Làm gì để hiệu trưởng hết "sáng tạo" tiền trường?

Thứ hai - 18/09/2017 21:28
(Phapluat News) - Trong bài viết gửi tới tòa soạn, thầy giáo Trương Như Đệ cho rằng trong các khoản thu hiện nay ở trường, chỉ có một khoản là theo qui định, hai khoản là “làm thuê”. Còn lại là "sáng kiến" của hiệu trưởng các trường.
Làm gì để hiệu trưởng hết "sáng tạo" tiền trường?

Dưới đây là góc nhìn của thầy giáo Trương Như Đệ về tình trạng lạm thu hiện nay.

Kết quả thanh tra đột xuất các cơ sở giáo dục có dấu hiệu lạm thu
"Xin thầy sáng nay đừng đọc tên con tôi chưa đóng tiền trước lớp"
Chưa họp phụ huynh, giấy báo thu tiền đã về
Lạm thu: "Cần mạnh dạn xử lý nghiêm người đứng đầu"
học sinh, giáo viên, hiệu trưởng
Những khoản tiền đa dạng là "sáng kiến" của trường từng được phụ huynh phản ánh

Hằng năm cứ vào đầu năm học điệp khúc tiền trường lại "tấu" lên không chút êm tai. Mới vào đầu năm học 2017- 2018 đã rộ lên chuyện lạm thu ở không ít nơi. 

Tiền trường là tiền gì?

Là các khoản mà phụ huynh phải đóng cho trường, bao gồm khoản bắt buộc theo qui định và các khoản theo "sáng kiến" riêng của từng trường. 

Có thể sơ bộ liệt kê như sau:

1/ Học phí theo qui định của từng tỉnh

2/ Bảo hiểm y tế

3/ Bảo hiểm thân thể

4/ Tiền mua đồng phục

5/ Tiền gửi xe

6/ Tiền nước uống

7/ Tiền vệ sinh

8/ Quĩ lớp

9/ Quĩ phụ huynh học sinh

10/ Tiền phòng học

11/ Tiền mua máy quạt

12/ Tiền trang bị máy điều hoà nhiệt độ

13/ Tiền mua máy chiếu

14/ Tiền lắp camera

15/ Tiền giấy làm bài kiểm tra

16 Tiền học phụ đạo

17 Tiền bán trú

18/ Tiền tăng cường Tiếng Anh
19/ Tiền kĩ năng sống

20/ Tiền sổ liên lạc điện tử

21/ Tiền học 2 buổi đối với TH

22/ Tiền thi tốt nghiệp đối với THPT

Trong các khoản trên, chỉ có khoản 1 là theo qui định. Khoản 2, 3 là “làm thuê”. Còn lại là "sáng kiến" của hiệu trưởng các trường.

Nguyên nhân sinh ra tiền trường

Vào khoảng thập kỉ 70, 80 của thế kỉ trước, trong trường chỉ có 2 loại quĩ là học phí và tiền xây dựng cơ sở vật chất. Một số trường ở thành phố, thị xã có hệ B thì thu thêm tiền hệ B. 

Tiền học phí thu chi theo nguyên tắc tài chính Nhà nước qui định. Tiền cơ sở vật chất ngoài ngân sách do nhà trường tự thu chi. 

Có thể nói tiền cơ sở vật chất một thời đã góp phần không nhỏ việc xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế bao cấp.

Và, cũng không rõ tự bao giờ, không rõ phải do cơ chế thị trường hay không, “quả lại” (… “lạ(i) quả”) bắt đầu sinh ra từ cây "xây dựng cơ sở vật chất". 

Tiếp đến là "quả lại" từ hợp đồng thu bảo hiểm thân thể. 

Đồng phục trường học nở rộ: trường áo trắng, trường áo xanh, trường áo dài, trường váy ngắn, đồng phục thể dục, áo khoác... đơm hoa kết trái thêm "quả lại". 

Hiệu trưởng các trường thi nhau sáng kiến, đẻ ra các khoản (như tạm liệt kê ở trên) để tận thu.

Một điều đáng ngạc nhiên là một số "quả lại" lại xuất hiện trong các văn bản qui phạm pháp luật. Ví dụ như Quyết định số 236/QĐ-BHXH qui định mức chi thù lao cho đại lí thu BHYT nhóm đối tượng học sinh, sinh viên vùng 1 là 2%, vùng 2 là 3%, vùng 3 là 4% trên số thu của người tham gia. 

Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC qui định trích để lại cho cơ sở giáo dục bằng 7% tổng thu quĩ BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV. 

Trong thực tế, điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh các trường phổ thông hết sức đơn giản, làm sao chi hết 7%? Vậy mà vẫn hết! 

"Quả lại" chứa virus làm xói mòn niềm tin xã hội, nhưng có ma lực hấp dẫn người được đặc quyền thưởng thức.

Để không còn tình trạng lạm thu tiền trường

Theo tôi, trước hết hãy trả lại môi trường trong sáng vốn có trong các nhà trường: Hãy giúp các nhà giáo chuyên tâm vào chuyên môn giảng dạy, để trong giấc mơ là ánh mắt trong trẻo học trò chứ không giật mình ghi sổ đòi nợ, thu tiền học sinh. 

Thu học phí là nhiệm vụ của bộ phận kế toán tài vụ. Bảo hiểm y tế đừng bắt nhà trường thu, đó là nhiệm vụ của cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Bảo hiểm thân thể hãy để các em và gia đình tự chọn, tự mua. 

Đồng phục là đẹp, nhưng nên quy định đơn giản để gia đình tự sắm, không ép học sinh phải mua tại trường. 

Quĩ hội phụ huynh học sinh tuy đã có Thông tư 55 năm 2011 của Bộ GD-ĐT...

Tóm lại, nhà trường chỉ thu học phí, một và chỉ một khoản học phí mà thôi. Trường nào vi phạm, xem ngay và tức khắc tư cách hiệu trưởng.

Địa phương nào xảy ra lạm thu nhiều hơn 1 trường thì cũng nên "trảm" trưởng phòng đối với cấp Tiểu học và THCS, "xử" giám đốc sở đối với cấp THPT. 

Một số hiệu trưởng trăn trở: Trong ngân sách cấp cho nhà trường hằng năm tới 80-85% chi lương, số còn lại chi cho mọi hoạt động thì chỉ như muối bỏ bể. Xã hội hoàn toàn thông cảm, chia sẻ với trách nhiệm và tâm huyết của các thầy. Nhưng sáng tạo ra các khoản thu, thậm chí có khoản thu nực cười thì sẽ mang tiếng xấu. 

Nên chăng cho phép các trường xây dựng kế hoạch thu chi học phí theo nhiệm kì hiệu trưởng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Và, sẽ không thu gì thêm ngoài học phí. Tất cả đã tính trong học phí.

Cũng không nên quá lo cho cơ sở vật chất của các trường. Hãy hạch toán hằng năm vào học phí và ngân sách. Bởi lẽ "giáo dục là quốc sách hàng đầu", đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển.

Nhà giáo Trương Như Đệ

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây