Ông Trần Bá Dung, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết hiện đã có 1.500 tác phẩm dự giải. Còn Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu đề nghị đến hết tháng 11-2017, ban tổ chức cần tiếp tục thông báo rộng rãi về giải thưởng dành cho báo chí này. Sau đó thành lập hội đồng sơ khảo, chọn ra những tác phẩm có hiệu ứng tốt đối với bạn đọc.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu: "Cần chọn ra được những tác phẩm báo chí chống tham nhũng có hiệu ứng tích cực".
Theo ban tổ chức, các tuyến bài về phản ánh vụ việc tham nhũng cụ thể vẫn chiếm phần lớn trong số 1.500 tác phẩm gửi dự thi. Các bài viết, phóng sự biểu dương về các tấm gương điển hình trong PCTN, lãng phí vẫn thiếu vắng.
Lý giải điều này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh cho rằng trở ngại lớn nhất khiến các bài báo dạng này thiếu vắng là khi phát hiện tham nhũng, người dân không dám đích danh tố cáo. Bởi khi lộ danh tính thì những người tố cáo tiêu cực, tham nhũng… thường nhận lại những phản ứng tiêu cực.
Bà Bùi Thị Thanh đề nghị cần có thêm cơ chế để hệ thống MTTQ Việt Nam ở cơ sở phát hiện hiện tượng tiêu cực, tham nhũng lãng phí nhiều hơn nữa. “Mặt trận cần khuyến khích, biểu dương cán bộ Mặt trận ở cơ sở, người uy tín, tiêu biểu phát hiện và tố cáo tiêu cực, tham nhũng, lãng phí tại địa phương mình” - bà Thanh nói.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn: "Báo chí là kênh quan trọng để lắng nghe nhân dân".
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, mong muốn báo chí có nhiều bài viết về PCTN, lãng phí để tạo hiệu ứng tốt cho xã hội. “Báo chí là kênh quan trọng để lắng nghe nhân dân. Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội có khối báo chí với nhiều tờ báo có số lượng phát hành lớn với uy tín và tính phản biện mạnh. Đây là thế mạnh cần liên kết các tờ báo để tuyên truyền hiệu quả chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là việc PCTN, lãng phí” - ông Mẫn nói.
Nguồn tin: PLO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn