Vị trí Trạm BOT Cai Lậy. |
Cải tạo để đảm bảo năng lực giao thông
Chiều ngày 17/8, Bộ GTVT đã tổ chức Họp báo về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì và trực tiếp trả lời nhiều thắc mắc tại buổi Họp báo.
Về việc nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tại Quyết định số 06/2011/QĐ-TTg ngày 21/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12km, quy mô 4 làn xe.
Từ năm 2009, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu xây dựng tuyến tránh, tuy nhiên, do nguồn vốn Nhà nước rất khó khăn nên sau 4 năm nghiên cứu, dự án vẫn chưa được triển khai. Trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh Tiền Giang về việc khu vực thị trấn Cai Lậy thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, TNGT gây bức xúc cho người tham gia giao thông, người dân sống trong khu vực và kiến nghị đầu tư dự án tuyến tránh QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình BOT, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Thời gian qua, việc đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BOT nói chung và trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng đã phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần quan trọng trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu TNGT, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trả lời nhiều thắc mắc về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. |
“Bảo trì đường bộ chỉ là vá đường, sửa chữa đơn giản, chứ không thể cải tạo nâng cấp được. Các quy định pháp luật hiện hành cho phép huy động vốn BOT để nâng cấp cải tạo mặt đường, các cầu và hệ thống thoát nước ở QL1 này, nhằm đảm bảo năng lực giao thông cho khu vực có dự án đi qua, cầu cống cũng chịu được xe tải trọng lớn hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Dự án đầu tư xây dựng công trình QL1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560÷km2014, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT (gọi tắt là Dự án) có điểm đầu tại km1987+560 QL1 (thị xã Cai Lậy) và điểm cuối tại Km2014 QL1 (huyện Cái Bè). Dự án có tổng chiều dài là 38,5km, trong đó có 2 phần gồm: Cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4km (qua Thị xã Cai Lậy dài 11,1km), sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; tuyến tránh Thị xã Cai Lậy dài 12,1km và xây dựng 07 cầu (quá trình triển khai thực hiện có 02 cầu chuyển thành cống để đảm bảo hiệu quả đầu tư theo đề nghị của địa phương).
Tổng mức đầu tư của Dự án là 1.398,2 tỷ đồng. Trạm thu giá dịch vụ Cai Lậy tại Km1999+300 QL1 trong thời gian 6 năm 5 tháng, mức thu giá dịch vụ thực hiện theo khung quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính.
Quá trình lập và phê duyệt dự án đầu tư, Bộ GTVT đã lấy ý kiến và nhận được thống nhất về chủ trương đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT cùng vị trí đặt trạm Cai Lậy của UBND tỉnh Tiền Giang, HĐND tỉnh Tiền Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài chính.
Họp báo về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang ngày 17/8. |
Không chuyển vị trí Trạm Cai Lậy
Liên quan đến sự phản đối về vị trí của Trạm thu phí Cai Lậy của tài xế trong những ngày vừa qua, báo giới đã đặt câu hỏi rằng, vị trí của Trạm BOT Cai Lậy có hợp lý hay không và có cần phải chuyển trạm Cai Lậy hay không?, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, trạm phí Cai Lậy nằm trên phạm vi của dự án nên không tính đến việc chuyển trạm.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, việc đặt trạm Cai Lậy được thực hiện dựa trên cả một quá trình khảo sát, nghiên cứu rất kỹ lưỡng trong khoảng thời gian dài, đặc biệt là căn cứ vào phương án tài chính, phạm vi dự án. Vị trí của Trạm đã được Bộ GTVT tổ chức lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng liên quan từ địa phương đến TW như Bộ Tài chính, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang… với mục tiêu là hài hòa lợi ích của người dân, nhà đầu tư,….
Về hành động phản đối của các tài xế tại Trạm Cai Lậy bằng cách dùng tiền lẻ trả phí hoặc bỏ tiền cho vào chai nhựa gây ùn tắc kéo dài và gây “bão dư luận” thời gian vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, đây là một sự việc đáng tiếc, tạo tiền lệ xấu. Việc xử lý và ngăn chặn hành vi này đã có các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định của pháp luật. Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đang tập trung các cơ quan chức năng và tích cực trao đổi với các cơ quan hữu quan của tỉnh Tiền Giang để xử lý, trong đó, lắp đặt và áp dụng thu phí tự động là một giải pháp hữu hiệu.
Giảm giá dịch vụ cho phương tiện qua Trạm Cai Lậy
Ngày 16/8 vừa qua, Bộ GTVT đã tổ chức làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và một số cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý vướng mắc trong việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Trạm Cai Lậy.
Trên cơ sở rà soát việc thu giá dịch vụ và kiến nghị của đại diện UBND tỉnh Tiền Giang tại Trạm Cai Lậy, cuộc họp đã thống nhất giảm giá dịch vụ cho tất cả các phương tiện qua trạm. Theo đó, mức giá dịch vụ sau khi giảm là: Loại 1 là 25.000 đồng; loại 2 là 35.000 đồng; loại 3 là 40.000 đồng; loại 4 là 70.000 đồng; loại 5 là 140.000 đồng. Vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này. Thời gian áp dụng từ ngày 21/8.
Đồng thời, giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho các loại phương tiện Loại 1 và Loại 2 của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy (không kinh doanh vận tải); giảm 50% giá dịch vụ cho phương tiện còn lại tại 4 xã nói trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang. Hiện, các cơ quan liên quan đang tập trung triển khai thực hiện để áp dụng trước ngày 10/9.
Tác giả bài viết: VŨ THÀNH VŨ
Nguồn tin: tapchigiaothong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn