Tiết lộ về những ngân hàng đang 'găm' vốn tại dự án BOT

Thứ hai - 16/10/2017 03:27
(Phapluat News) - Những vụ lùm xùm ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), trạm BOT Hạc Trì, Việt Trì (Phú Thọ)... chắc chắn đã khiến không ít ngân hàng ám ảnh, khi nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, còn ngân hàng lo chô 'bầu sữa vốn'.
Tiết lộ về những ngân hàng đang 'găm' vốn tại dự án BOT
Tình trạng thiếu vốn đầu tư là một thách thức lớn đối với việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Mặc dù nhiều công trình đã quy hoạch nhưng công tác triển khai gặp nhiều vướng mắc do không huy động được nguồn vốn. Trong bối cảnh đó, hình thức hợp tác công - tư PPP mà được coi là một trong những phương thức hiệu quả để giải quyết bài toán này. Một mặt, hình thức đầu tư PPP góp phần giải quyết vấn đề thiếu vốn đầu tư của Ngân sách Nhà nước trong khi nợ công đã rất cao bằng cách phát huy nguồn vốn của khu vực tư nhân vào việc cung cấp các dịch vụ công. Mặt khác, PPP có tác động cộng hưởng cùng chiều với chính sách cổ phần hóa DNNN hiện nay. .
Một trong các hình thức PPP là BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao). Theo đó, Nhà đầu tư tư nhân có đặc quyền xây dựng và kinh doanh công trình cơ sở hạ tầng thường do Chính phủ thực hiện. Nhà đầu tư này cũng có trách nhiệm tài trợ, thiết kế dự án và vào cuối giai đoạn hợp đồng, chuyển giao công trình cho Nhà nước.

Trong năm 2013, Bộ GTVT đã huy động được 68.563 tỉ đồng để đầu tư vào 24 dự án BOT. Trong năm 2014, Bộ huy động được 39.077 tỉ đồng cho 19 dự án BOT, vượt 22% kế hoạch năm. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ huy động được hơn 27.000 tỉ đồng để đầu tư vào 11 dự án BOT, đạt 73% so với kế hoạch 2015.

Trong các dự án này, các Ngân hàng thương mại đã tham gia rót vốn đầu tư hạ tầng giao thông khá lớn. Chỉ tính riêng 63 dự án BOT, BT do Bộ GTVT quản lý, các Ngân hàng thương mại đã tham gia tài trợ 135.000 tỷ đồng, chiếm đến 89% tổng mức đầu tư.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 20 tổ chức tín dụng cấp vốn cho các dự án BOT, BT giao thông. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu thấp, nhưng Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tiềm ẩn rủi ro, khả năng chuyển thành nợ xấu ở một số dự án chậm tiến độ.

 

Trạm thu phí cầu Hạc Trì bị thất thu so với phương án tài chính của dự án. Ảnh: Xuân Hoa

Hiện nay nguồn lực triển khai các dự án BOT chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng chiếm 70 - 90% tổng số vốn. Tính đến cuối tháng 12/2016, đã có 20 tổ chức tín dụng (TCTD) cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức 163.097 tỷ đồng, tổng số dư tín dụng 84.235 tỷ đồng (chiếm hơn 2/3 tín dụng cấp cho lĩnh vực giao thông).

Hầu hết các khoản tín dụng đều thuộc nợ nhóm 1; nợ nhóm 2 là 23,44 tỷ đồng; nợ xấu 2,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,003%. Dù nợ xấu được đánh giá thấp, nhưng những rủi ro thanh khoản cho toàn ngành ngân hàng nói chung và cho các NHTM nói riêng là có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Rủi ro chủ yếu là do năng lực thẩm định của Cán bộ Ngân hàng còn hạn chế. Với kết cấu hạ tầng giao thông phức tạp, có thời gian xây dựng kéo dài, nguồn vốn cho vay lớn nên nếu Cán bộ Ngân hàng không thẩm định và sàng lọc được các Dự án hiệu quả, khả thi, có khả năng thu hồi vốn cao, mức độ rủi ro thấp và các Chủ đầu tư có năng lực tài chính vững mạnh, đảm bảo đủ nguồn vốn tự có thì có khả năng Ngân hàng sẽ khó thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, do đặc thù của các Dự án BOT thường có mức cho vay lớn, thời gian cho vay kéo dài, đảm bảo giữ được số dư nợ, nên Cán bộ Ngân hàng có xu hướng ưu tiên cho vay các khoản BOT dù khả năng thu hồi vốn của Dự án có thể không khả thi với Ngân hàng. Số tiền cho vay một Dự án hạ tầng giao thông rất cao nên cho vay được một Dự án là Cán bộ Ngân hàng có thể giảm được phần lớn gánh nặng chỉ tiêu tín dụng trong cả năm. Chưa kể vì thời gian cho vay vốn kéo dài nên nếu khoản vay có vấn đề thì khi đó rất có thể các cán bộ này đã hết nhiệm kỳ.

Thời gian cho vay các Dự án BOT, BT thường kéo dài khoảng 15-18 năm và dài nhất là từ 25-30 năm. Không những vậy, nguồn thu từ khoản đầu tư này qua phí, lệ phí phải mất một thời gian, có thể lên tới 5-7 năm thì Chủ đầu tư mới có dòng tiền trả nợ. Trong khi các ngân hàng thường chỉ có nguồn huy động chủ yếu là ngắn hạn thì việc tập trung cho vay những dự án này sẽ khiến mất cân đối kỳ hạn trên bảng cân đối và giảm khả năng thanh khoản của ngân hàng cho vay.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay BOT, BT 4 tổ chức tín dụng: BIDV, VietinBank, Vietcombank và SHB chiếm tới 91% dư nợ toàn ngành. Trong đó VietinBank và Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông ở mức rất cao. Chỉ tính riêng 3 ngân hàng là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã có tổng hạn mức cấp tín dụng chiếm gần 86%, dư nợ chiếm 85% so với toàn ngành.

Những vụ lùm xùm ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), trạm BOT Hạc Trì, Việt Trì (Phú Thọ)... chắc chắn đã khiến không ít ngân hàng ám ảnh. Nếu đây là điểm khởi đầu của hiệu ứng domino, các “ông lớn” ngân hàng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, đó là nợ xấu cũ chưa giải quyết xong, nợ xấu mới lại được cộng thêm vào.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định hiện tổng mức đầu của các dự án BOT đường bộ có khoảng 85-90% vốn tài trợ của ngân hàng. Chính vì vậy, nhiều vấn đề về gian lận thu phí, kéo dài thời gian thu phí đang khiến ngành ngân hàng phải đứng trước nhiều rủi ro. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông và có chỉ đạo kịp thời đối với các tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro.

 

Tác giả bài viết: Mai An 

Nguồn tin: antt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây