Chiều 21/6, độc giả đã có buổi giao lưu trực tuyến với doanh nhân Trần Uyên Phương – Tác giả cuốn tự truyện “Chuyện nhà Dr. Thanh”, cuốn sách thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận những ngày qua.
Buổi giao lưu đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng người yêu mến. Nhiều câu hỏi và trả lời thẳng thắn, thú vị khiến người đọc không khỏi suy ngẫm…
Bà Trần Uyên Phương là tác của cuốn sách “Chuyện nhà Dr. Thanh”. |
Thưa chị, nghe nói nhà chị có nhiều tiền mà không tiêu tiền. Nghe nói nhà chị không ai có nhà lầu, xe hơi – thế thì làm ra tiền để làm gì ạ? – Độc giả Hoàng Bạch Lai – Tiền Giang hỏi.
Tác giả Uyên Phương: “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và thực hiện mục tiêu để đưa doanh nghiệp Việt ra thế giới. Tiền không phải là mục tiêu của gia đình tôi thưa anh”.
Chia sẻ về triết lý kinh doanh, nữ doanh nhân – nhà văn trẻ cho biết thêm, ông Trần Quí Thanh, ba chị thường dạy các nhân viên triết lý: “Hãy thu lấy kinh nghiệm trước, tiền tài rồi sẽ đến sau”.
Một độc giả khác hỏi: “Xuất phát từ đâu chị ra quyển sách “Chuyện nhà Dr Thanh”? Tôi nghĩ Tân Hiệp Phát không hẳn muốn kiếm tiền từ việc bán sách, đây hẳn là một chiêu trò PR? Chị hoàn toàn có quyền từ chối câu hỏi này của tôi, thưa chị”
Tác giả Uyên Phương: “Cảm ơn chị, một câu hỏi hay và tôi không từ chối trả lời. Nếu là chiêu trò PR, tôi có thể có rất nhiều chiến dịch từ báo chí, mạng xã hội và truyền hình. Nếu ai đó có suy nghĩ, lựa chọn việc ra mắt một cuốn sách là công cụ PR thì không nên.
Với tôi, cuốn sách đó còn là cuộc đời, ăm ắp kỷ niệm về gia đình, về ba mẹ, về người thân, về những bài học mà bao thế hệ gia đình đã trải qua và tạo dựng. Vì cuốn sách đó, tôi mất gần 10 năm để thu thập tư liệu, với rất nhiều cảm xúc.
Tôi phải chạy đua để kịp hoàn tất vào “Ngày của cha” và “Ngày gia đình Việt Nam” năm nay - bất chấp các sự ngăn cản, trong đó có cả sự ngăn cản của ba tôi. Tôi bắt đầu viết cuốn sách khi THP đang đứng đầu thị trường nước giải khát, hiện nay chúng tôi đang giữ vị trí thứ 2”.
Anh Huy Bình ở Tiền Giang hỏi rằng: “Chị có dám nói thẳng về "vụ con ruồi" không? Vì sao vụ con ruồi Tân Hiệp Phát không trả tiền mua sự im lặng? Rõ ràng về mặt kinh tế, làm như vậy có lợi hơn?”
Tác giả Uyên Phương: “Thưa anh, tôi sẵn sàng nói thẳng. Tôi không tin mua sự im lặng sẽ có lợi hơn về mặt kinh tế như quan điểm của anh. Chúng tôi tin vào sản phẩm của mình. Nếu chúng tôi trả tiền, chúng tôi sẽ không biết sai ở chỗ nào, chúng tôi mất kiểm soát. Khi đó chúng tôi mới thật sự mất uy tín”.
Buổi giao lưu và ra mắt sách “Chuyện nhà Dr Thanh”. |
“Chào chị Uyên Phương, vừa qua em có xem, nghe và nghiền ngẫm rất lâu đoạn nói chuyện của chị trên sóng Sài Gòn FM cách đây vài ngày. Trong cuộc trò chuyện, chị có nói một ý: Uy tín, sự thành công của doanh nghiệp có được từ sự tin tưởng của người tiêu dùng. Qua "vụ án con ruồi", dưới góc độ của một người tiêu dùng thuần tuý, uy tín của Tân Hiệp Phát suy giảm trầm trọng.
David Ogilvy có nói: We sell or else - Bán được hàng không thì vứt. Suy cho cùng, doanh nghiệp làm tất cả chỉ để thoả mãn người tiêu dùng, để bán được hàng. Là người phụ trách truyền thông của THP, trong thời gian tới, chị và công ty sẽ làm gì để "cảm hoá" người dùng lại lần nữa?" – Bạn đọc tên Duyên (26 tuổi ở TP. HCM) hỏi.
Tác giả Uyên Phương: “Rất cám ơn câu hỏi của em. Và cám ơn em đã cố thử để có tin và quy kết lỗi lầm hết cho THP không. Em có thể xem thông tin tại đây: http://tranquithanh.com/post.php?slug=382-dot-pha-doanh-so-ban-hang
Những người tiêu dùng có cách suy nghĩ và nhìn nhận của họ. Thông tin báo chí cũng đã đưa rất nhiều. Chị khẳng định: Sự tồn tại của THP là để đem dến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng tốt nhất.
Chị tốn 10 năm không để thanh minh, nhưng để chia sẻ bài học và những thành công, thất bại của THP với cặp mắt người trong cuộc. Chị mong em đọc cuốn sách và sẽ được tiếp tục trò chuyện với em trên facebook của chị: uyenphuong tran”.
Độc giả Phạm Anh Tuấn (Hà Nội) đặt một câu hỏi rất thú vị: “Tôi xin hỏi: Cô Uyên Phương đã lấy chồng hoặc có người yêu chưa và người đó có vai trò gì trong sự nghiệp hôm nay của cô?Xin cảm ơn”.
Tác giả Uyên Phương: “Câu trả lời của tôi cho câu hỏi này chưa bao giờ thay đổi. Tôi đã cưới “THP” . Tôi xác định tôi được sống cho mọi người, bất kể họ là ai, họ sẽ có thể được thể hiện chính họ, họ có thể thực hiện ước mơ và tạo sự khác biệt cho cuộc sống của người khác.
Tôi mong muốn tìm được người bạn đời trong tương lai cùng chung mục tiêu như ba má tôi tìm được nhau”, nữ tác giả hồi đáp vui vẻ.
Những chia sẻ thẳng thắn, thú vị của tác giả về những góc khuất những điều chưa bao giờ kể trong đời sống, kinh doanh của gia tộc toát lên vô cùng chân thành. Cũng như những ngôn ngữ mộc mạc, bình dị cô viết trong tự truyện.
Đại tá, Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cho rằng: “Mọi người có thể nói đây là tự truyện, nhưng tôi nói rằng đây phải nói là một siêu thể loại. Vì chuyển tải được rất nhiều thông điệp của tấm lòng người con viết về cha mẹ, gia tộc của mình. Là doanh nhân nhưng cô Phương viết rất khéo, nghệ thuật đan cài sự kiện.
Giống như bức tranh thêu rất nhiều màu sắc nhưng người ta không lần ra được các mấu nối ở chỗ nào cả. Đó là cái giỏi của người viết sách”.
|
Nguồn tin: GDVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn