Ngày 12.7, Sở Y tế Bình Định có công văn phản hồi cho rằng, việc cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) đơn phương yêu cầu thương lượng với nhà thầu trúng thầu để
giảm giá thuốc là “không nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu thuốc, gây ảnh hưởng đến quá trình cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu điều trị cho người bệnh tham gia
bảo hiểm y tế. Đồng thời làm dư luận hoang mang và hiểu sai về công tác đấu thầu thuốc của ngành y tế Bình Định”. Công văn này cũng đề nghị Bộ Y tế làm việc với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để có hướng dẫn cụ thể đối với việc xem xét lại giá thuốc trúng thầu sau khi đã có kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trước đó,
Thanh Niên thông tin về việc có
126 loại thuốc trúng thầu tại Bình Định đều có sự tăng giá đáng kể so với các địa phương khác từ 10% trở lên, nhiều loại thuốc mua giá cao hơn 60%. BHXH tỉnh Bình Định đã có công văn gửi Sở Y tế Bình Định về việc thương lượng, điều chỉnh với các nhà thầu có thuốc trúng thầu giá cao hơn các địa phương khác nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế Bình Định, có 52/64 đơn vị đã tham gia dự thầu trúng thầu và có 1.479/1.970 mặt hàng trúng thầu với số tiền hơn 502 tỉ đồng, trong khi giá kế hoạch là khoảng 641 tỉ đồng. Như vậy, gói thầu tiết kiệm được 22%, tương đương hơn 138 tỉ đồng (do có nhiều loại thuốc có giá giảm 10 - 15%).
Sau khi Sở Y tế Bình Định gửi văn bản đề nghị xem xét lại giá đã trúng thầu, đến hết ngày 5.7, có 4 nhà thầu không phúc đáp, 7 nhà thầu không đồng ý giảm giá 20 mặt hàng, 7 nhà thầu đồng ý giảm giá 40/95 mặt hàng. Với 40 mặt hàng đồng ý giảm giá, Sở đã thông báo cho các bên liên quan triển khai thực hiện. 86 mặt hàng không được chấp thuận giảm giá, Sở đề nghị BHXH thanh toán theo mức giá trúng thầu.