Giấy tờ đóng thép Hàn Quốc, thực tế thép Trung Quốc
Theo kết quả thẩm định mà Sở NNPTNT Bình Định công bố, căn cứ theo hồ sơ, tài liệu (bản photocoppy) do các ngân hàng thương mại mà ngư dân đã ký kết hợp đồng vay vốn đóng tàu cung cấp, 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc nhưng theo biên bản xác nhận khối lượng thực hiện giữa Công ty với 5 chủ tàu là thép Hàn Quốc. 12 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Hàn Quốc, đúng theo hợp đồng.
Về tính chất cơ lý, tất cả các mẫu thép đều đạt cấp thép A theo QCVN 21:2010/BGTVT sửa đổi lần 2 năm 2014. Về các chỉ tiêu hóa học, có 9 tàu có mẫu đều đạt thép thường cấp A, 8 tàu có mẫu không đạt thép thường cấp A theo QCVN 21:2010/BGTVT sửa đổi lần 2 năm 2014. Trong đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có 3/5 tàu có mẫu không đạt thép thường cấp A và Công ty TNHH MTV Nam Triệu có 5/12 tàu có mẫu không đạt thép thường cấp A. Trong các mẫu thép không đạt thép thường cấp A có 4 thành phần hóa học (C, Si, P, S) đạt theo chuẩn của thép thường cấp A và 1 thành phần hóa học Mn không đạt theo tiêu chuẩn loại thép thường cấp A.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý bức xúc: "Hợp đồng đóng thép Hàn/ Nhật, công ty TNHH Đại Nguyên Dương lại đóng thép Trung Quốc". Ảnh: D.T
Kết quả đo độ dày ở các phần tôn vỏ nằm trên mặt nước của 17 tàu: mạn tàu, mặt boong, cabin có chiều dày thép đạt yêu cầu, tuy nhiên có một vài vị trí gần đến mức giới hạn tối thiểu của Đăng kiểm.
Kiểm tra tại hiện trường của 17 tàu, Tổ Thẩm định nhận thấy 12 tàu (Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng) phần vỏ tàu bị gỉ sét tự nhiên, một số vị trí mặt boong gỉ sét nhiều hơn do tiếp xúc, va chạm với ngư lưới cụ và cá thành phẩm. Có 5 tàu (Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng) phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm.
Máy không chính hãng, “quên” nhãn mác!
Có 9 máy chính tàu hiệu Mitsubishi MPTA (5 máy S6R2-MPTA công suất 940 HP và 04 máy S6R-MPTA công suất 811 HP), các chi tiết: Bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt đã gia công lại, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt. Các chi tiết trên đi kèm với động cơ không đồng bộ và không phù hợp với nguyên tắc hoạt động loại máy thủy của hảng Mitsubishi, hầu hết các máy chính này đều hoạt động không ổn định. Hãng Mitsubishi đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ có Model và công suất như ghi trên decal máy.
Tàu vỏ thép gần 20 tỷ đồng bị rỉ sét khắp nơi. Ảnh: D.T
Có 3 máy chính tàu hiệu Doosan 4VV222TIM, công suất 880PS, các động cơ chính Doosan có kết cấu đồng bộ của động cơ thủy, tuy nhiên theo thông tin chủ tàu trong quá trình hoạt động, động cơ bị nóng nhưng theo tài liệu của hãng máy Doosan cung cấp thì máy Doosan này có động cơ thế hệ mới khi hoạt động có nhiệt độ ở ngưỡng cho phép từ 60- 85oC, nhiệt độ cao hơn thế hệ cũ để máy hoạt động hiệu quả và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Trong 3 máy, có 1 máy chính Doosan lắp trên tàu BĐ 99245 TS (chủ tàu là ông Trần Đình Sơn) bị hư hỏng nặng (gãy trục khuỷu và hư piston). Qua kiểm tra hồ sơ, phát hiện cả 3 máy có sự sai lệch về ký hiệu máy giữa hồ sơ (4V222TIM) và thực tế (4VV222TIM). Tổ thẩm định dã nhận được thư của hãng Doosan xác nhận 2 model trên là giống nhau.
Có 5 máy chính của 5 tàu hiệu Mitsubishi S6R-MPTK công suất 811 HP. Qua kiểm tra thực tế, các máy chính và các bộ phận liên quan là khối đồng nhất, thông số kỹ thuật ghi trên nhãn mác máy trùng khớp với thông số do hãng Mitsubishi công bố. Hiện, các máy chính lắp trên các tàu đều hoạt động ổn định.
Kiểm tra tại hiện trường, có 25 máy phụ được lắp trên 17 tàu vỏ thép. Trong đó có 10 cái hiệu Mitsubishi- Nhật Bản (4 cái loại S4K-DT, 5 cái loại S6K-D 80KW, 1 cái loại S4S 30,9 kW), 9 cái hiệu Doosan- Hàn Quốc kiểu máy AD126TIF/206kW, 4 cái hiệu CUMMINS CTA 83-G2, 2 máy không có nhãn mác chỉ đóng số chìm.
Ngư dân "sốc" với sai phạm hàng loạt của doanh nghiệp đóng tàu 67. Ảnh: D.T
Qua kiểm tra thực tế và đối chiều với hồ sơ, 1 máy phụ hiệu CUMMINS do Trung Quốc sản xuất (CO ghi máy lắp ráp tại Singapore), 2 máy phụ không có nhãn mác ghi thông số động cơ, chỉ có dòng số đóng chìm.
Về trình trạng hoạt động của máy phụ: Qua kiểm tra thực tế có 3 máy phụ CUMMINS hoạt động không ổn định, nổ không đều và đôi khi tắt trong quá trình khai thác, 1 máy phụ Mitsubishi- Nhật Bản bị vỡ thân máy, không thể hoạt dộng được, 1 máy phụ Mitsubishi- Nhật Bản hư hỏng do hở bạc. 20 máy phụ còn lại gắn trên tàu đều hoạt động bình thường trong đó 1 máy phụ Mitsubishi - Nhật Bản có cụm phát điện bị hỏng.
Quá nhiều thiết bị khai thác không đúng hợp đồng
Phần trang thiết bị hàng hải, hai máy đo sâu dò ngang bị hỏng tại các bộ phận: máy dò ngang cá SONAR MAQ bị hỏng hệ thống đầu dò không sử dụng được, máy dò ngang cá FURUNO CH-37 bị hỏng hệ thống điều khiển đầu dò.
1 màn hình trên máy dò cá SONAR FURUNO CH-37 lắp đặt trên tàu cá của ông Trần Minh Vương đã thay đổi màn hình chính FURUNO MU-190V-24VDC bằng một màn hình vi tính hiệu DELL thông thường. Chất lượng thu nhận tín hiệu và độ phân giải trên màn hình hiện tại rất thấp, không rõ nét.
Qua kiểm tra hệ thống đèn cao áp, Tổ thẩm định đã phát hiện một số tăng phô cho đèn cao áp bị xóa các dấu hiệu nguồn gốc xuất xứ trên các tụ kích. Mẫu vật thu được kiểm tra là loại tụ CBB65 có xuất xứ từ Trung Quốc và bóng đèn cao áp 1000 W không đúng như Hợp đồng đã ký kết...... Hệ thống đèn cao áp hoạt động không ổn định, thường xuyên bị cháy đèn, một số tăng phô bị nóng chảy do giải nhiệt kém.
Rỉ sét tràn lan trên tàu khiến ngư dân lao đao. Ảnh: D.T
Qua kiểm tra hệ thống hầm bảo quản của 17 tàu, có 14 tàu hầm bảo quản đọng nước, giữ nhiệt kém, bơm phôm không đều, có hiện tượng rỉ sét. Hiện tượng ứ đọng nước và mùi hôi, đáy hầm bị gỉ sét vẫn tồn tại. Ngoài ra, việc bố trí thang bằng sắt lên xuống bị hoen gỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản.
Qua phỏng vấn với thuyền trưởng và chủ tàu gặp tình trạng tàu bị lưới cuốn chân vịt, các tàu bị lưới cuốn chân vịt trong trường hợp bắt đầu thả lưới và quay trở tàu để vây lưới.
Qua kiểm tra có 7 tàu có tời trích lực từ máy chính, 9 tàu trích lực từ máy điện không đúng với hồ sơ thiết kế đã phê duyệt.
Đăng kiểm để “lọt” hàng loạt sai phạm
Các thiết kế tàu vỏ thép đều được phê duyệt bởi Trung tâm Đăng kiểm tàu cá - Tổng cục Thủy sản. Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế nhiều tàu đã có những thay đổi về bố trí chung, nghề, thiết bị tời so với thiết kế đã được phê duyệt nhưng vẫn chưa được cơ quan thiết kế hoàn công theo đúng quy định.
Về công tác đăng kiềm tàu cá, qua kiểm tra hồ sơ, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá ký kết hợp đồng giám sát đối với cơ sở đóng tàu.
Về việc sử dụng thép đóng tàu xuất xứ Trung Quốc trên 5 tàu đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, qua kiểm tra hồ sơ nghiệm thu của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá: Đăng kiểm viên đã kiểm tra vật liệu chính trước khi gia công, kiểm tra lô vật liệu thép là thép mác A, có giấy tờ về chất lượng và xuất xứ Trung Quốc và Kết quả thí nghiệm vật liệu của Phòng Thí nghiệm- KĐVL (Xác định cơ tính của vật liệu, xác định thành phần hóa học của vật liệu). Căn cứ vào QCVN 21:2010/BGTVT (sửa đổi lần 2 năm 2014), vật liệu thép đã đủ điều kiện đóng tàu, đồng ý cho triển khai thi công.
Những sai phạm của doanh nghiệp đóng tàu được chỉ ra, trách nhiệm của Trung tâm đăng kiểm tàu cá nhất định phải được làm rõ và xử lý công khai. Ảnh: D.T
Qua kiểm tra hồ sơ thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt vật liệu là thép cấp A và không có quy định xuất xứ của thép đóng tàu là Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc. Xuất xứ nguồn gốc được thỏa thuận thông qua hợp đồng kinh tế, nghiệm thu quyết toán của cơ sở đóng tàu và chủ tàu, không nằm trong trong danh mục giám sát của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá.
Đối với các máy chính lắp trên các tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu được đóng theo Nghị định của Chính phủ quy định phải là máy thủy mới 100%, qua kiểm tra hồ sơ các đăng kiểm viên đã nghiệm thu phần máy chính trước khi lắp đặt và khẳng định máy mới 100% đồng ý chuyển bước lắp đặt trên tàu. Quá trình kiểm tra tại hiện trường máy trước khi lắp đặt và sau khi lắp đặt của các đăng kiểm viên đã không kiểm tra kỹ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ), chứng nhận thí nghiệm máy (ETR) của nơi sản xuất và không quan sát kỹ các chi tiết không đồng bộ với máy thủy như bộ sinh hàn giải nhiệt khí bằng nước ngọt, bơm nước biển gắn ngoài, hệ thống ống dẫn giải nhiệt gia công, bộ sinh hàn nước biển thay thế chỉ giải nhiệt nước ngọt...
Công an cần truy tố, ngư dân phải khởi kiện
Ông Trần Châu- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: "Công ty TNHH Đại Nguyên Dương có vấn đề, có ý định lẩn tránh trách nhiệm". Ảnh: D.T Theo ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua, việc khắc phục sữa chữa tàu cá hư hỏng cho ngư dân phía công ty TNHH Đại Nguyên Dương hầu như không hợp tác, công ty này đã bộc lộ nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc. “Tôi đề nghị công an tỉnh nắm bắt thông tin công ty TNHH Đại Nguyên Dương báo cáo cho UBND tỉnh biết. Đồng thời, chính thức yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện vận động ngư dân đóng tàu tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương khởi kiện công ty trong ngày mai vì vỏ thép không đúng hợp đồng, các thiết bị máy móc đã hư hỏng. Công an tỉnh lập ngay hồ sơ báo cáo Bộ Công an, truy tố công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Khi xảy ra sự cố công ty không tham gia cùng tỉnh mà có ý định lẩn tránh thì đây là vấn đề không tốt”- ông Châu khẳng định. |
Tác giả bài viết: Dũ Tuấn
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn