Quyết định lịch sử: Bộ trưởng lo 'trên cởi dưới nghẽn'

Thứ sáu - 13/10/2017 22:24
(Phapluat News) - Tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh là việc cắt giảm này “phải đi vào thực chất, có nghĩa phải đơn giản hóa, thuận lợi môi trường kinh doanh cho DN, người dân”. Bởi theo Bộ trưởng, nếu không thống nhất từ trên xuống dưới thì xảy ra nguy cơ ‘trên cởi dưới nghẽn’.
Quyết định lịch sử: Bộ trưởng lo 'trên cởi dưới nghẽn'

 


Lo thời gian quá gấp gáp

Tại cuộc họp ngày 13/10 liên quan đến cắt giảm điều kiện kinh doanh ngành Công Thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cho biết, 22% trong số 675 điều kiện dự kiến cắt giảm đã và đang được giải quyết.

Để thực hiện việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh này, Bộ tiến hành bằng cách xây dựng “một nghị định sửa nhiều nghị định”.

Cụ thể, Bộ Công Thương đang soạn thảo Nghị định sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ này.

Giấy phép con,điều kiện kinh doanh,chính phủ kiến tạo,môi trường kinh doanh, Bộ Công Thương
Nhiều điều kiện kinh doanh đang được Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm.

“Theo quy trình, dự thảo Nghị định sẽ có việc xin ý kiến bộ ngành, cộng đồng DN rồi sau đó gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Chúng tôi cũng đang báo cáo kiến nghị Thủ tướng cho thực hiện theo quy trình thủ tục rút gọn, hy vọng có thể hoàn thành việc trình Chính phủ trong tháng 10, chậm nhất 30/10”, ông Tân nói.

Đánh giá chuyển động của Bộ Công Thương là tích cực, đại diện Bộ Tư pháp chia sẻ: Nhiều điều kiện kinh doanh mà Bộ Công Thương đề xuất cắt giảm đã được Bộ Tư pháp đề nghị từ lâu. Nhưng, có thể do thời điểm lịch sử lúc ấy, vì lý do nào đó mà chưa bỏ được. Ví dụ như Nghị định 19 về kinh doanh khí, khi thẩm định dự thảo này chúng tôi đã đề nghị bỏ một số điều kiện nhưng không được.

Đại diện Bộ Tư pháp nhận xét việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương “mới chỉ bỏ điều kiện nọ kia, giấy phép vẫn còn”.

“Lĩnh vực kinh doanh nào cần hạn chế số lượng, khống chế số lượng tổ chức, cá nhân tham gia mới đặt ra giấy phép. Loại khác thì chuyển từ giấy phép sang giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”, đại diện Bộ Tư pháp gợi ý và nói thêm, rằng không nên coi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh như một loại giấy phép vì như thế vẫn còn “xin - cho”.

Song, trước đề nghị xây dựng Nghị định sửa nhiều nghị định theo thủ tục rút gọn, Bộ Tư pháp bày tỏ sự không đồng tình do “không có cơ sở áp dụng”.

Ngoài ra, thủ tục rút gọn thì sẽ bỏ việc lấy ý kiến người dân, DN. “Nếu không lấy ý kiến thì rất bất hợp lý vì liên quan nhiều đến DN, quản lý nhà nước. Sau này có vấn đề gì khó giải trình. Chúng tôi nghĩ không nên áp dụng thủ tục rút gọn mà cứ làm theo đúng thủ tục. Như thế, đầu năm sau trình Chính phủ thông qua cũng được, không đến nỗi gấp gáp trong năm nay”, đại diện Bộ Tư pháp thận trọng.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng, còn nhiều quy định đưa ra một cách định tính, nên rất khó để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Do vậy, đại diện Bộ này đề nghị những gì mang tính định tính thì cần rà soát, nếu không định lượng được cần “mạnh dạn bỏ đi, tạo thuận lợi cho DN”.

Ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng lo ngại thời hạn trình 30/10 là “không đủ thời gian”.

thép không gỉ cán nguội
Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh cần thực chất.

Không quan tâm số lượng mà đi vào chất lượng

Đại diện CIEM cũng cho hay vẫn thấy nhiều điều kiện kinh doanh tồn tại mà “không gắn với mục tiêu cụ thể nào cả”.

Ví dụ việc sửa đổi các điều kiện kinh doanh về xăng dầu vẫn giữ điều kiện đại lí xăng dầu phải có hợp đồng thuê xe 5 năm. “Tôi không hiểu sao phải có xe và phải thuê xe 5 năm. Thuê 6 tháng, 1 năm có ảnh hưởng gì không, có tác hại gì không?”, ông Đặng Quang Vinh nói.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng ý xây dựng một nghị định sửa nhiều nghị định. Tuy nhiên, vị này băn khoăn khi còn nhiều điều kiện kinh doanh chưa hợp lý tồn tại ở Luật, nên nghị định này không giải quyết được. Do đó, về lâu dài, cần kiến nghị 1 luật sửa nhiều luật với các điều kiện kinh doanh quy định tại Luật.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, tiếp tục khẳng định quyết tâm cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh và nhấn mạnh không chỉ bó lại trong 675 điều kiện kinh doanh dự kiến cắt bỏ mà “có thể trên, có thể dưới”.

Nhưng quan điểm được Bộ trưởng Công Thương quán triệt là việc cắt giảm này “phải đi vào thực chất, có nghĩa phải đơn giản hóa, thuận lợi môi trường kinh doanh cho DN, người dân”.  

Ông Trần Tuấn Anh cho hay sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ rà soát thêm các điều kiện kinh doanh khác trong thời gian tới.

“Quan điểm của chúng ta là không quan tâm số lượng bao nhiêu mà thực chất việc cắt giảm này mang lại hiệu quả gì trong đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cho DN, người dân, các lực lượng tham gia thị trường. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập, đổi mới hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đang có nhiều băn khoăn nhưng có thể thực hiện được nếu tăng vai trò cũng như trách nhiệm của cấp cơ sở trên cơ sở công khai, minh bạch cùng với công cụ giám sát.

“Chúng ta không chỉ thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm mà là thay đổi tư duy quản lý. Nếu không thống nhất từ trên xuống dưới thì nguy cơ ‘trên cởi dưới nghẽn’ - mở cổng nhưng không trổ cửa, là có thể thấy nhãn tiền”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Lương Bằng

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây