Kiểm soát tài sản để chống tham nhũng

Thứ năm - 14/06/2018 21:25
Để hoàn thiện thể chế chống tham nhũng khi góp ý vào Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất cần một cơ quan độc lập nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập. Việc này nhiều nước đã áp dụng và mang lại hiệu quả, nhưng lại là vấn đề mới với nước ta, vì thế nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Còn nhớ trước đây Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính. Khi đó có nhiều ý kiến kiến nghị nên tách ra thành một cơ quan độc lập để có sự kiểm soát quá trình sử dụng ngân sách quốc gia.

Và sau khi Kiểm toán Nhà nước tách khỏi Bộ Tài chính, trực thuộc Quốc hội thời gian gần đây những báo cáo kiểm toán đã vạch ra hàng loạt những sai phạm của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản công trước sự “tâm phục khẩu phục” của các bộ, ngành, địa phương.

Qua đó giúp cho quá trình quản lý, sử dụng tài sản công được diễn ra minh bạch. Bởi sử dụng một đồng thuế của dân phải được sự giám sát của các cơ quan dân cử, của nhân dân. Nói vậy để thấy đề xuất thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập hoàn toàn có tính khả thi.

Khi thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), ngày 13/6, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm chính là việc kiểm soát tài sản, thu nhập, đặc biệt là quy định thu hồi tài sản tham nhũng khi đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc.

Trong bối cảnh trên, ĐBQH Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, trong bối cảnh tham nhũng còn nghiêm trọng phức tạp, Đảng, Nhà nước đã thể hiện quyết tâm cao và đang tìm kiếm những giải pháp đột phá do đó việc nghiên cứu thành lập cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức là cần thiết.

Theo bà Xuân, để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ công chức, Dự thảo Luật cần có một cơ quan độc lập để kiểm soát vấn đề này. “Việc này có thể làm tăng biên chế, trái với chủ trương chung của Việt Nam trong giai đoạn tinh giản biên chế hiện nay, tuy nhiên với việc hệ trọng như thế này, việc thành lập một cơ quan mới, độc lập là điều đáng đầu tư”- bà Xuân nói.

Lập tức ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Văn Pha- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp  của Quốc hội đưa ra đánh giá chắc nịch rằng, nếu mở một cơ quan độc lập như đề xuất trên không hề tăng biên chế. Bởi hiện nay, Việt Nam đang có 3 cơ quan có chức năng PCTN cấp cục đang nằm ở Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an. Nếu quyết tâm thành lập một cơ quan mới thì hoàn toàn có thể lấy người từ đây, vừa có chuyên môn, kinh nghiệm lại không tăng biên chế.

Tính khả thi của phương án trên cũng được ông Pha khẳng định ngay sau đó khi đưa ra dẫn chứng qua khảo sát vấn đề này tại Bungari Rumani, ở đó Quốc hội thành lập 2 cơ quan, 1 cơ quan kiểm soát tài sản công chức, 1 cơ quan PCTN và hoạt động rất hiệu quả.

“Vì vậy, Quốc hội nên thành lập cơ quan kiểm soát thu nhập cán bộ công chức và chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”- ông Pha đề xuất. 

Cái gốc để PCTN nằm ở yếu tố kiểm soát tài sản qua kê khai. Trong bối cảnh hiện nay chưa kiểm soát được tài sản toàn dân, trong bối cảnh vẫn giao dịch bằng tiền mặt chứ không phải qua giao dịch ngân hàng, nơi mà “vòng xoay của đồng tiền” không được kiểm soát.

Và trong khi Quốc hội đang bàn thảo về Luật PCTN thì bên ngoài hành lang Quốc hội, Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt đưa ra những khó khăn trong công tác kiểm soát tài sản thu nhập: Ví như bây giờ quan chức có 4, 5 cái nhà, thử hỏi có bao giờ lấy tên mình, hay vợ mình đâu? Họ toàn lấy tên những người thân cả, mà người thân thì không thuộc đối tượng kê khai.

Đây chính là “kẽ hở để quan chức chuyển tài sản cho người khác”. Đấy là thực tế. Biết nhiều quan chức chuyển tài sản cho người khác nhưng không thể làm gì được, vì không có quy định. Những người được chuyển giao tài sản nói họ có phải đối tượng kê khai tài sản đâu mà hỏi. Họ nói tài sản đó họ làm ra, nếu tôi làm sai thì các anh bắt đi. Nhưng làm sao mà bắt được?

Và ông Đạt cũng cho rằng, trong thực hiện quy định về kê khai tài sản, Thanh tra Chính phủ được giao trách nhiệm chính nhưng hiện cũng mới chủ yếu tổng hợp, nghe báo cáo là chính. Thẩm định hiện cũng chưa làm tốt được. Không những không có công cụ đủ mạnh mà luật pháp cũng chưa cho phép vì đã phân cấp rồi. Ngay yêu cầu các cơ quan, địa phương gửi báo cáo để tổng hợp báo cáo cũng mệt mỏi lắm, nhiều khi hết hạn cũng chưa thấy nộp. Đến bây giờ cũng còn nhiều cơ quan chưa nộp báo cáo về kê khai tài sản dù hết hạn rồi. 

Để tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế như trên, ông Đạt cho rằng, tới đây cần có một cơ quan chuyên về quản lý, lưu trữ, thẩm định, xác minh việc kê khai tài sản. Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập này phải chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý kê khai tài sản.

Có vậy mới thống nhất, mới có cơ sở pháp lý và mới triển khai hiệu quả. Chứ cứ như thời gian qua, ở các địa phương, bộ ngành có phát hiện được trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực đâu? Rất hiếm! Do đó Quốc hội cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này, còn con người thì đã sẵn sàng hết rồi.

Cũng xin được nhắc lại rằng, yếu tố “cơ quan độc lập” đã được Ủy ban Tư pháp nhắc đến sau khi nhìn nhận “một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua là do phân tán thẩm quyền, thiếu bộ máy, cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.

Đồng thời, việc giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình cũng khó bảo đảm khách quan”.

Do đó, việc Dự thảo Luật quy định đơn vị chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập và giao cho hệ thống cơ quan thanh tra thực hiện nhiệm vụ này là cần thiết và phù hợp. Phương án này sẽ tạo điều kiện để từng bước chuyên nghiệp hóa hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; giúp tập trung đầu tư cơ sở vật chất và công nghệ, tập trung nhân lực, vật lực cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách, có trình độ chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Những bản kê khai đang không thể xác minh, công khai để dân có thể giám sát thì công tác PCTN sẽ vẫn còn gặp khó khăn. Chính vì vậy, một cơ quan độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ, công chức chịu sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như ông Nguyễn Văn Pha đề xuất là hoàn toàn khả thi.    

 

Tác giả bài viết: Hoài Vũ

Nguồn tin: daidoanket.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây