Bức thư tiên tri về sự ra đi... của một liệt sĩ

Thứ bảy - 15/07/2017 22:59
(Phapluat News) - Thành cổ Quảng Trị những ngày cuối tháng 4 dường như nhộn nhịp hơn, bởi những đoàn khách tham quan về với mảnh đất thiêng này.
Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và bức thư tiên tri
Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và bức thư tiên tri

 

Lời giới thiệu nhẹ nhàng của cô hướng dẫn viên khi đi qua hòm trưng bày các kỷ vật, bức thư của những con người hóa tuổi đôi mươi thành sóng nước viết nên lịch sử ấy, đã khiến bước chân tôi lạc đoàn thăm quan.

Trầm ngâm một lúc rất lâu trước bức di thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở Kiến Xương (Thái Bình) gửi vợ, tôi chợt nhớ đến câu nói của một cựu chiến binh Mỹ khi trở lại thăm Quảng Trị. Sau khi được nghe nội dung lá thư, người đàn ông này bật khóc và thốt lên: "Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao các bạn chiến thắng, vì các bạn đã biết trước tất cả".

Hình ảnh Bức thư tiên tri về sự ra đi... của một liệt sĩ số 1
Bức di thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh gửi gia đình được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.


Bức thư tiên tri về cái chết của chính mình

Khi tiếng cô hướng dẫn viên cất lên, không gian xung quanh dường như nín lại, để những dòng chữ trong bức thư. Anh cựu sinh viên Khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa Hà Nội năm nào trở về: "Quảng Trị, ngày 11 tháng 9 năm 1972. Hôm nay con ngồi đây biên những dòng chữ cuối cùng, phòng khi đã "đi nghiên cứu bí mật dưới lòng đất" thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.

Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi... Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...".

Trước khi trở thành đất, thành cỏ mãi mãi nằm lại Quảng Trị, anh đã viết cho chị Đặng Thị Xơ, người phụ nữ mới chỉ 6 ngày làm vợ và hơn 30 năm đằng đẵng chờ chồng: "Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe những người thân thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này.

Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về.

Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn. Thôi nhé, đấy là có điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt rồi...".

Bức thư được đọc đến dòng cuối bằng trí nhớ của người hướng dẫn viên, khiến không ít người rơi nước mắt.

Trong suốt 82 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa ấy, mỗi ngày một đại đội bơi qua sông là đồng nghĩa với một đại đội không bao giờ còn quay về nữa. Anh Huỳnh đã viết bức thư cuối cùng cho gia đình, cho người vợ thân yêu của mình vào ngày thứ 77 của chiến dịch 82 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, khi sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tận cùng.

Thư được viết từ những trang sổ tay xé ra, dài gần 10 trang khổ nhỏ, viết bằng những tiên cảm kỳ lạ mà sau hơn 30 năm đọc những dòng thư ấy, người ta vẫn chưa hết kinh ngạc.

Anh biết trước mình sẽ đi “nghiên cứu bí mật” trong lòng đất, nhưng anh viết thư với một sự bình tĩnh đến lạ lùng. Giữa những con chữ lặng im ấy, chợt nhận ra khí phách và tâm hồn của một người lính hiên ngang, bất khuất.

Mãi đến khi tìm được mộ anh, người ta mới biết được câu chuyện về lá thư này. Từng câu từng chữ là nỗi lòng của anh lính trẻ ngày đêm chiến đấu bảo vệ bộ đội vượt dòng Thạch Hãn vào tiếp viện Thành cổ, nhưng lạ kì thay những điều anh viết trong bức thư về sau lại đúng như một lời tiên tri.

Chỉ khác duy nhất là mộ anh được tìm thấy ở thôn Thượng Phước chứ không phải là thôn Nhan Biều 1, hai thôn này nằm cạnh nhau.

Năm 1973, khi Quảng Trị im tiếng súng, bà Nguyễn Thị Ngân trở về thôn Thượng Phước làm ăn, thấy trong phần đất nhà mình có 3 ngôi mộ nằm cạnh nhau, có mộ chí khắc bằng tôn. Cũng như bao người dân ở mảnh đất bom đạn này, bà Ngân đã dành công chăm sóc và khói hương chu đáo cho những người yên nghỉ.

Sau đó, vì nhiều lý do khách quan, bà Ngân đã chuyển nhà đi nơi khác sinh sống. Từ đó, những ngôi mộ này cũng dần bị lãng quên. Một câu chuyện 30 năm lặn lội tìm hài cốt chồng của chị Đặng Thị Xơ là một câu chuyện tưởng chừng như huyền thoại, song lại mang đầy vẻ bi tráng của chiến tranh mà mãi tới ba chục năm sau, những người chứng kiến vẫn còn thấy ngỡ ngàng.

6 ngày làm vợ và 30 năm lặn lội tìm chồng

Nàng dâu hiếu nghĩa

Đêm đêm, trong căn buồng cưới ngày xưa, chị tiếc vì chưa kịp có với anh một đứa con. Bao nhiêu tình cảm chị dành cả cho mẹ chồng. Chị chăm sóc bà cụ chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ. Bà con nơi đây bảo rằng, hiếm có nàng dâu nào hiếu nghĩa được như chị. Bà cụ cũng thương con dâu lắm, không biết bao lần bà thúc giục con dâu đi bước nữa, để có người nương tựa lúc tuổi già. Song chị chỉ lắc đầu, ứa nước mắt. Cuối năm 1977, bà cụ ốm nặng và ra đi trong sự thanh thản.

Cũng theo lời giới thiệu của người hướng dẫn viên, được biết chị Đặng Thị Xơ (vợ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh) vốn là một người phụ nữ hết sức bình dị nhưng rất đỗi phi thường. Chị làm vợ chưa đầy 1 tuần nhưng trọn cuộc đời mình, chị đã gắn bó thuỷ chung, ân tình với cả người mất và người còn.

Theo nhẩm tính của tôi, người phụ nữ ấy có lẽ cũng đã bước qua nửa dốc cuộc đời. Hơn 30 năm qua, chị vẫn ở vậy thờ chồng và không có được niềm hạnh phúc làm mẹ.

Thời gian trôi về 30 năm trước, một cô thôn nữ đảm đang, đẹp người đẹp nết vừa mới bước sang tuổi 22 phải lòng anh sinh viên khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đầu năm 1972, nhân dịp nghỉ Tết, anh Lê Văn Huỳnh và chị Đặng Thị Xơ quyết định tổ chức đám cưới trong niềm hân hoan của gia đình, làng xóm.

Chỉ vỏn vẹn có 3 ngày làm một cô dâu hạnh phúc, chị phải gạt nước mắt tiễn chồng lên trường. Bóng anh khuất đầu làng, chị mới giật mình nhớ ra cả hai vợ chồng không có lấy một tấm ảnh chung. Cho đến bây giờ, mỗi lần nhìn ảnh cưới của người khác, lòng chị lại nấc lên những tiếng khóc rấm rứt.

Bước sang năm 1972, giống như hàng ngàn học sinh, sinh viên Việt Nam thời ấy, anh Huỳnh hăng hái tham gia huấn luyện để chuẩn bị lên đường vào Nam chiến đấu.

Trước ngày nhập ngũ vào miền khói lửa, anh được cho về thăm nhà 3 ngày. Đối với người vợ trẻ, khoảng thời gian đó sao cứ trôi nhanh như gió thoảng, hôm trước hôm sau anh đã phải xách ba lô lên đường tòng quân. Những lá thư vẫn thay anh về bên chị.

Hình ảnh Bức thư tiên tri về sự ra đi... của một liệt sĩ số 2
Di ảnh liệt sĩ Lê Văn Huỳnh.
 

Rồi một năm sau ngày cưới, giấy báo tử của anh được gửi về xã. Gia đình giấu chị, nhưng bằng linh cảm của người vợ, chị thấy có điều gì đó không lành. Biết bao đêm trắng, chị một mình một bóng với chiếc gối cưới ướt đẫm nước mắt.

Thế rồi, một đồng đội của anh tìm về trao lại chiếc ba lô và những di vật của người đã khuất, chị hiểu rằng họ đã mất nhau mãi mãi. Nỗi đau quá lớn, chị không khóc được, nước mắt chảy ngược vào tim.

Kể từ đó, chị sống chỉ để làm một việc là tìm đưa anh về quê hương. Sau ngày miền Nam giải phóng, chị đã vào Quảng Trị tìm anh nhưng không thấy. Dành dụm được đồng nào, chị để hết vào việc tìm mộ anh theo lời chỉ dẫn. Không biết bao lần chị đi về như con thoi giữa Thái Bình - Quảng Trị. Chiến trường xưa giờ đã là bãi sắn mênh mông của một người nông dân tên Hậu.

Chị đã vui mừng khôn xiết, khi người đàn ông này đưa ra hai tấm bia trong đó có tên của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Nhưng những nỗ lực đào xới của mấy ngày sau đó vẫn không mang lại kết quả gì.

Nhiều người khuyên chị nên dừng lại, nhưng bằng linh cảm của mình, chị tin anh vẫn nằm đâu đó giữa bãi sắn bạt ngàn này. Rồi chị nhờ người mua sắt về thuốn, lòng không ngừng cầu khấn sự linh thiêng của anh sẽ đưa đường dẫn lối, để chị được đưa anh về quê cha đất tổ.

Khi tất cả mọi người đã mệt rã rời thì chiếc thuốn chạm vào một ngôi mộ. Ba ngôi mộ lần lượt được đưa lên, hơn 30 năm kiếm tìm, chị đã được nhìn thấy anh, người vợ ấy chỉ còn biết ôm nắm xương chồng lặng lẽ mà không thể khóc nổi.

Khúc tráng ca Thành cổ qua những di vật

Một cuốn sổ tay, một cây súng với hai chữ cảm tử được khắc trên báng súng hoặc những lá thư viết vội chưa kịp gửi của các chiến sĩ giải phóng quân được tìm thấy ở Thành cổ sau ngày hòa bình, đã mở ra những câu chuyện đầy xúc động giữa hậu phương và tiền tuyến. Khúc Tráng ca bi hùng về 82 ngày đêm huyền thoại Thành cổ đã được lưu giữ chính từ những di vật như thế.

Tác giả bài viết: Loan Nguyễn

Nguồn tin: Người đưa tin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây