Từ vạ miệng tới "đấu đá chính trị"?
Tuy nhiên, việc "luận tội" một người khi anh ta vắng mặt quả là dễ gây ra bức xúc. Cần phải biết, khi VFF lên tiếng đổ hết sai lầm lên Hữu Thắng ở cuộc họp báo hôm ấy, không ít phóng viên tự hỏi "Hữu Thắng đang ở đâu? Phải chăng anh sợ nên không tham gia cuộc họp này?".
Vì trong mắt truyền thông, khi Hữu Thắng bị chê lên chê xuống như vậy, tất nhiêu nhiều người muốn nghe anh nói trực tiếp hơn là cách VFF bảo: "Hữu Thắng đã thành khẩn nhận hết sai lầm và mong được tạo điều kiện để tiếp tục hành nghề".
Nghe cứ như thể trước VFF, HLV Hữu Thắng đã "nhũn như con chi chi" vì quá nhiều "tội lỗi" vậy. Nhưng thực tế với Hữu Thắng thế nào?
HLV Hữu Thắng đang rất bức xúc với VFF và có vẻ anh đã bị cuốn vào 1 cuộc đấu đá chính trị.
Anh bức xúc, tức giận và cho rằng những gì đã diễn ra trong buổi họp kín khác hẳn những gì VFF nói.
Hữu Thắng còn tố cáo VFF nói sai sự thật khi cáo buộc anh được góp ý nhiều nhưng "cố chấp" và chia sẻ Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sĩ Hiển chẳng bao giờ trao đổi gì với mình nhưng giờ lại nhận xét cựu thuyền trưởng ĐTVN "non nớt", "không lường trước được tình hình"…
Quả là cách chia sẻ của VFF với truyền thông về nội dung buổi họp kín hôm 12/9 có gì đó gờn gợn và cái vạ miệng nho nhỏ đó đã khiến 1 cá nhân bức xúc, để rồi dẫn tới việc thông qua anh, một cuộc đấu đá chính trị trong lòng VFF nổi lên.
Trên Zing.vn, Hữu Thắng đã cố cứu vãn tình hình khi nói:
"Tôi nói thật là tôi chỉ nói về vấn đề chuyên môn, không muốn bị lôi vào cuộc đấu đá chính trị nữa. Lúc này tôi rất mệt mỏi, chỉ muốn nghỉ ngơi với gia đình. Tôi cũng mong công chúng, truyền thông đừng mang U22 Việt Nam, mang các cầu thủ trẻ ra để đặt vấn đề nữa, hoặc phục vụ mục đích riêng. Nó thật sự không tốt cho bóng đá Việt Nam và các cầu thủ".
Nhưng e rằng, phong ba khi đã nổi lên thì sẽ rất khó hạ xuống.
VFF đấu đá, vạ miệng, có gì lạ đâu?
Bán kết lượt về AFF Cup 2014 tại Mỹ Đình hạ màn, các cầu thủ của HLV Miura khóc nấc, họ mới thua Malaysia 2-4 và bị loại dù trước đó đã thắng 2-1 ở SVĐ Shah Alam. Đột ngột, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng phát ngôn:
"Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra, ngay cả ông Miura chắc cũng vậy. Cả bốn bàn thua đều do lỗi hàng phòng ngự. Họ có thật sự tệ như vậy hay không? Bởi vì đội tuyển Việt Nam đã có màn trình diễn hoàn toàn khác biệt so với trận lượt đi bán kết thắng 2-1 tại Kuala Lumpur. Tôi không thể không nghi ngờ. Do đó, tôi sẽ nhờ cơ quan chức năng điều tra".
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng lớn tiếng cáo buộc ĐTVN của HLV Miura.
Tất nhiên, sau đó chẳng có gì cho thấy ĐT Việt Nam đã "có vấn đề" ở trận thua này. Chỉ có các cầu thủ là bị tổn thương nặng nề còn NHM hoang mang vì phát ngôn quá thiếu thận trọng của vị Chủ tịch VFF.
Đầu năm 2016, Phó chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ lại khiến tất cả bất ngờ khi phát ngôn với báo chí:
"Tình hình Liên đoàn bóng đá Việt Nam hiện tại là vô cùng khó khăn. Có rất nhiều điều mà tôi và nhiều người muốn nói nhưng vì Chủ tịch Lê Hùng Dũng đang ốm nặng nên e ngại nhiều điều tiếng về thời điểm không thích hợp.
Sau khi ông Trần Quốc Tuấn được Chủ tịch Lê Hùng Dũng phân công bằng văn bản là Phó CT thường trực nhưng thật sự mà nói tôi ngày nào cũng lên VFF và gặp được anh Tuấn là vô cùng khó khăn".
"Chúng ta hợp tác phát triển bóng đá với Liên đoàn bóng đá Nhật Bản, nhưng việc ký hợp đồng với hai vị HLV người Nhật Bản là ông Toshiya Miura và Norimatsu Takashi thì đến Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức cũng không nắm được số tiền chi ra trong những vụ này hết bao nhiêu.
Hay đến lúc ông Takashi sang chào tạm biệt để về nước dù vẫn còn 4 tháng trong hợp đồng, tôi mới biết thông tin này".
"Tôi nói ra để mọi người biết VFF đang rất khó khăn về mặt tư tưởng cũng như vật chất".
Phó chủ tịch phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ bị cắt quyền phát ngôn sau khi tiết lộ nội tình về lãnh đạo cao cấp của VFF.
Và cuối cùng, ông chốt lại:
"Tôi muốn Tổng cục Thể dục Thể thao quan tâm nhiều hơn tới công tác của VFF hiện tại, đúng vai trò của đơn vị lãnh đạo cấp trên chỉ đạo Liên đoàn, hiệp hội để Liên đoàn, hiệp hội phải hoạt động theo đúng điều lệ, phối hợp không ngẫu hứng, không cá nhân và càng không phải để kiếm tiền.
Tất cả những gì tôi mong muốn là bóng đá Việt Nam phát triển và đặc biệt là thắng Thái Lan như khao khát của hơn 90 triệu dân chúng ta, nhưng muốn được như vậy VFF cần phải thay đổi".
Trước những chia sẻ này, ông Nguyễn Xuân Gụ vẫn là người phát ngôn của VFF trước truyền thông. Nhưng ngay lập tức, VFF ra thông báo rằng chỉ Chủ tịch Lê Hùng Dũng có quyền phát ngôn chính thức thay Liên đoàn và sẽ ủy quyền thêm cho Tổng thư ký Lê Hoài Anh.
Bắt đầu từ đấy, ông Nguyễn Xuân Gụ thân là Phó tổng thư ký phụ trách truyền thông nhưng luôn phải lắc đầu mỗi khi báo giới liên hệ hỏi và phải nhìn về phía Tổng thư ký Lê Hoài Anh, chờ vị này trả lời.
Thế đấy, VFF chẳng thiếu những lần hành sự chưa thật sự kín khẽ, hợp lý và thận trọng để rồi gây hậu quả. Và chuyện đấu đá nội bộ có lẽ nói ra không ai lạ…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn