Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sẽ lấy phiếu tín nhiệm với uỷ viên Bộ Chính trị

Chủ nhật - 25/11/2018 17:52
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm "có tính răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh là chính".
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sẽ lấy phiếu tín nhiệm với uỷ viên Bộ Chính trị

 

Chiều 24/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thông báo kết quả kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Trước ý kiến của cử tri về việc Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh tại kỳ họp, ông cho rằng mục đích của lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò tín nhiệm. Việc lấy tín nhiệm được bắt đầu thực hiện từ khoá trước, lấy hai lần trong một nhiệm kỳ. Sau đó, các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm, thấy lấy hai lần thì dầy quá nên chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ. Trên cơ sở kết quả lấy phiếu của Quốc hội, sắp tới Trung ương cũng lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước trò chuyện cùng cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 24/11. Ảnh: Ngọc Thắng.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước trò chuyện cùng cử tri quận Hoàn Kiếm chiều 24/11. Ảnh: Ngọc Thắng.

"Lấy phiếu không phải để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay", Tổng Bí thư giải thích và cho rằng, việc lấy phiếu cốt là để cán bộ "thấy sai để sửa, thấy khuyết điểm để rút kinh nghiệm", thế mới tốt và nhân văn.

"Tôi nói nhiều lần rồi, kể cả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng thế, xử lý một vài người để cứu muôn người, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe. Bác Hồ cũng nói chặt một cái cành để cứu cả cây. Tốt nhất là không phải chặt, dùng thuốc chữa được thì cố gắng", ông Nguyễn Phú Trọng nói.

Về việc có ba mức tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp) mà không phải hai mức tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho hay đây là vấn đề đã được bàn nhiều lần. "Nếu chỉ hai mức tín nhiệm, độ rủi ro nói thật là hơi cao quá, giả sử mất một nửa phải thay thì lấy ai làm, thay kịp không?", ông nói. Với mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, ai "tín nhiệm thấp cũng là buồn lắm rồi, tâm trạng lắm rồi".

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Ngọc Toán (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, qua việc lấy phiếu tính nhiệm, từng đại biểu Quốc hội cũng như cử tri đánh giá được sự rèn luyện phẩm chất đạo đức, năng lực, vai trò trách nhiệm của mỗi vị tư lệnh bộ, ngành. "Nếu thấy không còn khả năng, không đủ năng lực thì nên từ chức", cử tri Toán phát biểu.

Cử tri Trần Ngọc Toán (Hoàn Kiếm). Ảnh: Ngọc Thắng.

Cử tri Trần Ngọc Toán (Hoàn Kiếm). Ảnh: Ngọc Thắng.

Tuy nhiên, ông Toán băn khoăn khi tỷ lệ phần trăm các mức tín nhiệm của từng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm quá chênh lệch. "Cử tri chúng tôi nhận thấy chưa thực sự thuyết phục, vẫn còn tình trạng nể nang. Một số vị tư lệnh bộ, ngành, nhân dân chưa hài lòng mà vẫn đạt tỷ lệ cao, đáng lẽ họ còn phải đạt tỷ lệ thấp nữa", ông Toán nói và đề nghị Quốc hội nghiên cứu có nên mở rộng phạm vi để cử tri bỏ phiếu tín nhiệm tại các đơn vị họ ứng cử hay không.

Cử tri Lưu Huy Vinh (quận Ba Đình) cho biết qua theo dõi kết quả ba lần lấy phiếu, thấy cần quy định rõ hơn về tiêu chí đánh giá cán bộ. "Đây là công việc hết sức khó khăn vì nếu theo cảm tính, thích người này, không thích người kia, hoặc do cảm tình nể nang thì sẽ không đánh giá đúng cán bộ", ông Vinh nói.

Ông Vinh dẫn chứng, tại kỳ họp 6, kết quả lấy phiếu tín nhiệm có cán bộ trái ngược nhau hoàn toàn. Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo có 140 phiếu tín nhiệm cao, nhưng có 137 phiếu tín nhiệm thấp hay Bộ trưởng Giao thông Vận tải có 142 tín nhiệm cao, nhưng có 107 tín nhiệm thấp...  "Điều này thể hiện phần nào việc đánh giá tín nhiệm của đại biểu Quốc hội có phần chưa thấy chính xác, ý kiến trái chiều nhau còn quá cao", ông Vinh đánh giá.

Nguồn tin: Theo Vnexpress:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây