Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong cách trò chuyện cũng có thể khiến các bậc cha mẹ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong thái độ và hành vi của trẻ.
Dưới đây là 9 câu nói nhẹ nhàng cha mẹ nên sử dụng khi trò chuyện với con cái.
Thay vì nói: “Đợi về nhà bố/ mẹ sẽ nói chuyện với con”, cha mẹ có thể nói: “Điều đó là không nên. Con đừng làm vậy nữa nhé”.
Muốn dạy trẻ có hiệu quả, cha mẹ cần tránh việc “hoãn” xử lý hành vi sai của con. Việc trì hoãn này sẽ không giúp trẻ nhận ra được hậu quả từ hành vi của mình. Rất có thể đến khi về nhà, trẻ sẽ quên những gì đã xảy ra trước đó.
Do vậy, cha mẹ cần cố gắng giải quyết vấn đề ngay lúc đó và đưa ra lý do để giải thích cho con hiểu tại sao hành động đó là không nên làm.
Việc cha mẹ nói: “Con sẽ không được ăn đồ tráng miệng nếu như không ăn hết bát cơm này” sẽ làm giảm đi niềm vui từ bữa ăn của trẻ. Thậm chí điều này còn vô tình tạo áp lực cho trẻ ngay trong bữa ăn. Thay vào đó cha mẹ có thể nói: “Cả cơm và đồ tráng miệng đều rất ngon. Nhưng trước hết mình sẽ ăn cơm, sau đó là món tráng miệng nhé”.
Điều này không những giúp trẻ nhận ra được tầm quan trọng của từng món ăn mà còn tạo được thói quen ăn uống theo đúng trình tự.
Thay vì nói: “Nhanh lên. Con có biết bố/ mẹ chờ bao lâu rồi không”, cha mẹ có thể nói: “Thử xem hai bố con mình ai đi giày nhanh hơn nhé”. Cách nói như thế sẽ không khiến trẻ bị căng thẳng hay sợ hãi về việc bị trễ giờ. Ngoài ra, thông qua một thử thách nhỏ, đứa trẻ cũng sẽ nhanh chóng hoàn thành việc chuẩn bị mà chẳng cần đến bố mẹ phải hối thúc liên tục.
Các bậc phụ huynh sau một ngày bận rộn với nhiều công việc, về nhà thường rơi vào trạng thái bực bội. Nếu việc này diễn ra thường xuyên sẽ dẫn tới việc quát nạt con cái: “Để mẹ yên”. Về lâu dài, điều này sẽ khiến đứa trẻ nghĩ rằng cha mẹ không cần chúng nữa.
Khi những đứa trẻ không có đủ sự hỗ trợ trong thời thơ ấu, chúng sẽ ít có khả năng chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của bản thân với cha mẹ khi chúng trưởng thành. Vì vậy, khi quá bận mải, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ cho bạn một vài phút để hoàn thành công việc đang làm, ví dụ: “Đợi mẹ xong việc rồi chúng mình sẽ cùng chơi với nhau nhé!”.
Cha mẹ cần tránh nói: “Bố/ mẹ thật xấu hổ về con!”. Điều này không cung cấp cho trẻ bất cứ lý do nào về việc chúng đã làm sai. Hơn nữa, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc xấu hổ có thể khiến một số trẻ em trở nên hung dữ hơn.
Điều cha mẹ cần làm trong trường hợp này là cố gắng giải thích cho con hiểu những gì sai trong hành vi của chúng và cách để tránh hoặc không tái phạm trong tương lai. Cha mẹ có thể nói: “Việc con làm khiến mẹ cảm thấy hơi buồn vì…”
Cha mẹ đừng bao giờ gắt gỏng: “Mẹ đã nói bao nhiêu lần rồi?” khi con cố nán lại giờ học để xem TV. Hãy nhẹ nhàng nhắc trẻ: “Con đã hết giờ xem TV nên giờ tập trung vào làm bài tập nhé!”. Việc đặt ra quy định cụ thể về lịch trình để trẻ xem tivi sẽ tạo ra nề nếp và kỷ luật buộc trẻ phải tuân thủ theo.
Cha mẹ cần tránh những câu nói như: “Bố có thể làm điều đó khi bằng tuổi con!”. Hãy thử nhẹ nhàng với con rằng: “Để bố dạy con cách chơi nhé!”. Thực tế, mỗi gia đình có cách dạy khác nhau, bởi vậy sự phát triển của mỗi đứa trẻ hoàn toàn không giống nhau. Đừng bao giờ áp đặt hay so sánh con mình với con người khác.
Ngay cả khi con bạn làm chưa tốt, hãy cố gắng giúp đỡ để chúng có động lực và làm tốt vào những lần tiếp theo.
Thay vì nói câu: “Bố mẹ rất thất vọng về con!”, cha mẹ hãy thử nói: “Bố mẹ cảm thấy rất buồn về việc con đã làm, vì ...” để thay đổi suy nghĩ của trẻ nhỏ.
Hãy cố gắng giải thích những hành động trẻ đang làm là không đúng thay vì sử dụng những cụm từ “làm thất vọng” hay “thất vọng” với một đứa trẻ. Nó chỉ đang khiến bản đứa trẻ cảm thấy dằn vặt vì không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ hơn là việc giúp chúng nhận ra được lỗi của bản thân.
Nguồn tin: Trường Giang/ Vietnamnet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn