'Ông bố' cảnh sát của làng chài

Thứ sáu - 18/08/2017 19:42
(Phapluat News) - Người cảnh sát thủy, một công dân đặc biệt của người dân làng chài Máy Chai. Anh trở thành ông bố chung cho tất thảy con trẻ làng chài nghèo này.
'Ông bố' cảnh sát của làng chài

 

Con đường anh Tuệ

Con đường nhỏ dẫn vào làng chài Máy Chai, lối đi duy nhất dẫn đến Phân đội 2, Phòng CSGT đường thủy, Công an TP Hải Phòng được người dân đặt tên là con đường Anh Tuệ.

cảnh sát giao thông, CSGT, Hải Phòng

Thiếu tá Đỗ Minh Tuệ (cầm bộ đàm) luôn nhanh nhạy trong công tác trấn át tội phạm trên sông, biển

Người được đặt tên con đường này chính là thiếu tá Đỗ Minh Tuệ, Đội trưởng Phân đội 2 - người cảnh sát da ngăm đen luôn đi dép nhựa quai hậu cũ màu để mỗi khi có việc là lên tàu, xuống nước cho tiện.

Ở khu vực cống Thủy Tinh (phường Máy Chai, quận Ngô Quyền) có cả "gia đình lớn" như cách gọi đầy tự hào của anh. Hai bên con đường trải bê tông rộng khoảng 4 mét là san sát những ngôi nhà nhỏ.

Thiếu tá Tuệ chia sẻ: “Đây là xóm chài có hơn 100 nhân khẩu. Nếu ai hỏi đời làm công an của tôi được gì, tôi sẽ trả lời bằng chính xóm chài này. Hơn 10 năm trời gian truân, tôi và đồng đội mới đưa được 21 gia đình ấy lên bờ đấy”.

Thiếu tá Tuệ là trinh sát ma túy. Năm 2005, anh chuyển công tác về đây. Nhận thấy việc ngư dân sống ven sông Cấm đầy bất ổn - vì là khu vực luồng hàng hải quốc tế. Mỗi khi tàu tải trọng lớn hoặc tàu cao tốc chạy qua, những con thuyền mỏng manh của ngư dân lại chòng chành, nghiêng ngả. Không ít lần thuyền lật, thậm chí có vụ cả gia đình đã thiệt mạng.

Từ trăn trở đó, anh Tuệ quyết tâm bàn với đồng đội chung tay đưa dân chài lên bờ. thay đổi số phận cho họ. Nói là làm, năm 2009, Thiếu tá Tuệ cùng đồng đội đi vận động ngư dân neo thuyền vào khu vực đảm bảo, tránh di chuyển rải rác trên sông ảnh hưởng đến ATGT thủy.

Anh Tuệ nhớ lại những ngày gian truân: “Khoảng thời gian đầu, mình vừa động viên vừa bắt ép để bà con lên bờ. Quen sống lang thang trên sông quá lâu nên họ khó thay đổi. Nhiều gia đình kéo thuyền vào bờ buổi chiều, sáng hôm sau đã bỏ trốn. Vì phần lớn họ nghĩ mình đang bị bắt, bị đuổi, nên không hợp tác. Sau một đêm, bãi bồi neo thuyền có thể trống hơ, dân chài lại đưa nhau ra biển”.

"Bác là người khai sinh ra xóm này đấy"

Anh Phạm Văn Tới, một trong những ngư dân đầu tiên lên bờ tâm sự: “Chú Tuệ cả đêm lẫn ngày ngồi lì trên thuyền tôi phân tích thiệt hơn. Chú ấy bảo anh phải nghe em, tin em cho chị và các cháu lên bờ để bọn trẻ còn biết chữ”.

Khi được dân tin, anh Tuệ nỗ lực đề xuất địa phương tạo điều kiện cho những ngư dân đóng cọc, làm nhà tạm ngay sát đơn vị.

Ban đầu là những túp lều cắm cọc xuống lòng đất, tiếp đó là san lấp lập nên những ngôi nhà. Đặc biệt, năm 2010, anh Tuệ xin được kinh phí làm một con đường bê tông chạy dọc xóm, nối vào tới Phân đội 2. Con đường này đã giúp xóm chài tạm bợ lên phố khang trang. Các ngôi nhà lần lượt mọc lên quay mặt ra con đường bê tông mà người dân nay gọi là “đường Anh Tuệ”. 

cảnh sát giao thông, CSGT, Hải Phòng
Con đường anh Tuệ được đặt theo tên của chiến sĩ CSGT Đỗ Minh Tuệ
 

Một tổ chức phi chính phủ đã cung cấp nước sạch cho 21 gia đình với hơn 100 nhân khẩu nơi đây. Có nhà, có nước, rồi mua ké được điện của các hộ dân bên ngoài, dân chài sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh... Lần đầu tiên trong những gia đình đó có ban thờ được lập.

Chị Hà, một người dân xóm chài tâm sự: Hồi ở dưới sông, bố tôi mất. Lập cái ban thờ nhỏ cùng với bát cơm trắng với quả trứng nhạt thắp hương ông nhưng vừa tôn lên sóng đã đánh thuyền chòng chành, ban thờ lật úp. Cái việc chừng như đơn giản với bất cứ ai nhưng với dân chài sống lênh đênh trên sông nước thì chúng tôi chỉ có trong mơ mới có được. Tất cả là nhờ công bác Tuệ. Bác ấy khai sinh ra cái xóm này đấy”.

Giấy xin đi học do 'bố Tuệ' ký

10 năm trước, ngư dân làng chài Máy Chai chỉ dám mơ có một căn nhà, con cái được đi học, chết có chỗ chôn... Nay họ quây tụ quanh một xóm nhỏ với nhà cửa chắc chắn và đã có 2 cháu đỗ ĐH.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, phó xóm chài nhớ lại: “Khi mới lên bờ, nhiều cháu 10 tuổi trông bé như lên 5, không biết đọc, biết viết. Anh Tuệ và các anh cảnh sát đường thủy ở đơn vị phải tổ chức cho các cháu học ở những lớp tình thương hoặc các lớp “đặc biệt” phổ cập chữ cho. Tới nay, những đứa trẻ xóm tôi đều được đi học hết rồi”.

Ông Bùi Đoan Tới, một trong những người chịu lên bờ đầu tiên theo lời vận động của anh Tuệ kể: “Từ ngày lên bờ, chúng tôi đã chuyển sang làm công nhân, xe ôm, bốc vác và cả buôn bán nhỏ, bỏ hết nghề sông nước, cuộc sống khá hơn. Nhưng cái chúng tôi được nhất mà ơn anh Tuệ không bao giờ quên là các con, các cháu được đi học như bao đứa trẻ khác. Đời các cháu sẽ chấp dứt cảnh lang thang như cha ông chúng”.

Những ngư làng chài này, trước đây thậm chí còn có lúc chả nhớ hết tên đàn con của mình. Họ chẳng có nổi một tấm giấy khai sinh, sổ hộ khẩu hay chứng minh nhân dân, thì chuyện học hành, hướng nghiệp cho con cái là xa vời.

Nhưng hôm nay, những lớp trẻ làng chài đã không còn mù chữ. Chúng được “bố Tuệ” lo cho mọi thủ tục để đến trường đúng mùa khai giảng. 

cảnh sát giao thông, CSGT, Hải Phòng
 
Nói về việc đi xin học cho bọn trẻ ở làng chài Máy Chai, giọng anh Tuệ chùng xuống : “Tôi không sinh ra bọn trẻ nhưng nhớ tên từng đứa một. Từ ngày sinh rồi đến tính cách, hoàn cảnh. Con nào đủ 6 tuổi là tôi đi xin học cho nó. Vì không có hộ khẩu, không có khai sinh nên tôi phải tự tay làm đơn xác nhận hoàn cảnh, tên tuổi của bọn trẻ rồi đứng ra bảo lãnh”. Đơn xin học của trẻ làng chài được địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ hết mức. Họ xác nhận dựa trên sự bảo lãnh của Thiếu tá Tuệ rồi gửi ra trường.

Vì thế, trẻ con làng chài muốn đi học buộc phải có chữ ký của người bố tinh thần này. Từ tấm lòng bao la của anh, trẻ con trong làng tất thảy gọi anh là bố. Trong hồ sơ học sinh của chúng có một điểm chung. Không có quyển hộ khẩu hay tờ lý lịch nào cả mà chỉ có giấy xin được đi học viết tay có chữ ký của "bố Tuệ".

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây