Tại lễ khai giảng này, Bộ trưởng Bộ Y tế có nhắc nhở việc nhà trường dùng tên Đại học Y dược TP.HCM là không đúng.
Sự thật chuyện "Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị đổi tên trường để khỏi tụt hậu"
"Hiện nay nhà trường chỉ có các khoa thì chỉ được gọi là Trường đại học Y dược TP.HCM, chưa thể gọi là "đại học" được. Việc này Bộ GD-ĐT cũng đã góp ý rồi. Nhà trường vẫn chưa sửa lại tên gọi là Đại học Y dược TP.HCM, nên hôm nay nói là lễ khai giảng khoa y, trong khi trường còn rất nhiều khoa khác. Nhà trường phải sớm đổi tên thành Đại học Sức khỏe TP.HCM, trong đó có trường y khoa và các trường khác…" - bà Tiến yêu cầu.
Theo bà Tiến, hiện nay trong số 14 trường trực thuộc Bộ Y tế, Trường đại học Y dược TP.HCM là trường lớn nhất, có thể phát triển thành Đại học Sức khỏe sớm nhất.
Bà nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không đổi mới sớm sẽ tụt hậu so với Lào và Campuchia. Tôi đề nghị nhà trường nhanh chóng làm đề án thành lập Đại học Sức khỏe TP.HCM. Theo tôi, nhà trường chỉ việc đổi tên và lắp người vào thôi chứ vị trí đều quá chuẩn. Khoa y này xứng đáng là một trường đại học y khoa lớn nhất cả nước".
Ý của bà Tiến nói đổi tên là có đề án đổi mới 4 điều: nhân lực, cơ sở vật chất, quản lý, tự chủ tài chính. Việc đổi tên như vậy thực hiện bài bản theo Luật giáo dục đại học. Từ đó với bộ máy mới, mô hình mới như vậy mới không bị tụt hậu so với Lào và Campuchia.
Rõ ràng cả lời và ý của bà Tiến hoàn toàn không phải là "đề nghị đổi tên Trường đại học Y dược TP.HCM để không tụt hậu" như có báo viết.
"Đại học" khác "trường đại học"
Liên quan đến việc này, hiện nay Trường đại học Y dược TP.HCM tự gọi là Đại học Y dược TP.HCM là không đúng luật.
Theo đó, hiện nước ta có hai Đại học Quốc gia (TP.HCM và Hà Nội) và các đại học vùng gồm Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên.
Các "đại học" có các trường, khoa trực thuộc và các đơn vị thành viên.
Trong khi đó, các "trường đại học" chỉ có các khoa, viện nghiên cứu...
Luật giáo dục đại học (sửa đổi) quy định rất rõ điều này. Theo điều 7: "Cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật. Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước."
Điều 14 quy định cơ cấu tổ chức của trường đại học bao gồm: "Trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đại học.
Cơ cấu tổ chức cụ thể của trường đại học, mối quan hệ và mức độ tự chủ của đơn vị thuộc, trực thuộc trường đại học được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.".
Điều 15 quy định cơ cấu tổ chức của đại học gồm: "Trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác;
Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học".
Theo Luật giáo dục đại học, các "trường đại học" muốn trở thành "đại học" phải là các trường lớn, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực... và phải xây dựng đề án chuyển đổi.
TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nói: "Xét các phân tích trên thì có thể thấy rằng việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị đổi tên Trường đại học Y dược TP.HCM thành Đại học Sức khỏe TP.HCM cũng ổn, đâu có vấn đề gì sai".
Tên gọi Đại học Sức khỏe thể hiện toàn diện hơn vì đại học này đào tạo đa ngành lĩnh vực sức khỏe, nếu gọi y dược không thì không đủ. Nếu vẫn giữ Đại học Y dược TP.HCM rồi đại học này lập thêm Trường đại học Y, Trường đại học Dược, Trường đại học Nha... thì khi đó sẽ rối hơn.
Thế giới vẫn đặt tên trường như vậy rất nhiều (ở Mỹ có Đại học Quốc gia về Khoa học sức khỏe hơn trăm năm tuổi). Hiện nay trên thế giới có xu hướng gọi là "Medicine and Health Sciences", "Health and Medical Sciences", hoặc chung là "Health Sciences"...
Bộ trưởng Bộ Y tế nói là chính xác 100% về luật
PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng: "Để là đại học thì cần thành lập vài trường. Như Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ hình thành Trường Ngoại ngữ do giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM ra quyết định thành lập. Như vậy ý kiến của bộ trưởng Bộ Y tế nói là chính xác 100% về luật".
Tác giả bài viết: TRẦN HUỲNH Quan tâmFacebook
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn