Một số vướng mắc về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và kiến nghị hoàn thiện

Thứ sáu - 08/09/2023 22:38
(Phản biện) - Bài viết tập trung để đưa ra khái niệm tình tiết giảm nhẹ và phân tích về nhóm các tình tiết giảm nhẹ mới được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS; từ đó, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự về vấn đề này.
Tòa án nhân dân huyện Ia H’Drai, Kon Tum xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Phương Dung
Tòa án nhân dân huyện Ia H’Drai, Kon Tum xét xử vụ án trộm cắp tài sản - Ảnh: Phương Dung

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một chế định quan trọng trong pháp luật hình sự Việt Nam thể hiện được nguyên tắc nhân đạo của Nhà nước ta. Nhưng hiện nay, Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS) cũng như các văn bản hướng dẫn chưa có một định nghĩa pháp lý của khái niệm như nào thì được coi là “tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau trong thực tiễn xét xử.

1. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1.1. Khái niệm về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Pháp luật hình sự Việt Nam chưa đưa ra khái niệm “Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” do đó còn gây ra nhiều quan điểm khác nhau về điều này.

Quan điểm thứ nhất: “Các tình tiết giảm nhẹ TNHS là những tình tiết được quy định trong BLHS hoặc do Toà án phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội cũng như hoàn cảnh đặc biệt của họ. Những tình tiết này có ý nghĩa làm giảm mức độ TNHS của người phạm tội”[1].

Quan điểm thứ hai: “Các tình tiết giảm nhẹ TNHS là các tình tiết trong một vụ án cụ thể mà nó sẽ làm giảm TNHS của người phạm tội trong một khung hình phạt”[2].

Quan điểm thứ ba: “Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết không có ý nghĩa về mặt định tội, định khung hình phạt mà chỉ có tác dụng làm tăng hoặc giảm mức độ TNHS trong một phạm vi một khung hình phạt nhất định” [3].

Ngoài các quan điểm nêu trên, TS. Trần Thị Quang Vinh cho rằng: “Các tình tiết giảm nhẹ TNHS là những tình tiết của vụ án hình sự liên quan đến việc giải quyết TNHS, có ý nghĩa làm giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, phản ánh khả năng cải tạo tốt hoặc hoàn cảnh đặc biệt của người phạm tội đáng được khoan hồng và giá trị giảm nhẹ của chúng chưa được ghi nhận trong chế tài[4]Theo đó, TS. Trần Thị Quang Vinh đã chỉ ra rằng nếu chỉ xét tình tiết giảm nhẹ là những tình tiết có ý nghĩa giảm hình phạt trong một khung hình phạt thì sẽ là thu hẹp so với chính tên gọi là khả năng ảnh hưởng của tình tiết giảm nhẹ đến trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, nội dung của TNHS như đã đề cập ở trên không chỉ bao gồm hình phạt mà còn bao gồm việc bị kết án, bị áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp và mang án tích.

Theo quan điểm của mình, tác giả đồng tình một phần với quan điểm của TS. Trần Thị Quang Vinh và cho rằng tình tiết giảm nhẹ không chỉ là những tình tiết được quy định tại BLHS 2015[5] mà còn có thể là các tình tiết khác trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, tác giả không đồng tình ở một điểm khi TS. Trần Thị Quang Vinh cho rằng các tình tiết giảm nhẹ này có ý nghĩa giảm mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Bởi lẽ, việc xem xét các tình tiết giảm nhẹ của một vụ án hình sự chỉ làm giảm đi trách nhiệm hình sự của người phạm tội mà không phải là mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đó.

Từ đó, có thể định nghĩa: “Các tình tiết giảm nhẹ là những tình tiết của vụ án hình sự liên quan đến việc giải quyết TNHS, phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội cũng như hoàn cảnh đặc biệt của họ. Giá trị giảm nhẹ của các tình tiết này tùy thuộc vào mức độ, phạm vi, tác động của chúng trong từng vụ án hình sự”.

1.2. Những điểm mới của tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định trong BLHS

Có thể thấy, BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 đã có nhiều thay đổi về chính sách hình sự so với BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là BLHS 1999). Nhìn chung các quy định về các tình tiết giảm nhẹ không có sự thay đổi. Việc xác định nội dung của một số tình tiết giảm nhẹ TNHS đều dựa vào các quy định của một số điều luật trong Phần chung. Tuy nhiên, BLHS 1999 quy định tại Điều 46 chỉ có 18 điểm tại khoản 1 (từ điểm a đến điểm s) tương ứng với 18 tình tiết giảm nhẹ thì đến với BLHS 2015 đã bổ sung thêm 4 tình tiết mới tổng cộng là 22 tình tiết giảm nhẹ tương ứng với 22 điểm (từ điểm a đến điểm x) tại khoản 1 Điều 51 để phù hợp hơn với một số điều luật. Bao gồm: Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (điểm đ khoản 1 Điều 51); Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra (điểm l khoản 1 Điều 51); Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng (điểm p khoản 1 Điều 51); Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng (điểm x khoản 1 Điều 51).

2. Các tình tiết giảm nhẹ mới được quy định trong BLHS

2.1. Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (điểm đ khoản 1 Điều 51)

Đây là trường hợp người phạm tội có động cơ bắt giữ người phạm tội nhưng khi thực hiện được việc này họ đã dùng vũ lực, gây thiệt hại cho người bị bắt giữ vượt quá mức cần thiết[6]. Tuy nhiên, việc “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” phải thoả mãn quy định tại BLHS.[7] Đó là việc bắt giữ người phạm tội bằng cách sử dụng vũ lực, gây thiệt hại cho họ là hành vi phù hợp với lợi ích xã hội, vì việc làm này không chỉ giúp cơ quan nhà nước có điều kiện truy cứu TNHS người phạm tội mà còn có tác dụng phòng ngừa họ phạm tội lại[8]. Việc gây thiệt hại trong trường hợp bắt giữ người phạm tội sẽ được loại trừ TNHS và không được coi là tội phạm.

Từ đây có thể thấy, cơ sở cho phép gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội phải là có “người thực hiện tội phạm” và được phép bắt giữ. Do đó, cơ sở này chỉ đặt ra khi thoả mãn cả hai điều kiện nêu trên. Vậy “được phép bắt giữ” được hiểu như thế nào? Người “được phép bắt giữ” được hiểu là người có quyền bắt giữ tội phạm dựa vào các quy định của pháp luật. Nghĩa là người bắt giữ có quyền bắt giữ theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền, căn cứ để tiến hành bắt giữ[9]. Trong BLTTHS hiện hành có quy định rõ các chủ thể có quyền này như là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án. Ngoài ra còn có chủ thể khác như công dân. Tuy nhiên, đối với chủ thể là công dân việc bắt giữ chỉ được quy định trong hai trường hợp: Một là, người đang thực hiện tội phạm[10]. Hai là, ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt[11] đồng thời phải giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân gần nhất. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý đối tượng bị bắt giữ bắt buộc phải là người đã thực hiện hành vi phạm tội và đang cần ngăn chặn.

Việc gây thiệt hại trong trường hợp bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 24 BLHS sẽ được loại trừ TNHS và không được coi là tội phạm. Do đó, việc gây thiệt hại này là cho phép và hợp pháp. Mặc dù vậy, điều này vẫn có sự giới hạn. Việc sử dụng vũ lực, gây thiệt hại cho người bị bắt phải được xác định bởi hai điều kiện như sau: 

Thứ nhất, khi tiến hành bắt giữ, người thực hiện hành vi này đã sử dụng vũ lực là cách duy nhất để có thể bắt được người thực hiện tội phạm. Nghĩa là, trong trường hợp người thực hiện hành vi bắt giữ có thể lựa chọn giữa sử dụng vũ lực hoặc không sử dụng vũ lực mà người đó vẫn lựa chọn việc sử dụng vũ lực thì đó không phải là trường hợp được cho phép.

Thứ hai, việc sử dụng vũ lực này phải trong mức độ cần thiết cho việc bắt người đó. Việc xác định “mức độ cần thiết" là rất khó bởi lẽ trong từng trường hợp khác nhau sự cần thiết sẽ là khác nhau. Do đó, để xác định như nào là mức cần thiết cần “căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, số người cần bắt giữ, vũ khí hoặc công cụ chống đối của người bị bắt giữ, thái độ tuân thủ pháp luật của người bị bắt giữ và hoàn cảnh khách quan cụ thể nơi tiến hành bắt giữ” [12]. Dẫu vậy, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này do đó, tác giả cho rằng nên có một văn bản chung để có thể thống nhất ý chí trong quá trình xét xử.

Việc sử dụng vũ lực gây thiệt hại khi bắt giữ người vượt quá mức cần thiết vẫn bị coi là tội phạm. Do đó, người gây thiệt hại vượt quá mức cần thiết đó vẫn phải chịu TNHS nhưng sẽ được coi là một tình tiết giảm nhẹ. Thiệt hại mà người đó gây ra có thể là thể chất, vật chất hoặc tinh thần nhưng nó phải có mối quan hệ nhân quả trực tiếp đối với hành vi dùng vũ lực khi bắt giữ người phạm tội[13].

2.2. Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra (điểm l khoản 1 Điều 51 BLHS 2015)

Như đã phân tích ở trên, đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới được quy định trong BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Trước đây, trong dự thảo BLHS 2015 (sửa đổi) tình tiết này được quy định đầy đủ là: “Phạm tội trong trường bị cưỡng ép hoặc lừa gạt sử dụng rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức”[14] (tại điểm k khoản 1) nhưng khi được ghi nhận chính thức, tình tiết này được đổi thành: “Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra”. Với tên gọi khác nhau nhưng nhìn chung đều được hiểu theo cùng một nội dung. Đây là trường hợp khi thực hiện tội phạm, người phạm tội đang trong tình trạng nhận thức về hành vi phạm tội của mình một cách không đầy đủ. Tuy nhiên, đây là một tình trạng nhất thời hoặc do khách quan mang lại mà không phải do ý muốn chủ quan của người đó. Nghĩa là việc sử dụng rượu hoặc các chất kích thích mạnh này không phải do họ tự nguyện dùng mà do bị lừa gạt, bị lừa dối cưỡng ép sử dụng hoặc do nhân tố khách quan tao ra và họ không có lỗi dẫn đến tình trạng này bao gồm cả lỗi cố ý và vô ý[15]. Vì thế, trường hợp này cần xem là tình tiết giảm nhẹ TNHS[16]. Về mức độ giảm nhẹ TNHS của tình tiết này sẽ phụ thuộc vào mức độ hạn chế khả năng nhận thức hành vi của người phạm tội.

2.3. Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng (điểm p khoản 1 Điều 51)

Xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo đối với người khuyết tật, BLHS đã quy định thêm tình tiết giảm nhẹ “Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng”. Tuy nhiên, không phải mọi người khuyết tật khi thực hiện hành vi phạm tội đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Mà người khuyết tật đó phải rơi vào trường hợp khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

Theo như Luật Người khuyết tật hiện hành, người khuyết tật là“người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn"[17] và được chia theo mức độ khuyết tật từ nhẹ, nặng và đặc biệt nặng. Để xác định được thế nào được coi là khuyết tật nặng hay khuyết tật đặc biệt nặng thì theo quy định sẽ được xác định trên cơ sở người khuyết tật đó có thực hiện được các hoạt động sinh hoạt cá nhân hay không. Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, chăm sóc. Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không thể tự kiểm soát hoặc không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà luôn phải có người theo dõi, chăm sóc.

Ngoài ra, để Toà án xác định được mức độ khuyết tật cần phải có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y. Theo đó, người khuyết tật phải có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y nếu không còn khả năng phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì coi là người khuyết tật đặc biệt nặng; nếu có khả năng tự phục vụ sinh hoạt khi có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm lao động từ 61% đến 80% thì coi là người khuyết tật nặng[18].

2.4. Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ (điểm x khoản 1 Điều 51)

Đây là một tình tiết lần đầu được quy định trong BLHS. Điều này thể hiện sự tiến bộ và phù hợp với thực tiễn nhằm răn đe, trừng trị bên cạnh đó còn phản ánh chính sách khoan hồng của Nhà nước ta đối với người phạm tội. Tình tiết này đã đề cập đến nhân thân gia đình của người phạm tội và nhân thân trực tiếp của người phạm tội. Tuy nhiên, điều luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể nên trong thực tiễn khi áp dụng tình tiết này còn có nhiều cách hiểu khác nhau.

Khái niệm “Người có công với cách mạng” được đề cập tại Pháp lệnh ưu đãi số 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020). Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Chỉ có những người được tặng Huân chương kháng chiến hoặc Huy chương kháng chiến mới là người có công với cách mạng và được hưởng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51. Đối với các trường hợp khác như Huân chuơng, Huy chương khác như Lao động, Chiến công, Quân công,... sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo điểm v khoản 1 Điều 51[19].

Trong BLHS quy định chỉ cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ mới là đối tượng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Nghị định 31/2013/NĐ-CP có định nghĩa về nhân thân của người có công, liệt sĩ. Theo đó, thân nhân của liệt sĩ ngoài là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi) mà còn có người có công nuôi dưỡng liệt sĩ[20]. Như vậy, có thể thấy nếu như chỉ quy định theo BLHS là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ mới được hưởng tình tiết này thì lại thiếu đi một đối tượng là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.

Hiện nay, trong khoa học pháp lý tồn tại hai quan điểm trái chiều nhau nhưng theo tác giả cho rằng nên theo hướng dẫn của Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 09/04/2013 sẽ áp dụng đối với cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi) của liệt sĩ. Những người này sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm x khoản 1 Điều 51; còn đối với trường hợp người có công nuôi dưỡng liệt sĩ, khi liệt sĩ dưới 18 tuổi, thời gian nuôi từ 10 năm trở lên được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 2 Điều 51 của BLHS. Mặc dù vậy, quan điểm này vẫn có sự hạn chế nhất định bởi lẽ các tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 sẽ có giá trị cao hơn so với các tình tiết thuộc khoản 2 Điều 51 BLHS. Và đây chính là căn cứ để Toà án xem xét quyết định giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội. 

Ngoài ra, có quan điểm cho rằng, không nên quy định tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp người phạm tội có vợ, chồng, cha, mẹ, con của người có công với cách mạng, liệt sĩ. Vì điều này sẽ không bảo đảm nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật và làm giảm đi vai trò giáo dục, phòng ngừa tội phạm của hình phạt. Về phía mình, tác giả cho rằng vẫn nên quy định tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ vì xuất phát từ những chính sách ưu đãi của Nhà nước giữa những người có công với cách mạng với những người không có công với cách mạng. Hơn nữa, đây là yếu tố nhân thân liên quan đến gia đình của người phạm tội; do vậy, cần phải được xem xét bên cạnh với các yếu tố nhân thân trực tiếp của người phạm tội từ đó giảm nhẹ TNHS cho họ. 

3. Một số kiến nghị hoàn thiện 

Từ những nội dung vừa phân tích và đưa ra một số bất cập liên quan đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS 2015 nêu trên, tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện về vấn đề này:

Thứ nhất, về phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội. Hiện nay trong thực tiễn, vẫn chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề như nào là cần thiết khi bắt giữ người nên rất khó có thể xác định. Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 24 BLHS 2015 vẫn còn quy định khá chung chung: “Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”. Có thể thấy ranh giới giữa sự cần thiết và không cần thiết là vô cùng mong manh. Việc xác định tính chất cần thiết có thể loại trừ trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi bắt giữ được quy định tại BLHS 2015. Do đó, để có cơ sở pháp lý rõ ràng khi áp dụng tác giả cho rằng cần ghi nhận chính thức trong một văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn cụ thể về Điều luật này.

Thứ hai, về phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra. Đây cũng là một trường hợp cũng có nhiều quan điểm trái chiều trong cách hiểu và áp dụng. Với quan điểm thứ nhất cho rằng tình tiết này thực chất là tình tiết “phạm tội do trình độ nghiệp vụ non kém” được quy định trong BLHS 1985 trước đấy. Và đến BLHS 1999 đã bỏ đi tình tiết này, giờ đây BLHS 2015 đã quy định lại nhưng có sửa đổi thêm điều kiện là “không phải do lỗi của mình gây ra”. Trong đó, tình tiết này được hiểu là “trường hợp thực hiện hành vi phạm tội do trình độ non kém, không có hiểu biết nhất là trong các lĩnh vực quản lý hành chính, môi trường, kinh tế, ngân hàng, tín dụng, công nghệ viễn thông,..” [21].

Quan điểm này giải thích xuất phát từ chính tên gọi của tình tiết giảm nhẹ “hạn chế khả năng nhận thức” và cho rằng hạn chế khả năng nhận thức chỉ là sự thiếu hiểu biết của người phạm tội về một lĩnh vực nằm ngoài khả năng của họ. Quan điểm thứ hai cũng chính là quan điểm của tác giả đã phân tích ở trên khi dựa vào Bản thuyết minh chi tiết về Dự thảo BLHS sửa đổi tháng 04/2015. Ví dụ: A với B là bạn đại học. A được B rủ đi một quán bar ở Quận 1 với một nhóm bạn mà B chơi thân khi chưa vào đại học. Đây là lần đầu tiên A đến nơi như vậy nên còn cảm thấy bỡ ngỡ. Trong lúc đang chơi vui vẻ, D – là một người bạn trong nhóm (vì thấy A xinh) nên mời A uống rượu. Vì không đề phòng và cũng nghĩ đó là bạn của B nên A đã uống ly rượu đó. Sau khi A uống xong A cảm thấy đầu óc không còn tỉnh táo nên A nói rằng mình muốn đi về.  D thấy vậy liền nói với B là sẽ chở A về. Nhưng D không hề chở A về mà dìu A vào nhà nghỉ bên cạnh đó. A sợ hãi, bỏ chạy về phía bãi xe và cố gắng dắt xe ra về. Trên đường đi, do A đã bị D chuốc thuốc nên đã gây tai nạn chết người. Trường hợp này của A sẽ được coi là hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra.

Theo tác giả cho rằng nên quy định thống nhất một cách hiểu ở một văn bản hướng dẫn để Toà án các cấp có thể áp dụng theo đúng tinh thần của pháp luật. Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, tình tiết giảm nhẹ thường là những tình tiết mở, mang tính có lợi cho người phạm tội do đó việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này sẽ phụ thuộc vào quan điểm của mỗi Toà. Điều này giúp Toà án có thể linh động hơn trong việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ này nói riêng và các tình tiết giảm nhẹ khác nói chung.

Thứ ba, người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng. Về tình tiết này, tác giả cho rằng cần có một sự hướng dẫn của các nhà làm luật vì đây là một điểm mới được quy định trong BLHS. Bởi lẽ, trên thực tiễn vẫn còn tồn tại hai quan điểm khác nhau. Một là, thời điểm để áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm p khoản 1 Điều 51  BLHS 2015 thì trước khi phạm tội, người phạm tội đã là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng. Chính vì hậu quả do hành vi phạm tội nên dẫn đến người phạm tội sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Hai là, không phụ thuộc vào thời điểm người phạm tội bị khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng để áp dụng tình tiết giảm nhẹ này mà sẽ phụ thuộc vào thời điểm xét xử người phạm tội đó[22].

Thực tiễn chứng minh, trong một vụ án hình sự trên địa bàn huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, hai cấp xét xử đã có quan điểm khác nhau khi áp dụng tình tiết này. Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 80/2020/HS-PT ngày 17/07/2020, TAND tỉnh Bình Định đã nhận định tại đoạn [4]: “..Tại biên bản giám định y khoa số 63/GĐYKNKT ngày 20/02/2020 của Hội đồng giám định y khoa Bình Định kết luận bị cáo B bị khuyết tật đặc biệt nặng nên cấp phúc thẩm áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 51 BLHS”. Trước đó, khi xét xử sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm đã không áp dụng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm p khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 đối với bị cáo B. Điều đó có nghĩa là Toà án cấp sơ thẩm đã dựa vào thời điểm để áp dụng tình tiết giảm này, đó là trước khi bị cáo B phạm tội, bị cáo không phải là người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng. Chính vì bị cáo B không tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ nên đã gây ra tai nạn cho nên bị cáo sẽ không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Về phía mình, Toà phúc thẩm đã áp dụng cho bị cáo B mà không phụ thuộc vào thời điểm bị cáo phạm tội.

Từ vụ án trên, tác giả đồng tình với quan điểm của Toà án cấp phúc thẩm và cho rằng phải xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo. Ngoài ra đứng ở góc độ xã hội, người phạm tội cũng không thể hoạt động, sinh hoạt cuộc sống như những người bình thường. Do vậy, cần phải được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này đối với người phạm tội.

Đối với tình tiết giảm nhẹ này, chính vì chưa có quy định rõ ràng về thời điểm áp dụng nên trong thực tiễn chưa có sự áp dụng thống nhất. Do đó, tác giả đề xuất nên bổ sung thêm về thời điểm nhưng theo hướng mở rộng cho người phạm tội, nghĩa là tình tiết này sẽ được áp dụng không phụ thuộc vào lúc xảy ra hành vi phạm tội người đó đã bị khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng hay chưa, mà sẽ phụ thuộc vào thời điểm Toà đưa vụ án ra xét xử để áp dụng.

Thứ tư, người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ. Đối với tình tiết này, căn cứ theo Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công với cách mạng, chỉ có những người có Huân, Huy chương kháng chiến mới được áp dụng tình tiết này. Thiết nghĩ, nếu người có công lớn hoặc có công với đất nước trong quá trình chiến đấu thì họ có được hưởng tình tiết giảm nhẹ này hay không. Hay với những người có Huân, Huy chương khác thì có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này không. Bên cạnh đó, trong trường hợp người phạm tội đối với tội phạm ít nghiêm trọng, là người có công với cách mạng nhưng không thoả mãn các điều kiện được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm x khoản 1 Điều 51 thì có nên có một chính sách lượng hình tốt hơn với họ hay không. Mặt khác, việc quy định cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con có thật sự đầy đủ để phản ánh đúng chính sách khoan hồng của Pháp luật Hình sự nước ta và phù hợp với các quy định khác của Luật.

Trong thực tiễn, còn tồn tại một vấn đề đó là nếu vợ hoặc chồng liệt sĩ, vợ hoặc chồng của người có công (khi người có công đã mất) mà họ xây dựng gia đình với người khác thì có được hưởng tình tiết giảm nhẹ này không. Do đó, tác giả đề nghị cần bổ sung thêm những vấn đề sau: Một là, bổ sung thêm “người có công nuôi dưỡng liệt sĩ” để họ được hưởng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51; hai là, bổ sung, giải thích, làm rõ trường hợp nếu vợ hoặc chồng liệt sĩ, vợ hoặc chồng của người có công (khi người có công đã mất) mà họ xây dựng gia đình với người khác thì sẽ được áp dụng như thế nào.

4. Kết luận

Tóm lại, bài viết đã chỉ ra được những điểm mới của các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định trong BLHS. Tuy nhiên, các tình tiết mới mà tác giả đã phân tích trong bài viết cho thấy rằng còn nhiều điểm chưa rõ, vẫn còn tồn tại các quan điểm khác nhau. Bài viết đã đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện để việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất, bên cạnh đó còn thể hiện được nguyên tắc nhân đạo xuyên suốt trong pháp luật hình sự nước ta.

Nguồn https://tapchitoaan.vn/mot-so-vuong-mac-ve-tinh-tiet-giam-nhe-trach-nhiem-hinh-su-va-kien-nghi-hoan-thien9245.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây