Nhà nước mua lại, ACV sẽ thôi cổ phần hóa?

Thứ ba - 03/09/2019 21:06
Bộ GTVT vừa “gây sốc” khi đề xuất nhà nước mua lại cổ phần đã bán, đưa ACV trở lại là doanh nghiệp nhà nước.
Nhà nước mua lại, ACV sẽ thôi cổ phần hóa?
ACV hiện đang quản lý 22 cảng hàng không trên cả nước /// Ảnh: Ngọc Thắng
Bên cạnh những đề xuất “cởi trói” cho Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) trong bảo trì, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng khu bay, Bộ GTVT vừa “gây sốc” khi đề xuất nhà nước mua lại cổ phần đã bán, đưa ACV trở lại là doanh nghiệp nhà nước.

Đẩy nhanh sửa đường băng xuống cấp

Chúng ta đã có nhiều ví dụ thành công về xã hội hóa hạ tầng hàng không, DN tư nhân hoàn toàn có thể xây dựng cả sân bay hoặc tham gia đầu tư vào các sân bay lớn như Vân Đồn, Cam Ranh. Cần phải rạch ròi giữa việc tạo cơ chế cho ACV thực hiện duy trì, nâng cấp, đầu tư thường xuyên hạ tầng khu bay, đảm bảo hoạt động bay an toàn với việc ACV đóng một vai trò tương đương với các DN tư nhân khác khi tham gia các dự án đầu tư tại các cảng hàng không.   


TS Trần Đình Thiên
Trong dự thảo Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư quản lý, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép giao ACV quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý, không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) đến hết năm 2025. Đây cũng là lộ trình cho Cục Hàng không VN hoàn thiện lại cơ cấu tổ chức, bộ máy để sẵn sàng tiếp nhận tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định của luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 44/2018/NĐ-CP về quản lý khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép các bộ, ngành liên quan làm thủ tục để sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 151/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và làm rõ điều 99 luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, số tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không được sử dụng để chi trả chi phí quản lý, khai thác, bảo trì, chi đầu tư, nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng hàng không và trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có). Phần còn lại nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước, nhà nước sẽ ưu tiên bố trí để cải tạo, nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định. Ngoài ra, sử dụng nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng để bảo trì, sửa chữa, đầu tư, nâng cấp phần hạ tầng thuộc Bộ Quốc phòng, nhưng do DN khai thác cảng thuộc ACV đang khai thác.
Cụ thể, theo đề án, để khắc phục tình trạng “có tiền mà không làm được do vướng cơ chế”, Bộ GTVT kiến nghị nguồn vốn để thực hiện công tác bảo trì được bảo đảm bằng nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không.
“ACV có trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng hàng khôngbằng nguồn thu từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Trường hợp nguồn thu này không đủ, ACV có trách nhiệm bảo trì bằng nguồn vốn DN, ngân sách nhà nước không cấp kinh phí cho công tác bảo trì”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nêu. Hiện, nguồn vốn cần thiết để đầu tư, sửa chữa nâng cấp các hư hỏng tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất khoảng 4.210 tỉ đồng. Trong khi đó, với 22 sân bay ACV đang quản lý, nguồn tiền từ khai thác hạ tầng khu bay là rất lớn.

Lo độc quyền

Điểm đáng chú ý nhất trong đề án là Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét lộ trình mua lại cổ phần do các cổ đông ngoài nhà nước nắm giữ khi cổ phần hóa ACV, để ACV là DN nhà nước, tạo điều kiện đảm bảo cao nhất về an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.
Dù không trực tiếp đề cập, nhưng trên thực tế, việc Bộ GTVT muốn đưa ACV trở lại vị thế DN nhà nước để “né” quy định của luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Cụ thể, kể từ 1.1.2018, theo luật, toàn bộ tiền thu được từ khai thác tài sản hạ tầng khu bay, sau khi trừ đi chi phí liên quan đến khai thác, sẽ phải nộp vào ngân sách. Hiện, ACV không phải là 100% DN vốn nhà nước nên không thể được giao thực hiện các dự án hạ tầng hàng không như nhiều đề xuất của DN này. Nếu trở lại vai trò 100% vốn nhà nước, ACV sẽ mặc nhiên được giao thực hiện nhiều dự án hạ tầng hàng không. Trong khi đó, tại nhiều dự án đầu tư cảng hàng không mới hiện nay, ACV đang phải cạnh tranh với các DN tư nhân như với Vietjet tại dự án đầu tư mở rộng cảng hàng không Điện Biên, tại dự án xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất...
Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, để tháo gỡ khó khăn, cho phép ACV nâng cấp, đầu tư hạ tầng khu bay xuống cấp tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất hiện nay, Chính phủ có thể cho phép áp dụng các cơ chế linh hoạt về nguồn vốn. Nếu nguồn vốn không cân đối đủ có thể vay ACV để làm ngay, sau đó thanh toán lại đúng giá thị trường. Hoặc lấy từ nguồn thu sử dụng kết cấu hạ tầng để nâng cấp, đầu tư.

“Không nhất thiết vì muốn tạo ra cơ chế cho phép ACV dễ dàng đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng lại phải đảo ngược quá trình cổ phần hóa, đưa ACV về lại vai trò DN nhà nước. Các quy định đang trói mình thì phải tự cởi trói”, ông Thiên nói.
Thực tế, nếu trở lại là DN 100% vốn nhà nước, ACV sẽ có lợi ích từ vị thế “độc quyền tự nhiên” khi được giao làm nhà đầu tư các dự án đầu tư tại các cảng hàng không. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ một đơn vị vừa là cấp quyết định đầu tư, vừa là chủ đầu tư thực hiện dự án, vừa là đơn vị quản lý, khai thác.
Ở chiều ngược lại, nếu tiếp tục thoái vốn nhà nước khỏi ACV theo lộ trình trước đó (nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 65% cổ phần để giữ vai trò kiểm soát), nhà nước sẽ có thêm nguồn thu rất lớn từ việc bán cổ phần để đầu tư vào các công trình hạ tầng hàng không khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây