sinh ra những giai thoại như lấy tay bịt lỗ thủng máy bay.
Ông LÊ THÀNH CHƠN
Những tấm ảnh mang nụ cười sảng khoái của ông Bảy chuyền quanh bàn trà, chuyện rộn ràng hẳn lên như ông vẫn đang ngồi đó, cười khà khà...
Giải mã Nguyễn Văn Bảy
"Có tới 19 phi công Ace (thuật ngữ không quân chỉ những phi công đã bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên). Không phải người bắn rơi máy bay nhiều nhất, tại sao ông Bảy lại nổi tiếng như thế? Những câu chuyện "dùng tay bịt lỗ thủng máy bay", hay "núp vào trong đám mây", tránh được tên lửa tầm nhiệt... có thật không?" - một bạn trẻ hỏi.
Cả bàn, các cựu phi công cao tuổi nhìn nhau cười khà khà. Ông Lê Thành Chơn - hoa tiêu dẫn đường đã cùng với phi công Nguyễn Văn Bảy không chiến 5 trận bắn rơi 5 máy bay Mỹ - cũng cười: "Đúng vậy, ông Bảy là người nổi tiếng, các phi công Mỹ cũng nể sợ cách bay, cách đánh của Nguyễn Văn Bảy nhất".
Cả bàn trà, người hoa tiêu dẫn đường, người kỹ sư máy, phi công cùng nhau giải mã những huyền thoại Nguyễn Văn Bảy.
Ông Trần Công Điền - kỹ sư máy, cựu sư đoàn phó sư đoàn 376 - giải thích: "Mig-17 được sản xuất từ năm 1950, tốc độ chậm, góc quay hẹp, không có rađa, tên lửa. Thế mà Nguyễn Văn Bảy đã không chiến với những máy bay tiêm kích siêu âm hiện đại nhất, đối đầu những phi công thiện chiến nhất và dùng Mig-17 bắn rơi nhiều máy bay nhất, tới 4 chiếc F-4, 1 chiếc F-8, 2 chiếc F-105".
Ông Chơn còn nhớ rành rọt từng trận đánh: "Hiệu suất thành công của ông Bảy rất cao vì ông bản lĩnh, gan dạ. Không bao giờ chịu điểm hỏa từ xa, biết Mig-17 chỉ có súng máy nên ông tăng xác suất trúng đích bằng cách đến rất gần mới chịu điểm hỏa, nhìn thẳng vào buồng lái, đối mặt phi công đối phương mà bắn. Trận người ta nói "chui vào đám mây" ấy do chính tôi dẫn đường, chiều 5-9-1966, hải quân Mỹ cho đội máy bay F-8 đánh vào khu vực Cầu Giẽ...".
Sách Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam 1965-1975 nhìn từ hai phía ghi: "Lúc 16h30, hai chiếc Mig-17 cất cánh từ Gia Lâm bay hướng 210 độ, khi bay đến Chi Nê - Hòa Bình đổi sang bay hướng 90 độ. Sau đó một phút, phi công phát hiện mục tiêu phía trước bên phải khoảng 30km.
Lệnh vứt thùng dầu phụ, tăng lực tiếp cận mục tiêu. Biết có Mig xuất hiện, hai chiếc F-8 tăng lực, bay xuyên qua đám mây. Số 1 Bảy quyết định không đuổi theo mà chui vào giữa hai đám mây để đón đầu. Khi vừa bay qua lỗ hổng giữa hai đám mây thì vừa lúc chiếc F-8 số 2 bay đến nơi.
Bảy lập tức cắt vào bám theo chiếc F-8. Đến cự ly khoảng 500m, số 1 nổ súng nhưng đạn chệch sang trái. Anh bắn thêm hai loạt thấy đạn trùm lên buồng lái, máy bay lật nghiêng. Anh lao lên bồi thêm loạt nữa thì cũng là lúc chiếc F-8 bốc cháy, lao thẳng xuống đất gần thị xã Ninh Bình.
Phi công điều khiển chiếc F-8E là trung tá hải quân Wilfred Keese Abbots thuộc phi đoàn VF-111, tàu sân bay US Oriskany. Phi công nhảy dù và bị bắt.
Công kích xong, số 1 quay lại yểm hộ cho số 2. Số 2 Mẫn vòng vào bám theo chiếc F-8 số 1, đến cự ly 400m anh nổ súng hai loạt nhưng không trúng. Mẫn tiếp tục rút ngắn cự ly rồi nổ thêm ba loạt đạn. Chiếc F-8 bốc cháy, lao xuống đất... Trận này, biên đội Bảy, Mẫn đã diệt gọn cả hai chiếc F-8".
Kể chuyện, một lần ông Bảy còn nhắc: "Cự ly bắn quá gần. Khi bốc cháy, một mảnh buồng lái chiếc F-8 văng ra găm vào ống hút khí chiếc Mig-17 của tôi".
Phi công Nguyễn Văn Bảy (trái) cùng đồng đội xem lại những tấm phim do máy ảnh tự động chụp khi điểm hỏa - Ảnh tư liệu
Tránh tên lửa tầm nhiệt
Cầm tờ báo Tuổi Trẻ đọc trang báo viết về ông bạn già, ông Lê Thành Chơn bật cười trước chuyện ông Bảy kể: "Lần đầu ấn nút một cái thấy cái máy bay bành ki nổ rào rào, tui sướng quá buông hai tay, vỗ tay rần rần...".
Ông Chơn cười: "Ông Bảy hồn nhiên đúng chất Nam Bộ vậy đó, và cũng do được đào tạo kiểu "đi tắt, đón đầu" nên mới sinh ra những giai thoại như lấy tay bịt lỗ thủng máy bay".
Chuyện ấy được sách Những trận không chiến... ghi nhận: "7-10-1965, biên đội Mig-17 gồm Huyền, Huyên, Bảy, Chao bay ở khu vực Yên Thế độ cao 3.000m. Biên đội trưởng Huyên là người phát hiện máy bay Mỹ đầu tiên, xin phép vào công kích.
Bảy phát hiện hai máy bay Mỹ phía trước, vứt thùng dầu phụ, tăng tốc bám theo yểm trợ đồng đội. Nghiêng cánh, phát hiện chiếc F-4 phía sau đang phóng tên lửa, Bảy kéo cần lái vòng gấp. Song cự ly quá gần, quả tên lửa nổ ngay bên phải máy bay khiến chiếc Mig-17 lật ngửa".
Ông Bảy kể tiếp: "Một mảnh đạn bắn vào nắp buồng lái làm thủng một lỗ, buồng lái mất áp lực. Trong một thoáng, tôi choáng váng nhưng vẫn cố gắng điều khiển máy bay lật lại để bay bằng. Tôi dùng cùi tay định bịt lỗ thủng nhưng sức hút quá lớn nên rụt ngay lại.
Ngay lúc đó, khi nhìn lên nắp buồng lái thấy một chiếc máy bay to bè sạt qua đầu. Máy bay đã bị thương, tốc độ nhỏ hơn nên không thể bám theo. Nhìn ngoài thân máy bay lỗ chỗ vết đạn, chao đảo mất ổn định, tôi xin phép về hạ cánh".
Đồng đội đã kinh ngạc không thể tin khi chiếc Mig-17 đầy thương tích của Bảy đáp xuống Nội Bài. Các thợ máy đếm được 84 lỗ thủng.
Ông Chơn tiếp tục phân tích: "Cũng là Bảy đã sáng tạo ra cách tránh tên lửa tầm nhiệt. Theo lý thuyết khi thấy tên lửa phóng, phi công phải lật nghiêng máy bay và chúi vòng xuống tránh. Với Mig-17, sẽ mất tới 5 giây cho động tác ấy và thế thì không thể tránh tên lửa.
Bảy cho máy bay cơ động ngang trong lúc vòng xuống, từ 1-2 giây sẽ tránh sang ngang được trên 100m, tên lửa tầm nhiệt tốc độ cao sẽ vọt qua...".
Khu vườn trăm năm
Từ ngày nghỉ hưu về quê, ông Bảy luôn bận rộn với những việc thường nhật như thế này - Ảnh: MY LĂNG
Khu vườn với ao cá, hồ sen, rặng mít bình dị của ông Bảy những năm sau này cũng trở thành một phần huyền thoại về người anh hùng. Hôm nay, những đồng đội của ông ai cũng nhắc về những buổi hội họp trong khu vườn ấy với con cá nướng trui, ly rượu "xây chừng" chỉ mới tháng trước, tuần trước.
Thiếu tướng Trần Văn Thi viết vào sổ tang: "Anh ra đi, chúng tôi mất một người anh, người chỉ huy, người phi công huyền thoại, dũng cảm, tài ba và rất chan hòa, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống đời thường. Ai ai cũng biết tiếng anh và ngưỡng mộ anh. Lòng thương tiếc anh đều từ anh mà ra đó anh Bảy à...".
Lại có cả những người bạn viết lời "hẹn gặp" ông Bảy những ngày sau. Khu vườn trăm năm nơi chôn nhau cắt rốn của ông thì đang chờ ông về. Chuyến bay cuối cùng của cuộc đời vẫn theo hướng ông đã định: về đất mẹ.
Phi công hàng đầu mọi thời đại
Huyền thoại chính là sự gan dạ, bản lĩnh, sáng tạo được tôi luyện trong cuộc đời lao động, chiến đấu của ông Nguyễn Văn Bảy. Có lẽ chính vì những điều ấy mà ông Rick Hartnack - một cựu cơ trưởng F-4 - đã gửi thư đến ngay khi nghe ông Bảy ngã bệnh: "Những kỷ lục của ông trong thời chiến là phi thường, ông chắc chắn là một trong những phi công hàng đầu mọi thời đại. Nhưng những đóng góp của ông trong thời bình có thể còn quan trọng hơn nữa, như là tình bằng hữu giữa những con người trước kia là đối thủ. Được tiếp xúc và gặp mặt ông là một trong những điều đáng nhớ và đáng trân trọng của đời tôi".
Tác giả bài viết: Phạm Vũ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn