Báo Thanh Niên xin trích dẫn một phần bài viết của biên tập viên Quốc Khánh – người đã xây dựng kịch bản và dẫn chương trình này.
Cả một tuần qua chúng ta không nói gì khác ngoài chuyện bản quyền truyền hình World Cup. Với chúng tôi đây là một chủ đề khó vì đây là chuyện của VTV, nói sao cho khách quan thuyết phục. Trong một tuần đã có quá nhiều chuyên gia về kinh doanh bản quyền, những người thạo tin xuất hiện, thì chúng tôi sẽ chỉ phân tích dựa trên những gì thật ra đã xảy ra. Điều gì gây ấn tượng nhất với chúng tôi - đó chính là những con số, những miêu tả về cuộc kinh doanh của VTV liên quan đến bản quyền truyền hình.
Những con số kiểu như 20 triệu đô la, thậm chí mạnh hơn có báo còn nhắc đến con số ngàn tỷ đồng, sau khi nhận tiền thu được từ một đúp quảng cáo từ trận chung kết ra cho từng phút một của giải đấu. Hay nói tóm đi tóm lại thì có người vẫn khẳng định là gì thì gì World Cup cũng là một món hời cho nhà đài.
Một món hời, khi đọc những con số này, tôi lại ước tại sao những cuộc họp kín của VTV về bản quyền World Cup năm nay không có ai lén thu âm và tung lên mạng cơ chứ.
Tôi không được phép tiết lộ con số nào hết cả đâu. Nhưng có một con số mà khán giả cũng biết. Năm 2006 có ít nhất 3 đài truyền hình lớn ở Việt Nam có bản quyền phát sóng World Cup. Nếu quả thật bản quyền truyền hình các giải đấu lớn là một món hời trăm tỷ cho các nhà đài thì cứ 2 năm một lần họ phải giàu có hơn rất nhiều rồi. Giờ món hời đó sau 12 năm chỉ còn VTV còn đứng ra nhận trách nhiệm mang lại cho khán giả.
Còn nếu nói về báo chí tôi cũng dẫn ra đây một bài viết của tờ báo có chút uy tín là tờ New York Times bài viết từ năm 2010 trước World Cup tổ chức ở Nam Phi. Bài báo có tựa đề :Giá trị thật của bản quyền truyền hình” được đăng 3 tuần trước khi World Cup 2010 khởi tranh, trong đó nói lên một bức tranh chung của truyền hình thế giới giữa bối cảnh giá trị bản quyền truyền hình tăng chóng mặt. Và một câu trích dẫn trong đó của đại diện một hãng nghiên cứu truyền hình uy tín ở Luân đôn: “Giá trị bản quyền truyền hình đang tăng đến mức mà các nhà đài đã không còn trang trải nổi nếu chỉ trông vào quảng cáo”.
Đó là xu hướng của 8 năm trước, và đọc lại mới thấy nhiều thông tin thú vị, kiểu như là ngày đó khán giả Singapore bắt đầu phản đối hai nhà cung cấp là Sing Telecom và Starhub vì bắt họ trả tiền quá cao để được xem World Cup. 8 năm sau giá vẫn đang tăng lên ở Singapore và bên cạnh việc kêu ca trên mạng xã hội thì khán giả ở đây bắt đầu tìm trước những quán xá có chiếu World Cup trên màn hình lớn.
Thế nên nếu cứ ngồi cầm máy tính nhân giá tiền quảng cáo dành cho trận chung kết World Cup cho từng phút trước giữa sau của cả 64 trận đấu thì cuộc kinh doanh của chúng ta thật hoàn hảo. Còn thực tế thì chẳng bao giờ như vậy cả.
Mạo hiểm với bản quyền các giải trong nước
Kể chuyện nước ngoài mãi, câu chuyện lại kém phần thuyết phục nhưng khi nói về chuyện các nhà đài mua bản quyền truyền hình bóng đá chịu một sự may rủi dựa trên phong độ của chính đội nhà thì chúng ta có một câu chuyện mà chắc chắn ai cũng biết ở Việt Nam. Khi VTV mua được bản quyền truyền hình phát sóng vòng chung kết U.23 châu Á đầu năm nay. Mấy ai nghĩ được rằng kết quả lại thành công rực rỡ đến như vậy.
Trận đầu tiên U.23 Việt Nam thua U.23 Hàn Quốc, lượng người xem cũng còn thấp. Nhưng rồi điều bất ngờ nhất xảy ra, chiến thắng oanh liệt nhất của bóng đá Việt Nam đã đến sau đó. Tính một cách cơ học thôi, thì vẫn giá bản quyền đó, nhưng VTV có thêm được 3 trận đấu với hàng mấy chục triệu người xem. Một lễ đón tưng bừng chưa từng thấy. Phải nói rằng đó nếu xét trên khía cạnh kinh doanh cũng là một thương vụ bóng đá thành công bất ngờ.
Đội U.23 Việt Nam tại giải U.23 châu Á đã giúp VTV tăng lượng khán giả đến chóng mặtAFC |
Nhưng sau thành công đó là gì, sau thành công đó xin thưa quí vị là ít nhất 4 giải đấu nữa của bóng đá Việt Nam trong năm nay. Và chúng ta không mua bản quyền truyền hình từ những máy bán hàng tự động. đằng sau đó là những công ty hàng đầu, với những nhân sự bán hàng nhanh nhạy chẳng kém gì Quang Hải đá phạt. Ngay lập tức họ đã nhận thấy sự quan tâm của khán giả bóng đá Việt Nam tới các giải đấu thậm chí của các đội tuyển trẻ giờ cũng tăng lên rất cao. Và giá trị bản quyền truyền hình các giải đấu vốn dĩ không quá đắt này, tôi xin khẳng định đến lúc này đã là những con số khác hẳn.
Giá trị bản quyền truyền hình của các giải đấu này (ví dụ như AFF Cup...) đã thay đổi rất nhiều kể từ sau cơn sốt của đội tuyển U.23 Việt Nam, nhưng có một thứ chưa chắc đã lặp lại thậm chí có thể nói là khó lòng lặp lại đó chính là một kỳ tích như chúng ta đã từng thấy ở Thường Châu vào năm nay. Món hời ư? Rất có thể trở thành món nợ đấy. Nên là trong tuần rồi khi ông Park Hang Seo có trả lời phỏng vấn trên báo chí mà nói đại ý rằng người hâm mộ Việt Nam chưa từng sẵn sàng cho ước mơ World Cup. Phải nói đùa thế này, nếu đội tuyển Việt Nam giành quyền dự World Cup giá bản quyền truyền hình cho quốc gia có đội bóng tham dự sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác và ít nhất thì ông Park đã nói đúng ở một khía cạnh nào đó. VTV chưa từng nghĩ đến điều này.