Ngành xi măng trả thêm khoảng 220 tỷ tiền điện/năm
Trong cơ cấu đầu vào, giá điện, giá xăng chiếm khoảng 30- 35% giá thành sản xuất của ngành xi măng. Vì vậy, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Tổng Cty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) không khỏi băn khoăn, với mỗi tháng hơn 2 triệu tấn xi măng sản xuất ra, khoảng 90- 91 kw/tấn. Nếu áp khung tiền điện giá cũ, toàn tổng công ty mất khoảng 305 tỷ đồng/tháng chi phí điện năng. Nếu áp dụng giá điện mới, mỗi tháng, tổng công ty tăng thêm khoảng 18,5 tỷ tiền điện.
Ông Tùng cho rằng, việc tăng hơn 6% là quá nhiều vì chi phí điện năng trong sản xuất xi măng lớn. Chi phí điện tăng chiếm 15-18% giá thành sản xuất xi măng.
“Cái gay là cung cầu mất cân đối nên giá bán không tăng lên được. Vì vậy, việc bù đắp giá điện khó khăn. Hiện chưa có phương án nào để bù giá điện vì định mức cũng tiết kiệm ở mức tối đa. Ngày xưa định mức điện năng là 100kw/tấn xi măng còn bây giờ là 90kw/tấn xi măng. Doanh nghiệp xi măng nào tiết kiệm lắm cũng chỉ là 14% chi phí điện năng trong giá thành sản xuất”, ông Tùng nói.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), cho biết, hiện tổng công suất toàn ngành xi măng lên tới 86 triệu tấn, trong khi khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa cả năm 2017 dự kiến chỉ khoảng 60 triệu tấn, dư thừa 26 triệu tấn. VNCA cũng đưa ra dự báo, sức tiêu thụ xi măng trong nước năm 2020 cũng chỉ vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36-47 triệu tấn xi măng. Còn theo dự báo trong quy hoạch, với khả năng tiêu thụ trong nước năm 2020 là 93 triệu tấn thì sẽ dư thừa khoảng 25-36 triệu tấn xi măng.
Trước diễn biến hàng tồn kho lớn trong khi chi phí sản xuất tăng do giá điện tăng, ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam bức xúc: “Trước đây, tôi nhiều lần kêu gọi việc không tăng giá điện nhưng cơ quan nhà nước vẫn cứ tăng. Việc tăng giá điện lần này quá lớn trong bối cảnh ngành xi măng gặp nhiều khó khăn càng đẩy doanh nghiệp vào thế khó”.
Chi phí đẩy tăng giá nguyên liệu đầu vào
Cũng là ngành tiêu tốn nhiều điện tăng, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Cty May Sài Gòn 3 chia sẻ, ngành dệt tiêu tốn điện nhiều nhất, ngành may nhẹ nhàng hơn. Nói chung đều bị ảnh hưởng tăng chi phí lên. “Chuyện tăng giá điện không chỉ là việc tiêu tốn điện năng từ máy móc mà còn làm các nguyên phụ liệu đều tăng. Ví dụ, mua vải, ngành vải phải nhích giá lên. Tất cả mọi thứ đều lên. Và những cái này mới là lớn chứ không phải chỉ riêng tiền điện tăng lên”, ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, tất cả mọi thứ đều tăng chắc chắn giá sẽ tăng nhưng thị trường và khách hàng có chấp nhận tăng không? Ví dụ 1 sản phẩm bán 10 USD, bây giờ nhích lên 10,5USD là khách hàng không chịu. Vì vậy, doanh nghiệp phải “siết” lại như giảm phí nhân công, lợi nhuận, tiết kiệm mọi thứ lại để giữ giá dù điện có tăng.
Ông Nguyễn Minh Khoa, Giám đốc Cty kính nổi Viglacera cho rằng, một tháng công ty tiêu thụ gần 2 tỷ tiền điện. Nếu tăng giá, mỗi tháng mất thêm 120 triệu đồng tiền điện nữa. Đó là chi phí tăng điện trực tiếp còn các ngành mình phải mua nguyên liệu và những mặt hàng này đều tăng. “Nói chung, đầu vào chúng tôi phải tăng. Muốn bù chi phí này, giá thành sản phẩm phải tăng. Nếu điện tăng 6%, giá thành tăng 3- 4% mới bù lại được”, ông Khoa cho hay.
Không chỉ ngành sản xuất chịu ảnh hưởng bởi giá điện tăng, ngành dịch vụ cũng chịu tác động. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách Coop Mart Hà Đông (Hà Nội) bày tỏ, lượng tiêu thụ tiền điện trong siêu thị lớn bao gồm các hệ thống làm lạnh, bảo quản đồ ăn, hệ thống điều hoà trên mặt bằng rộng toàn siêu thị. “Hệ thống bảo quản đồ ăn theo đúng tiêu chuẩn nhiệt độ dù mùa đông hay mùa hè. Trước đây, trung bình, một tháng, siêu thị tốn khoảng 600 triệu tiền điện. Nay, áp theo khung giá mới, mỗi tháng sẽ mất thêm vài chục triệu”, bà Dung cho biết.
“Giá đầu vào tăng, muốn bù chi phí này, giá thành sản phẩm phải tăng. Nếu điện tăng 6%, giá thành tăng 3- 4% mới bù lại được”.
Ông Nguyễn Minh Khoa, Giám đốc Cty kính nổi Viglacera
Nguồn tin: TPO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn