‘Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn so với cách truyền thống’

Thứ hai - 16/09/2019 20:51
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng bài toán phát triển của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Do đó, đất nước cần có chiến lược toàn diện hơn so với cách truyền thống.
‘Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn so với cách truyền thống’

Nhiều chuyên gia dự báo kinh tế thế giới sẽ giảm tốc trong 10 năm tới. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao, để hiện thực hóa mục tiêu thu nhập bình quân 10.000 USD/người vào năm 2035. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là một trong những thách thức lớn đòi hỏi hành động kịp thời của Việt Nam để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.

Đây cũng là một trong những nội dung chính của Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 sắp được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ban tổ chức kỳ vọng đây là sự kiện quan trọng giúp Việt Nam tham vấn các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước về con đường phát triển trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ với Zing.vn về chủ đề và nội dung diễn đàn.

Nhiều thách thức đang chờ Việt Nam

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay, tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đổi mới là đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

‘Viet Nam can co chien luoc toan dien hon so voi cach truyen thong’ hinh anh 1
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đi liền với cơ hội là rất nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài đang chờ đợi Việt Nam. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, đi liền với cơ hội là rất nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài đang chờ đợi Việt Nam. Ông cho biết rất nhiều nghiên cứu cho rằng nền kinh tế thế giới đang giảm tốc trong 10 năm tới. Đây là xu thế không đảo ngược được vì mang tính chu kỳ lịch sử.

Những dấu hiệu dễ nhận ra là GDP toàn cầu giảm tốc, thương mại toàn cầu giảm tốc gấp 3 lần GDP, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm.

UNDP cảnh báo biến đổi khí hậu là một trong những thách thức rất lớn mà những nước như Việt Nam sẽ phải đốt mặt. Việt Nam là 1 trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. Các kịch bản dự báo tình hình rất khó lường và Việt Nam có khả năng mất 2,5% đến 4% GDP mỗi năm.

“Lũ lụt miền Trung, tình hình thiếu nước ngọt ở vùng Nam Trung bộ, xâm ngập mặn ở đồng bằng công Cửu Long… là những vấn đề mà bản thân tôi, chúng ta không thể ngồi yên để chứng kiến”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

‘Viet Nam can co chien luoc toan dien hon so voi cach truyen thong’ hinh anh 2
 

Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, tuy nhiên đi liền với đó là tốc độ già hóa nhanh chóng. Trong khi đó, mục tiêu phát triển được vạch ra trong báo cáo Việt Nam 2035 là đạt thu nhập bình quân đầu người đạt 10.000 USD, và đến năm 2045 là 18.000 USD, trong dịp kỷ nhiệm 100 năm thành lập nước.

“Như vậy, bắt buộc Việt Nam phải chọn con đường đi đúng hướng để hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng”, ông chia sẻ.

Ứng xử khôn khéo để giảm thiểu sự tác động

Nói về việc giảm tốc của nền kinh tế thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Việt Nam cần có ứng xử một cách khôn khéo để giảm thiểu sự tác động. Và chính trong giai đoạn này, đòi hỏi Việt Nam cần tranh thủ cơ hội, cần cơ cấu lại và cải cách mạnh hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, những đột phá này sẽ tiếp tục được duy trì và thực hiện ngày càng tích cực hơn.

Tuy nhiên, ngoài những vấn đề đang thực hiện, Việt Nam cũng cần tiếp cận, bắt kịp những xu hướng của thế giới trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ông dẫn ra tư vấn của GS Michael Porter, đứng đầu trong danh sách 50 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới thuộc Đại học Harvard (Mỹ), khi nêu cách tiếp cận mới về năng lực cạnh tranh quốc gia.

‘Viet Nam can co chien luoc toan dien hon so voi cach truyen thong’ hinh anh 3
 

Theo Micheal Porter, cách tiếp cận năng lực cạnh tranh cần xem xét trên giác độ mới. Năng lực cạnh tranh bây giờ không phải là lương thấp, không phải là giảm chi phí dựa trên lao động rẻ, không chỉ là tạo ra nhiều việc làm trên diện rộng. Năng lực cạnh tranh cần nhìn trên 2 góc độ kinh tế vĩ mô và vi mô.

Góc độ vĩ mô thể hiện ở sự minh bạch của chính sách thuế khóa, tiền tệ, thể chế công, phát triển con người và xã hội. Góc độ vi mô thể hiện ở chỗ coi doanh nghiệp và môi trường kinh doanh xung quanh doanh nghiệp là cốt lõi. Ngoài ra, trong cạnh tranh, không nên chỉ coi trọng nặng về kinh tế, mà cần quan tâm hài hòa về vấn đề xã hội.

“Đây được coi là 2 cán cân, cần được cân bằng cùng có lợi, không chỉ nghiêng về một phía. Đó là điều rất đáng lưu ý cho Việt Nam trên con đường phát triển”, ông chia sẻ.

Phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo

Ngoài những đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh con đường phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo.

Ông dẫn dữ liệu của UNDP cho thấy Việt Nam chỉ dành 0.19% GDP trong khi Trung Quốc là 2% GDP, Nhật 3%, Mỹ hơn 3% cho nghiên cứu phát triển. Bối cảnh hiện nay, nền thương mại toàn cầu lại dần thay đổi. Thương mại trước kia dựa trên “vật liệu”, giờ chuyển sang nền thương mại thông tin và dữ liệu.

“Đổi mới sáng tạo sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, tác động trực tiếp đến năng suất lao động”, ông chia sẻ.

Người đứng đầu ngành KH&ĐT cũng cho rằng khi đẩy nhanh quá trình đổi mới sáng tạo, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Điển hình như việc có hay không chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Khi đó, đòi hỏi cơ quan Nhà nước phải suy nghĩ sâu hơn, cần lắng nghe để hoàn thiện những lỗ hổng còn thiếu trong chính sách.

Ông cũng nhấn mạnh để thành công trong quá trình đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực cao đóng vai trò rất quan trọng. Việt Nam cần đi theo 2 hướng là thu hút nhân lực cao là người Việt trên toàn thế giới, người nước ngoài về làm việc. Song song với đó là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong nước.

‘Viet Nam can co chien luoc toan dien hon so voi cach truyen thong’ hinh anh 4
 

Ông dẫn nhận định của GS Thomas Valley, Trường Harvard Kennedy School (Mỹ), cho rằng sinh viên giỏi là “mỏ vàng” của Việt Nam. Vị này khuyến nghị Việt Nam cần đầu tư cho giáo dục, trong đó tập trung đào tạo kỹ năng sáng tạo, cảm xúc xã hội trong hệ thống giáo dục. Nói như vậy để thấy nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn so với các cách thức truyền thống.

“Cần thiết phải chuyển đổi nền kinh tế sang đổi mới sáng tạo, chú trọng vốn con người, phát triển hạ tầng, sinh kế cho người dân, cải thiện năng suất, phát triển bao trùm, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển”, ông nói.

Người đứng đầu ngành KH&ĐT cho biết diễn đàn năm nay dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chủ đề mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.

“Diễn đàn là đầu vào thông tin quan trọng cho việc xây dựng nội dung chiến lược phát triển đất nước 5 năm và 10 năm tới”, ông nói.

Đồ họa: Minh Hồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây