Dù những câu chuyện được kể theo góc nhìn của nhân vật thì cũng không thể phủ nhận, “Phút 89” đã nối dài những “ân oán” ở góc khuất của làng bóng Việt.
Tự truyện và “ân oán” sự nghiệp
Ngay khi cuốn tự truyện của Lê Công Vinh “ra lò”, lập tức đã nhận phải những phản ứng từ những nhân vật mà anh nhắc đến. Đầu tiên là HLV Lê Thuỵ Hải với câu chuyện “biếu tiền”.
Trong đoạn nhắc đến ông Hải “Lơ”, Công Vinh có nói đến chi tiết ngày ra mắt Bình Dương, Chủ tịch Sơn đưa cho anh bọc tiền đến biếu HLV Lê Thuỵ Hải như quà ra mắt, thế nhưng sau đó anh đã phân vân rồi quyết định không làm theo ý của lãnh đạo đội bóng. Công Vinh cũng đã kể lại nguyên lời của Chủ tịch Sơn rằng đấy là chuyện đã thành lệ ở Bình Dương.
Câu chuyện này đã gây tranh cãi, HLV Lê Thuỵ Hải lên tiếng khi được báo chí đề cập là không có chuyện đó. Một số cầu thủ từng là học trò của ông Hải cũng cho rằng không có điều này. Sau đó, Công Vinh đã lên tiếng giải thích với dư luận rằng bản thân anh không hề nói “bố” Hải nhận tiền, truyền thông đã có phần đưa tin theo chiều hướng không đi hết vấn đề.
Tuy nhiên, căn cứ vào tự truyện, Công Vinh không nói thẳng HLV Lê Thuỵ Hải nhận tiền của cầu thủ mà lại dẫn lời Chủ tịch Sơn cho rằng đó là cái lệ ở đội bóng thì rõ ràng là câu chuyện ông Hải nhận tiền được kể lại thông qua người thứ 3 trong tự truyện. Do vậy, khó có thể trách những phản ứng từ dư luận trong chuyện này.
Người thứ hai phản ứng lại Công Vinh dữ dội là tiền vệ Tấn Tài. Anh bị Công Vinh “tố” rằng không chuyền bóng cho mình cả ở cấp độ CLB lẫn ĐTQG. Đấy là điều khiến Tấn Tài rất bức xúc và đăng đàn phản ứng lại. Cựu tuyển thủ này còn nói rằng anh sẽ chẳng bỏ 1 ngàn nào để mua tự truyện không viết đúng sự thật về mình.
Sau đó, chưa cần Công Vinh lên tiếng thì một số trang báo mạng đã dẫn lại những pha kiến tạo của Tấn Tài cho Công Vinh ghi bàn ở cả ĐTQG và Bình Dương. Điều này như một sự chứng minh cho việc Tấn Tài không phải như nhân vật trong trang sách mà Công Vinh nói đến. Một bằng chứng khiến nhiều người phải suy nghĩ về cái gọi là “sự thật” mà Công Vinh đã khẳng định.
Đến nhân vật vốn kín tiếng trước truyền thông như Lê Huỳnh Đức cũng phải lên tiếng vì cuốn tự truyện có nhắc đến mình. Cụ thể, Công Vinh có khẳng định đàn anh Lê Huỳnh Đức ghét mình qua câu chuyện mà anh cảm nhận được sự “kệ mày” đến từ câu hỏi của Lê Huỳnh Đức. Điều này được nhắc đến như một nốt trầm buồn trong tự truyện của Công Vinh.
HLV Lê Huỳnh Đức đã chia sẻ rằng: “Vinh viết tự truyện thì phải phản ánh đúng thời điểm câu chuyện xảy ra. Tôi nhớ, khi Công Vinh từ Bồ Đào Nha trở về, HLV Henrique Calisto có dặn tôi là hãy để Công Vinh tập luyện tự do. Nghĩa là Vinh thích ra sân tập với đồng đội cũng được mà có nhu cầu nghỉ tập cũng không sao. Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Calisto và tôi chỉ truyền đạt lại.
Nếu xét theo góc độ và ngữ cảnh đó thì câu nói của tôi không có vấn đề gì, không có ý “ghét” Vinh như suy nghĩ của cậu ấy. Nhưng bây giờ tôi không muốn bình luận nữa. Cậu ấy muốn nghĩ sao thì nghĩ. Nói một cách ngắn gọn, tự truyện của Công Vinh chỉ là cảm nhận rất chủ quan của cậu ấy. Sự thật đôi khi lại không phải như thế”.
Cái mà Huỳnh Đức gọi là đặt câu chuyện và tính thời điểm mà nó diễn ra để đánh giá về sự việc cũng khiến tất cả phải suy ngẫm. Tuy nhiên, như Công Vinh đã chia sẻ thì đây là cuốn tự truyện thể hiện tinh thần là góc nhìn của anh về sự việc, hiện tượng và các mối quan hệ theo cảm nhận của bản thân. Thế nên, có thể phần nào chia sẻ với góc nhìn của Công Vinh. Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận việc đó đã và đang tạo nên những “ân oán” kéo dài.
Công Vinh nói gì?
Mặc dù có nhiều tranh cãi, thế nhưng không thể phủ nhận “Phút 89” của Lê Công Vinh giống như những lát cắt về bức tranh bóng đá Việt Nam, rộng hơn là một xã hội thu nhỏ.
Bên cạnh đó, độ “hot” của cuốn tự truyện này cũng khiến dư luận thêm một lần nữa phải nhắc đến Công Vinh, bằng chứng là lượng sách bán ra đã vượt xa mong đợi.
Tại buổi giao lưu ký tặng sách của Công Vinh tại Hà Nội, cựu tuyển thủ quốc gia này đã có những chia sẻ về cuốn tự truyện gây tranh cãi này. Anh nói: “Đối với tôi, cuốn tự truyện này là cuộc đời tôi, nhìn theo con mắt của tôi. Tôi không hối hận, vì tôi đã nói lên góc nhìn của mình. Tôi nghĩ ai đọc cuốn tự truyện thì sẽ cảm thấy rất nhẹ nhàng khi gấp sách lại”.
Lê Công Vinh cũng nói rằng anh là người đi tiên phong để các cầu thủ khác dám viết sự thật trong tự truyện. Anh nói: “Phóng viên thể thao chơi với nhiều giới bóng đá, cầu thủ, ông chủ đội bóng. Họ biết góc khuất làng bóng. Thế giới họ nói nhiều rồi, nhưng ở Việt Nam đó chỉ là mảng tối không tiết lộ ra.
Tôi đã nói với bạn tôi rằng người nào tiên phong đầu tiên sẽ bị chỉ trích nhiều nhất. Những gì tôi nói ra đây còn là nhẹ, có những thứ kinh khủng hơn mà tôi chưa nói. Tôi nghĩ sau khi tôi nói, mọi thứ sẽ đi vào giá trị thật nhiều hơn. Sau này, các cầu thủ khác ra tự truyện, họ sẽ không thấy sợ nữa khi nói về góc khuất”.
Khi còn là một cầu thủ, Công Vinh cũng từng là nhân vật trung tâm của nhiều những tranh cãi với chính các mối quan hệ đồng nghiệp, những người trong nghề. Và có lẽ, khi những câu chuyện “ân oán” được Công Vinh kể ra, không khó hiểu khi những ồn ào tiếp tục xuất hiện. Bây giờ, rõ ràng việc cảm nhận cuốn tự truyện cũng do cảm quan của từng người.
Trong lời tựa của cuốn sách, nhà báo Đinh Đức Hoàng đã có những chia sẻ như một thông điệp của cuốn sách này: “Có một đoạn trong cuốn sách khiến tôi dừng lại suy nghĩ. Đấy là khi Công Vinh nhận ra rằng “cuộc sống đời thực và trên mạng có khoảng cách rất lớn”. Trên mạng, Công Vinh chịu nhiều áp lực của dư luận. Nhưng ra đường, ai cũng tươi cười và xin chụp hình cùng.
Một chi tiết nhỏ. Nhưng chuyện cá nhân của Vinh như thể phản ánh tinh thần của cả một giai đoạn xã hội. Sống bao năm trong nghề truyền thông, tôi hiểu được rằng giữa “dư luận mạng” và cuộc đời khác nhau như thế nào và luôn day dứt về sự đối lập đôi khi đầy tiêu cực ấy.
Và rồi tôi nghĩ, cũng phải, nếu chuyện của Công Vinh mà không phản ánh bức tranh xã hội thì còn ai? Sau cùng, tôi nhận ra trong cuốn sách này có rất nhiều phần đời của người Việt Nam”.
Tác giả bài viết: HOÀI ĐAN
Nguồn tin: laodong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn