Luật sư cho hỏi, trường hợp tôi nhìn thấy một kẻ tay lăm lăm dao, đã chém người. Lúc này tôi xông vào cản trở kẻ giết người để cứu nạn nhân, nhưng không may làm tên giết người bị chết hoặc bị thương thì tôi có trở thành kẻ phạm tội? Nếu có, tôi phạm tội gì, thưa luật sư?
(Quốc Huy, Hà Nội)
Luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc công ty luật Tam Anh, đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời: Căn cứ theo điều 8, bộ luật Hình sự, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong bộ luật.
Điều 22 quy định về phòng vệ chính đáng như sau: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền, hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác, hoặc lợi ích Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Luật sư Vũ Ngọc Chi |
Theo luật sư Chi, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Nhưng vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả quá mức cần thiết.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 22, bộ luật Hình sự chỉ là quy định về hành vi phòng vệ khi thoả mãn các yếu tố là chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Như vậy, hành vi của bạn được coi là phòng vệ khi người tấn công đang thực hiện hành vi phạm tội và điều đó là cần thiết.
Nếu không hội tụ đủ yếu tố trên, tuỳ trường hợp cụ thể mà các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét tội danh của bạn.
Tuỳ thuộc vào các yếu tố diễn biến chủ quan của người thực hiện hành vi, có thể bị xem xét ở tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hoặc các tội khác.
Tuỳ từng tình huống cụ thể mà sau đó, các cơ quan tố tụng tiến hành thủ tục và làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm sẽ xem xét tội danh tương ứng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn