Chém nứt sọ người khác, xử tội gì?

Chủ nhật - 15/09/2019 20:52
Dùng mã tấu chém người khác nứt xương sọ, bị cáo bị xử về tội cố ý gây thương tích nhưng có ý kiến cho rằng có dấu hiệu của tội giết người.
Chém nứt sọ người khác, xử tội gì?

TAND huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) vừa xử sơ thẩm và tuyên phạt Huỳnh Phạm Minh Triết, Võ Văn Rồng Em mỗi bị cáo 30 tháng tù và Nguyễn Duy Khang hai năm tù treo, cùng về tội cố ý gây thương tích.

Theo cáo trạng, tối 16-9-2017, ba bị cáo đi nhậu thì gặp Nguyễn Hữu Chính cùng bạn đang ăn nhậu tại quán. Thấy nhóm bị cáo, Chính chửi thề và đuổi về, nếu không sẽ đánh chết. Sau đó ba bị cáo ra về. Tuy nhiên, liền sau đó bị cáo Triết gọi điện thoại cho Trần Văn Đến mượn cây mã tấu. Sau đó một thanh niên (chưa rõ lai lịch) đến đưa mã tấu cho Triết và cả ba bị cáo rủ nhau quay lại quán nhậu.

Đến nơi Triết cầm mã tấu chém về hướng Chính nhưng anh này dùng ghế đỡ lại. Thấy vậy, những người đang nhậu cùng Chính dùng chai bia chọi và đánh lại bị cáo Triết. Lúc này bị cáo Rồng Em nhặt cây mã tấu trước quán chém vào đầu Chính gây thương tích. Gây án xong, cả ba rời khỏi hiện trường và ném hai cây mã tấu xuống sông để phi tang.

Chém nứt sọ người khác, xử tội gì? - ảnh 1
Ba bị cáo tại tòa và vết thương trên đầu bị hại Nguyễn Hữu Chính.  Ảnh: HD

Theo kết luận giám định, Chính bị nứt xương sọ chẩm trái, tỉ lệ thương tật 15%. Trong lúc ẩu đả, một người trong nhóm của Chính tên là Huỳnh Tấn Phát cũng bị thương tật ở đầu, tỉ lệ 39% và một người khác cũng bị thương nhưng từ chối giám định.

Tại tòa sơ thẩm, người bị hại Chính cho rằng tội danh mà cáo trạng truy tố các bị cáo là không phù hợp. Bởi ba bị cáo không phải cố ý gây thương tích mà có ý muốn giết chết Chính. Việc bị hại không chết là ngoài ý muốn của các bị cáo.

Luật sư (LS) bảo vệ bị hại thì nêu quan điểm kết luận giám định thương tích trên là quá nhẹ so với thực tế nên có yêu cầu giám định lại thương tích. Ngoài ra, cơ quan tố tụng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, cụ thể là Trần Văn Đến - người cung cấp hung khí cho các bị cáo và có mặt ở hiện trường nhưng không bị truy cứu.

Về tội danh, theo LS, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi là hung khí nguy hiểm và tấn công vào vùng xung yếu của bị hại thì hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội giết người chứ không phải cố ý gây thương tích. Do đó, LS đề nghị tòa xem xét lại tội danh đối với các bị cáo.

Tuy nhiên, cuối cùng HĐXX đã bác bỏ quan điểm của người bị hại và LS. HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo chỉ cấu thành tội cố ý gây thương tích. Các bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối lỗi, phạm tội lần đầu, khắc phục hậu quả nên được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Vì thế, tòa đã tuyên các bị cáo mức án trên.

Đối với thương tích của bị hại Phát, do người này khai không xác định được ai là người chém mình nên HĐXX đề nghị CQĐT tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý sau.

Kết thúc phiên tòa, bị hại Chính cho biết không đồng ý với phán quyết của tòa và sẽ kháng cáo theo hướng đề nghị tòa xem xét lại tội danh đối với các bị cáo và dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với Đến - người cung cấp hung khí cho ba bị cáo.

Có dấu hiệu sai tội danh, lọt người phạm tội

LS Nguyễn Văn Dũ, Đoàn LS TP.HCM, cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án này có dấu hiệu xác định sai tội danh, bỏ lọt tội phạm và điều tra chưa triệt để. Hành vi của bị cáo Rồng Em có dấu hiệu của hành vi giết người bởi bị cáo đủ nhận thức mã tấu là hung khí nguy hiểm. Nếu dùng hung khí này chém thẳng vào đầu nạn nhân là vùng trọng yếu trên cơ thể thì sẽ dẫn đến chết người nhưng vẫn thực hiện. Nạn nhân không chết là ngoài nhận thức của Rồng Em.

Ngược lại, việc tòa sơ thẩm kiến nghị điều tra làm rõ thương tích của Phát là không có căn cứ. Vì nếu CQĐT đã ra quyết định tách việc gây thương tích của bị hại Phát thành một vụ án khác để xử lý thì sẽ vẫn được tiếp tục điều tra. Còn nếu không có quyết định tách vụ án thì tòa phải trả hồ sơ điều tra lại chứ không thể kiến nghị. Ngoài ra, nếu đủ căn cứ chứng minh Đến là người cung cấp hung khí cho Triết và biết rõ bị cáo mượn mã tấu để đi đánh nhau thì phải bị truy cứu với vai trò đồng phạm giúp sức về mặt vật chất cho ba bị cáo.

Theo LS Kim Ron Tha, Đoàn LS TP.HCM, cơ quan CSĐT chưa lấy lời khai của Đến, chưa xác minh số điện thoại mà Triết gọi đi để mượn mã tấu... là chưa làm rõ hết các tình tiết của vụ án. Nếu trường hợp đã điều tra đầy đủ rồi nhưng không khởi tố, truy tố đối với Đến về hành vi cố ý gây thương tích (vai trò giúp sức) là cơ quan tiến hành tố tụng đã bỏ lọt tội phạm.

MINH CHUNG ghi 

 


 

Tác giả bài viết: HẢI DƯƠNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây