Nói giáo viên lương thấp là "có voi, đòi tiên"?

Thứ bảy - 19/08/2017 23:02
(Phapluat News) - Xung quanh câu chuyện tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm mất hấp dẫn, VietNamNet nhận được bài viết của thầy giáo Tùng Sơn cho rằng yếu tố “tiền lương” không phải nguyên nhân. Dưới đây là nội dung bài viết.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

 

>> "Lãng phí của tuyển mới còn lớn hơn lãng phí giảng viên sư phạm ngồi chơi"
>> Cải tổ đào tạo sư phạm: Đặt điểm sàn riêng, cắt mạnh chỉ tiêu
>> Chuyện buồn của 3 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm


Chẳng bao giờ tôi nghĩ lương của nhà giáo hiện nay là cao. Tuy nhiên, tôi chẳng bao giờ phàn nàn giáo viên lương thấp vì nhìn ra xung quanh và nhìn vào các viên chức khác, chẳng thấy có ngành nào lương cao cả. Ngó đi, ngó lại, thấy mỗi nhà giáo là lương cao nhất … 

Tự coi mình là một thí sinh thi đại học, tìm nghề lương cao, nhưng tôi vẫn chỉ thấy có sư phạm.

Tất cả viên chức đều thấp và giáo viên hơn ở phụ cấp

Một lần nữa, tôi lại soát kĩ thang bảng lương của viên chức theo Nghị định 204/2004 và Nghị định 117/2016 sửa đổi Nghị định 204 của Chính phủ thì thấy đây là tình trạng chung. 

Nhà giáo cũng là viên chức và đương nhiên hưởng lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. 

Cẩn thận hơn, tôi tìm bảng lương viên chức mới nhất năm 2017 tại trang Thuvienphapluat. Kết quả vẫn vậy. Giáo viên tiểu học cao cấp, giáo viên mầm non cao cấp, giáo viên THCS chính, hộ sinh, kĩ thuật viên y, địa chính viên, quan tắc viên tài nguyên môi trường,… đều có lương khởi điểm 2,34.

Lương giáo viên các cấp học nằm trong bảng lương chung của công chức, viên chức nên chỉ có khởi điểm 1,86-2,1-2,34 như các chuyên môn khác. 

Tuy nhiên, giáo viên hơn ở hai phụ cấp, đó là phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và phụ cấp thâm niên. 

Ngoài ra, giáo viên còn có phụ cấp khác nếu công việc giảng dạy độc hại, nặng nhọc theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP.

Người giỏi chê sư phạm lương thấp, đi đâu lương sẽ cao?

Tự coi mình là một thí sinh đang chọn nghề để học, tôi lục kĩ bảng lương công chức, viên chức. 

Loại trừ các ngành công an và quân đội, tôi thấy nghề nào cũng đều hưởng theo bảng lương công chức, viên chức Nghị định 204 cả.

Các ngành công an, quân đội thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn về lí lịch, chiều cao, sức khỏe,… và cuộc sống có kỉ luật khắt khe.

Vậy thì đi đâu? Học viện tài chính, ngân hàng ư? Làm việc cho các doanh nghiệp lien doanh có yếu tố nước ngoài lương sẽ rất cao nhưng bao nhiêu phần trăm sinh viên sẽ được làm những công việc đó? Mỗi lần phỏng vấn, biết bao sinh viên mang hồ sơ đến lại mang về.

Các cô cán bộ ngân hàng nhà nước, những bác sĩ, những cán bộ các phòng ban trong cơ quan nhà nước, tất cả những con người ấy đều có khởi điểm từ bậc lương 2,34 – 2,1 hoặc 1,86.

Hãy nhìn sang các ngành nghề khác

So với giáo viên, mức lương của các kĩ thuật viên, thợ máy và kĩ sư chẳng sáng sủa gì hơn.

Chẳng hạn, theo Thông tư 05/2016 của Bộ Xây dựng, công nhân vận hành máy và thiết bị thi công có lương khởi điểm 1,76, nhân với lương cơ sở vùng 2 là 2.220.000 sẽ được 3.907.000 đồng. Tùy theo công việc, được tính thêm phụ cấp, anh công nhân được khoảng 4.500.000 đồng.

Một kĩ sư xây dựng hưởng lương vùng II có 2.220.000 đồng nhân hệ số 2,34 được 5.195.000, cộng phụ cấp (nếu có) được khoảng 5.500.000.

Điều kiện làm việc ngoài trời, lại xa nhà, thế mà công nhân vận hành máy được 4,5 triệu, kĩ sư được 5,5 triệu. Phải trang trải sao đây với bản than, gia đình, con cái.

Đôi lúc người ta nói với nhau “Đi sư phạm làm gì, hãy học ngân hàng, bác sĩ như anh A chị B kia. Lương cao, nhà cao, xe tiền tỉ,…”.

Phải thừa nhận nhiều cán bộ ngân hàng, tín dụng giàu thật vì họ đi làm bằng xe hơi. Bảo rằng bác sĩ thì mở thêm phòng mạch và làm thêm giờ chứ cán bộ tín dụng thì đâu có làm thêm. Nhưng đa số bác sĩ là không có phòng mạch riêng, không làm thuê phòng mạch, nhưng nhiều người trong số ấy vẫn giàu.

Đã chọn thì yêu nghề và bằng lòng với cuộc sống

Dù cuộc sống khó khăn, lương nhà giáo chân chính nhưng chúng ta vẫn có xe máy tay ga, nhiều nhà hai tầng, ti vi màn ảnh rộng,… con cái chúng ta học giỏi hơn các ngành nghề khác.

“Nhìn lên chẳng bằng ai…”, nhưng quả thật nhìn xuống thì đúng là còn bao cảnh khổ hơn. 

Có lẽ chúng ta hơn người ở chỗ chúng ta luôn đủ ăn để dạy, đủ xe để đi, đầu óc luôn thanh thản sống trong sáng,… Và mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Lời kết: Đến đây ta đã thấy rằng lương không cao so với nhu cầu cuộc sống là tình hình chung của cán bộ, viên chức chứ không phải giáo viên lương thấp. Và nhất là, cộng thêm phụ cấp, nhà giáo có lương tháng hơn hẳn các viên chức khác.

Có lẽ hôm nay con em chúng ta không chọn nghề sư phạm vì những vấn đề khác như vị trí việc làm, sự gò bó trong công việc khuôn khổ, không được đi đó đây,… chứ không hẳn vì lương thấp. Mà có lẽ, nếu nói lương nhà giáo thấp là chúng ta đang “được voi đòi tiên chăng”?

 

Tác giả bài viết: Nhà giáo Tùng Sơn

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây