Tâm khí kiêu ngạo thì đại sự khó thành

Thứ hai - 26/11/2018 08:14
Lão Tử nói: “Người không tự cho mình là đúng thì trí óc mới có thể sáng suốt, người không khoe khoang thì công trạng của họ mới có thể được khẳng định, người không kiêu ngạo thì sự nghiệp mới có thể phát triển.” Từ xưa đến nay, phàm là người thành tựu được việc lớn và lâu dài đều có đức tính khiêm tốn.
Tâm khí kiêu ngạo thì đại sự khó thành

 

khiêm tốn và kiêu ngạo
(Tranh minh họa: Qua kknews.cc)

Trong “Dịch Kinh” cũng viết:

“Bất luận là ai, phàm là kiêu ngạo tự mãn thì Đạo của Trời sẽ khiến người ấy bị suy yếu, còn người khiêm tốn sẽ được lợi ích.

Bất luận là ai, phàm là kiêu ngạo tự mãn thì Đạo của Đất sẽ khiến người ấy bị hao tổn, vĩnh viễn không thể khiến người ấy được thỏa mãn. Còn người khiêm tốn sẽ được thoải mái, tươi tốt, đầy đủ tựa như nước chảy qua chỗ trũng làm tràn ngập chỗ thiếu hụt của người ấy.

Phàm là người kiêu ngạo thì Đạo của Quỷ Thần sẽ khiến cho người ấy gặp tai họa. Còn người khiêm tốn sẽ được thêm phúc. Nếu người ở địa vị cao mà khiêm tốn thì đạo đức của người ấy sẽ càng hiển lộ ra sự quang minh, ngay thẳng. Còn người ở địa vị thấp mà khiêm tốn thì đạo đức của người ấy cũng lộ ra sự cao thượng. Cho nên, khiêm tốn là mỹ đức mà người quân tử luôn luôn bảo trì trong tâm.”

Trong lịch sử, từ xưa đến nay từ bậc Quân Vương đến thường dân đều có rất nhiều người vì khiêm tốn mà làm thành được việc lớn. Đại Vũ bởi vì không kiêu ngạo, không khoe khoang, thậm chí ông còn nói rằng: “Những người ngu dốt cũng còn có điểm mạnh hơn ta”, cho nên cuối cùng ông có thể loại bỏ được muôn vàn khó khăn, khơi thông Trường Giang và Hoàng Hà, ngăn chặn được lũ lụt cứu giúp muôn dân. Công lao của ông được lưu danh sử sách đến muôn đời sau.

Chu Công tài hoa hơn người, chẳng những không kiêu ngạo, không keo kiệt mà trái lại còn phi thường khiêm tốn, cung kính, yêu thương dân chúng. Bởi vậy, cuối cùng ông đã hoàn thành được sự nghiệp thống nhất, tạo nền móng vững chắc, ổn định và an bình cho vương triều nhà Chu.

Cho nên cũng nói, bậc thánh hiền chân chính xưa nay đều thận trọng, dè dặt không tự cao tự mãn mà làm thành được việc lớn.

khiêm tốn và kiêu ngạo
(Tranh minh họa: Qua Baikezsw.com)

Cố Ung triều nhà Hán dù được phong chức tước cao đã ba ngày nhưng người nhà không một ai hay biết.

Trận chiến Phì Thủy lừng danh trong lịch sử, quân Đông Tấn chưa đến 10 vạn binh sĩ đã đánh bại 100 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần. Tin chiến thắng được truyền đến lúc chủ soái Tạ An đang chơi cờ vây với khách mà người khách không hề hay biết.

Hiền thần Văn Ngạn Bác triều nhà Tống mặc dù có công lớn trong việc xác lập ngôi kế vị cho thái tử nhưng khi thái tử lên làm vua, ông chỉ nói: “Tất cả đều là công lao của Hàn Kỳ”. Đức hạnh khiêm tốn, không nhận công lao của ông khiến Hoàng Thượng cũng kính phục.

Người khiêm tốn chính là người có tâm địa rộng lượng, có thể bao dung được hết thảy. Người có tâm địa rộng lượng thì phúc trạch nhất định sẽ dày rộng.

Trái lại, người có tâm địa hẹp hòi thì phúc trạch sẽ mỏng. Khiêm tốn sẽ tạo ra phúc báo và cao ngạo sẽ tạo ra tai họa. Cho nên, làm người là không thể không tu dưỡng đức khiêm tốn.

Nguồn tin: trithucvn.net:::

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây