Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Thứ hai - 25/11/2019 02:02
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 25-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đáng chú ý, việc dự thảo luật bổ sung quy định về tổ chức giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao là nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Cụ thể, Tờ trình dự thảo luật nêu rõ: Theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử ngày càng tăng trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay, dự thảo Luật đã bổ sung điểm d khoản 4 Điều 12 về Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Về vấn đề này, qua thảo luận có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành dự thảo Luật. Theo các đại biểu, ngoài những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung quy định trên sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay, đặc biệt từ ngày 1-1-2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, vì vậy yêu cầu giám định lại việc trên ngày càng tăng. Theo Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ trước tới nay chỉ có một đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải. Trung bình thời gian mỗi vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2 - 3 tháng, có vụ 5 tháng mới có kết luận, trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đây là nội dung hoàn toàn mới, chưa được đặt ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật, hồ sơ dự án Luật chưa báo cáo, đánh giá đầy đủ về vấn đề này. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Bộ Công an, việc giám định loại việc nói trên của tổ chức giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an không có vướng mắc lớn. Vì vậy, vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa nên đưa vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật lần này.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu ý kiến.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị làm rõ sự cần thiết bổ sung tổ chức giám định tư pháp công lập này. Đại biểu phân tích, Điều 12 luật hiện hành quy định: Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện Khoa học hình sự (thuộc Bộ Công an), Phòng Kỹ thuật hình sự (thuộc Công an cấp tỉnh), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (thuộc Bộ Quốc phòng).

“Đến nay dự thảo luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”. Việc bổ sung cơ quan này vào luật có cần thiết và hợp lý không, có phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế hay không?”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.

Theo đại biểu, báo cáo của Bộ Tư pháp về giám định tư pháp một số nước trên thế giới cho thấy, hầu hết tại các nước trên thế giới, việc giám định kỹ thuật hình sự giao cho Bộ Công an. Đại biểu băn khoăn việc bổ sung này liệu có lãng phí, làm phân tán nguồn lực về con người và cơ sở vật chất và trái với tinh thần với Nghị quyết về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. 

Hơn nữa, đại biểu cũng nêu thực tế là, năm 2019, cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết được 41 vụ, 60 bị can, và không phải vụ nào cũng cần giám định về âm thanh, hình ảnh. Đại biểu băn khoăn rằng, với số lượng án này, có phải là quá lớn để thành lập riêng phòng kỹ thuật hình sự? Và đề nghị làm rõ nếu bổ sung quy định về cơ quan này vào luật thì sẽ làm cả 10 chuyên ngành giám định kỹ thuật hình sự hay chỉ làm giám định về âm thanh, hình ảnh? Cơ quan này sẽ xây dựng cơ sở hệ thống dữ liệu riêng hay sẽ sử dụng hệ thống hiện có của Bộ Công an? Đề nghị Chính phủ làm rõ nếu bổ sung cơ quan này vào luật sẽ làm tăng bao nhiêu biên chế, mất thời gian bao lâu để đào tạo giám định viên, và tính hiệu quả hoạt động của cơ quan này?

Còn đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) đồng ý với quy định như trong dự thảo Luật. Đại biểu lý giải, theo quy định tại điều 4, điều 8 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự thì hệ thống cơ quan điều tra bao gồm: Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, có nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết, tố giác tin báo về tội phạm để tiến hành khởi tố tội phạm, áp dụng biện pháp theo luật định để phát hiện, xác định các loại tội phạm và những người có hành vi phạm tội. Vì vậy, cần có cơ quan giám định tư pháp công lập của cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp theo quy định của pháp luật.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
Đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) phát biểu ý kiến. 

Mặt khác, theo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, cơ quan điều tra hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền điều tra 38 tội danh, trong đó, những năm vừa qua, có khoảng 70% số vụ cần tiến hành giám định, về âm thanh, về hình ảnh, chữ viết, dữ liệu điện tử, kỹ thuật số... 

Trong khi đó, đại biểu nêu thực tế là, thời gian qua, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khi cần thiết phải giám định thì trưng cầu giám định tại Viện Khoa học kỹ thuật hình sự (Bộ Công an), Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng), Viện Pháp y quốc gia; điều này dẫn đến việc bị động và phụ thuộc vào tổ chức giám định tư pháp các. Đặc biệt, khi trưng cầu giám định về âm thanh, hình ảnh hay dữ liệu điện tử trong thời gian qua thì thường kéo dài 2-3 tháng, có vụ kéo dài 5 tháng mới có kết luận giám định nên đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm thời hạn giải quyết tố giác tin báo tội phạm, thời hạn điều tra, nhất là hiện nay, hoạt động tội phạm có liên quan nhiều tới dữ liệu điện tử cần giám định.  

Vì vậy, đại biểu đồng tình với việc bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao”, để bảo đảm có cơ sở pháp lý cho Phòng Kỹ thuật hình sự của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức và hoạt động đúng quy định của pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn đặt ra, tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp có thêm lựa chọn về giám định tư pháp khi trưng cầu giám định...

 

Tác giả bài viết: PHƯƠNG HẰNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây