MTM: Công nợ tại FID, KSK, KTB, KHB, PTK chỉ là công nợ ảo để lừa đảo

Thứ hai - 16/10/2017 03:25
Theo CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung (UPCoM: MTM), số liệu công nợ tại các đơn vị như FID, KSK, KHB, KTB, PTK chỉ là công nợ ảo để lừa đảo khi bán chứng khoán.
MTM: Công nợ tại FID, KSK, KTB, KHB, PTK chỉ là công nợ ảo để lừa đảo

CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM) vừa công bố BCTC quý III/2017 cùng với bản thuyết minh báo cáo tài chính với nhiều thông tin giải trình có liên quan đến vụ án đang được điều tra.

Bản BCTC có nhiều hạng mục “trắng”. Chẳng hạn, trong kỳ, doanh nghiệp không có doanh thu, lũy kế từ đầu năm đến nay cũng không có doanh thu, không có chi phí bán hàng, chi phí, doanh thu tài chính đều không có. MTM chỉ có khoảng 7 triệu đồng tiền mặt với khoản lỗ hơn 160 tỷ đồng.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính về các khoản phải thu khách hàng của MTM, phần lớn các công nợ phải thu thực chất là xuất hóa đơn, tạo công nợ ảo để lừa đảo khi bán chứng khoán. Cụ thể, 6 khoản phải thu liên quan đến các CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (KTB), CTCP Khoáng sản và Luyện kim màu (KSK), CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB), CTCP Luyện kim Đông Bắc, CTCP Luyện kim Phú Thịnh (PTK), CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (FID).

 

Với khoản phải thu hơn 24 tỷ đồng tại KTB, gần 73 tỷ đồng tại KSK, hơn 6.3 tỷ tại KHB, 10 tỷ tại Luyện kim Đông Bắc và gần 1.8 tỷ đồng tại PTK là công nợ phải thu MTM bán hàng hóa (quặng sắt, đá hạt) cho các đơn vị này. Thực chất đây chỉ xuất hóa đơn nhằm mục đích tạo công nợ ảo để lừa đảo khi bán chứng khoán.

Các hàng hóa bán cho các đơn vị trên (quặng sắt và đá hạt) là MTM mua từ FID. Theo MTM, dòng tiền đã chuyển từ MTM sang FID mua hàng hóa thực chất không phải là hoạt động mua bán hàng hóa thông thường mà với danh nghĩa FID xuất hóa đơn cho MTM để nhằm mục đích rút ruột vốn góp của MTM và của Ban lãnh đạo cũ.

Ngoài ra, khoản phải thu gần 30 tỷ đồng tại FID theo thuyết minh của MTM là Công ty đã chuyển quá số tiền so với hóa đơn FID xuất cho MTM. Hiện tại, FID đã tự xóa công nợ với MTM bằng cách viết một phiếu chi tiền mặt trị giá gần 30 tỷ đồng để trả lại tiền thừa cho MTM (người ký phiếu chi của FID là nguyên Tổng Giám đốc Bùi Đình Như và người nhận tiền của MTM là nguyên Giám đốc Vũ Đại Dương).

Trong phần thuyết minh phải thu khác, MTM cho biết, khoản phải thu khác 120 tỷ đồng với Tổng Công ty Khoáng sản và Luyện kim Bắc Cạn là khoản đầu tư góp vốn thực hiện dự án phát sinh trong năm 2015. Đây là khoản đầu tư không có thực, nhưng lại có dòng tiền chuyển đi từ tài khoản ngân hàng.

Đối với tài sản thiếu chờ xử lý gần 160 tỷ đồng, chủ yếu gồm 20 tỷ đồng bán cổ phiếu KSS đã bị rút ra (ông Vũ Đại Dương – nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc đang cầm), 60 tỷ tiền rút ra từ Công ty VCI Việt Nam (ông Vũ Đại Dương đang cầm) và gần 60 tỷ tiền mặt kiểm kê bị thiếu tại ngày 31/12/2014 (do thủ quỹ Thái Thị Hồng Thủy đang cầm). Trong quý 4/2016, MTM đã gửi hồ sơ đến Cơ quan An ninh Điều tra (A92) – Bộ Công an đề nghị điều tra, khởi tố các bị can đã có hành vi rút tiền mặt để chiếm đoạt tài sản của Công ty.

Cũng trong quý 3/2017, MTM phải trích lập 100% dự phòng cho các tài sản thiếu chờ xử lý này nên dẫn đến thua lỗ 160 tỷ đồng.

Từ năm ngoái đến nay, MTM trải qua hành trình dài với nhiều sự kiện ”nóng” kể từ sau khi Sở GDCK Hà Nội (HNX) quyết định ngừng giao dịch cổ phiếu MTM trên sàn UPCoM.

Trước đó, cổ phiếu MTM lên giao dịch trên sàn UPCoM vào ngày 15/4/2016 và chỉ 2 tháng sau, cổ phiếu này bị ngừng giao dịch với lý do để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

 

 

Tác giả bài viết: Hoàng Dung 

Nguồn tin: antt.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây