Dự kiến ngày 10/9/2019, TAND cấp cao tại Hà Nội đưa bị cáo Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty TST) và Nguyễn Thị Minh Thương (cựu Trưởng Ban quản lý dự án Công ty TST) ra xử phúc thẩm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 88 người.
“Vẽ” dự án bất động sản lừa tiền khủng
Theo hồ sơ vụ án, năm 2010, bị cáo Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Công ty TST) và Nguyễn Thị Minh Thương (cựu Trưởng Ban quản lý dự án Công ty TST) đã “vẽ” ra dự án Khu đô thị Đại học Vân Canh mở rộng (thực chất là dự án giả). Thương đã lập báo cáo và phân tích tính khả thi của dự án. Quá trình tìm kiếm khách hàng, khi giao dịch với các sàn bất động sản và người mua, Thương giới thiệu dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng, đang san lấp…
Và để được quyền bán các lô đất, các chủ sàn bất động sản phải đặt cọc bằng số tiền chênh ngoài hợp đồng, từ 2,5 triệu đồng – 4,5 triệu đồng/m2; Khách hàng phải nộp trước 50% giá trị hợp đồng, tiền chênh từ 20 - 80 triệu đồng (không có giấy tờ chứng minh)…
Cơ quan chức năng xác định, từ năm 2010-2011, có 148 người ký 176 hợp đồng mua 178 lô đất với số tiền 265,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan điều tra mới xác định 88 bị hại với số tiền bị chiếm đoạt gần 138 tỷ đồng.
Với hành vi trên, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Cường tù chung thân, bị cáo Thương 20 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố. Tòa cũng buộc Công ty TST phải bồi thường thiệt hại cho các bị hại gần 138 tỷ đồng.
Bị hại rơi vào cảnh khốn cùng
Sau phiên tòa sơ thẩm đến nay, 88 bị hại vẫn chưa được Công ty TST bồi thường. Điều này khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn cùng do nợ nần. Đòi tiền Công ty TST không được, một số bị hại đã làm đơn khiếu nại và đến Công ty Hưng Hải để đòi số tiền mà trước đây Công ty TST đã thanh toán cho Công ty Hưng Hải theo hợp đồng hợp tác đầu tư để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Viet Inc.
Dự án này không phải và không liên quan đến dự án giả Khu đô thị Đại học Vân Canh mở rộng mà hai đối tượng Cường và Thương “vẽ” ra.
Bởi trước đó tại phiên toà sơ thẩm, Phạm Mạnh Cường khai sau khi lừa tiền của những người bị hại, ông ta đã dùng tiền này để thanh toán cho Công ty Hưng Hải theo hợp đồng mà hai bên ký.
Về vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Doãn (Văn phòng luật sư Hoàng Hưng – Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện hợp pháp theo ủy quyền của Công ty TST đã tự nguyện xác nhận nghĩa vụ bồi thường thay các bị cáo (Cường và Thương) đối với các bị hại trong vụ án.
Tòa án cấp sơ thẩm đã ghi nhận và quyết định việc Công ty TST phải bồi thường cho các bị hại gần 138 tỷ đồng.
Cũng theo luật sư Doãn, Công ty Hưng Hải không tham gia và không biết việc Công ty TST lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại nên Công ty Hưng Hải không có căn cứ pháp lý nào để trả tiền theo yêu cầu của các bị hại nói trên.
“Qua vụ án trên, khi có nhu cầu mua nhà, đầu tư bất động sản, khách hàng cần kiểm tra tính pháp lý của dự án: Dự án có Giấy chứng nhận đầu tư; Có quyết định bàn giao đất; Nhà ở đã xây dựng xong phần móng… Bởi phải có các giấy tờ trên mới được phép mua bán. Các trường hợp lòng vòng lách luật để mua bán hoặc mua ngay từ khi dự án chưa đủ yếu tố pháp lý theo quy định sẽ rất rủi ro. Các nhà đầu tư cần hết sức cẩn thận và tỉnh táo để tránh bị lừa”, luật sư Doãn chia sẻ.
Hiện tại, nhiều bị hại đang đặt hy vọng vào phán quyết của HĐXX phúc thẩm sắp tới của TAND cấp cao để bảo vệ quyền lợi cho họ, đỡ lâm vào cảnh khó khăn vì bị lừa cả trăm tỷ như trên./.