Chiều 11-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Trong đó, nhiều vấn đề giáo dục được đề cập, đặc biệt là đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp.
Đào tạo con người có dũng khí, dám chịu trách nhiệm
Khẳng định đây là dự luật quan trọng, ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) đề nghị luật này phải được sửa toàn diện với tinh thần không vội vàng nhằm đảm bảo hiệu quả khi cho ra lò một sản phẩm không theo tư duy nhiệm kỳ.
ĐB Ksor H’Bơ Khăp khẳng định nghề bác sĩ và giáo viên đáng quý. “Tôi đề nghị hai ngành này điểm tuyển đầu vào phải cao như trước đây, không phải đại trà như hiện nay. Đặc biệt, phải đào tạo ra những người có dũng khí, tài năng như vị trí của một bộ trưởng nhưng không dám nhận năng lực lãnh đạo quản lý của mình kém, không dám hiên ngang tuyên bố nếu còn để xảy ra sai sót sẽ từ chức mà tất cả là công việc chung của Chính phủ, QH, abc...” - ĐB thẳng thắn.
ĐB nói: “Nguy cơ của Việt Nam bây giờ là chỉ quan tâm tới trí tuệ mà bỏ qua cảm xúc. Giá trị cảm xúc chúng ta đừng quên rằng khiến con người khác với con vật. Nếu chúng ta tiếp tục tiến hóa theo cái cách như vài năm vừa qua, qua xu hướng mà giáo dục đang đi thì chả mấy chốc con cháu chúng ta trở thành những con robot vô cảm, thiếu lòng tự tôn dân tộc, sống vị kỷ cá nhân, không dám tự chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình trước cộng đồng và pháp luật...” - ĐB này cảnh báo.
ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Ảnh: V.LONG
Băn khoăn chuyển hình thức miễn học phí sinh viên sư phạm
Liên quan đến sửa đổi, tại khoản 3 Điều 89 có quy định học sinh, sinh viên (SV) sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. ĐB Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) cho rằng một số lượng lớn học sinh, SV tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng không có cơ hội được tuyển dụng vào ngành giáo dục chứ không phải họ không có nguyện vọng. Vì vậy, việc thay đổi chính sách này có thể đẩy cao áp lực trong tuyển dụng vào ngành giáo dục và có thể làm nảy sinh tiêu cực vì việc tuyển sinh còn quyết định đến vấn đề phải hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm hay không. Hơn nữa, việc thay đổi này có thể làm giảm sức hấp dẫn, khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.
Có chung băn khoăn, ĐB Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) so sánh có hai SV cùng vay vốn, cùng thực hiện nguyện vọng là được học ngành sư phạm và cùng mong muốn sau khi ra trường được làm việc cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, một em sau khi tốt nghiệp xin được việc làm trong ngành giáo dục, phục vụ cho ngành đủ thời gian theo quy định và không phải hoàn trả khoản vay này. Em còn lại không xin được việc làm trong ngành giáo dục, buộc lòng phải làm các việc khác, không theo nguyện vọng của mình và nếu có may mắn hơn thì có thể xin được làm một nơi cũng trong ngành giáo dục nhưng vì lý do gì đó, một lý do không mong muốn.
“Ví dụ, bệnh tật hay hoàn cảnh riêng gì mà không thể phục vụ đủ thời gian trong ngành theo quy định thì cuộc sống lại khó khăn và phải chật vật, cực khổ đi kiếm tiền để trả khoản vay tín dụng này. Vô hình trung việc trả khoản vay này như một chế tài đối với người không làm việc trong ngành giáo dục hoặc làm không đủ thời gian…” - vị ĐB này góp ý và cho rằng cần cân nhắc lại hình thức hỗ trợ bằng tín dụng sư phạm.
Trong khi đó, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) thẳng thắn khẳng định không đồng tình với chính sách này vì mất công bằng. Vị ĐB nói: “Chúng ta thấy rằng SV học chính các trường ĐH sư phạm ra trường chưa có việc làm còn tỉ lệ rất cao. Bây giờ chúng ta miễn học phí sinh ra mâu thuẫn, mất công bằng. Chúng ta đặt vấn đề vay tín dụng với không có việc làm đồng nghĩa không có thu nhập và không thể trả khoản vay tín dụng. Không trả khoản vay tín dụng thì nguy cơ phát sinh nợ xấu rất cao như vậy ai xử lý trả khoản tiền này cho các ngân hàng…” - ĐB này nhận định.
Thứ hai, ĐB cũng chỉ ra sự bất hợp lý khi số SV ra trường có việc làm, có thu nhập lại được miễn, giảm và ngược lại như thế hết sức mâu thuẫn. “Đề nghị chỗ vay tín dụng này cần xem lại, thay vào đó là chính sách học bổng, thắt chặt chất lượng đầu ra của SV, tạo việc làm cho SV sư phạm…” - vị ĐB kiến nghị.
Cần lấy lại tên gọi cũ cho các cấp học Hiện nay tên gọi giáo dục phổ thông của các cấp là tiểu học, THCS và THPT. Theo tôi, đây là một cái đặt tên lủng củng, không rõ ràng, sai và đặc biệt là mượn tiếng nước ngoài. Bởi vậy tôi xin đề nghị sử dụng lại cách gọi trước đây đã từng dùng và mục b sẽ được viết lại: Giáo dục phổ thông bao gồm các cấp: Cấp 1 phổ thông, cấp 2 phổ thông và cấp 3 phổ thông. Cách gọi tên này đảm bảo rõ ràng, đúng, dễ hiểu, dễ dùng và hơn thế nữa đó là đảm bảo sự trong sáng và tự hào về ngôn ngữ tiếng Việt của chúng ta. ĐB NGUYỄN ANH TRÍ (TP Hà Nội) Buông lỏng hai chữ “giáo dục” nên gây hậu quả Bác Hồ có thơ: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT gần như buông lỏng hai chữ giáo dục mà lao vào tập trung cho hai chữ đào tạo. Điều này được thấy rõ khi vấn đề bạo lực học đường khiến các ĐB lo lắng tột cùng, với tư duy đạo đức học đường xuống cấp. ĐB KSOR H’BƠ KHĂP (Gia Lai) |
Tác giả bài viết: VIẾT LONG - ĐỨC MINH
Nguồn tin: plo.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn