Yêu cầu huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không phải là yêu cầu khởi kiện của đương sự

Thứ tư - 20/09/2023 22:18
(Phản biện) - Sau khi nghiên cứu bài viết với tiêu đề: “Vướng mắc về thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu huỷ giấy chứng nhận” của tác giả Nguyễn Tất Duẫn, người viết đồng tình với quan điểm thứ hai.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) không phải là một yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự; đó chỉ là hệ quả phát sinh khi giải quyết tranh chấp dân sự, quá trình giải quyết, xét xử Tòa án buộc phải xem xét, đánh giá tính hợp pháp của GCN để hủy hay không hủy mới đảm bảo giải quyết triệt để vụ án. Đồng ý với quan điểm đó, người viết bổ sung một số luận cứ như sau:

Thứ nhất, căn cứ Điều 34 BLTTDS 2015 quy định khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Như vậy, việc xem xét huỷ GCN là quyền của Toà án khi giải quyết vụ việc dân sự mà Toà án có nhiệm vụ giải quyết mà không phụ thuộc vào việc đương sự có yêu cầu hay không.

Thứ hai, căn cứ mục II của giải đáp nghiệp vụ số 02/GĐ- TANDTC ngày 19/9/2016 giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự quy định khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó. Như vậy, có thể hiểu, việc xem xét huỷ GCN là trách nhiệm của Toà án, không phải xuất phát từ yêu cầu của đương sự. Khi không phải là yêu cầu của đương sự thì đương sự không phải có nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí, chịu án phí dân sự và quy định về thời hiệu yêu cầu cũng không được áp dụng trong trường hợp này.

Thứ ba, căn cứ điểm g, khoản 4 Điều 159 BLTTDS 2015 quy định về nội dung đơn khởi kiện thì yêu cầu khởi kiện của đương sự được hiểu là khi quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm và người khởi kiện đưa ra những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Chủ thể bị yêu cầu phải thực hiện hoặc không thực hiện hành vi nhất định theo yêu cầu của người khởi kiện là người bị kiện. Trong khi đó, nếu huỷ GCN được xem như là một “yêu cầu khởi kiện” thì chủ thể phải thực hiện hành vi huỷ GCN lại không phải là người bị kiện mà là Toà án.

Đồng thời, Điều 11 BLDS 2015 quy định về các phương thức bảo vệ quyền dân sự như sau:

“Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.

2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.

4. Buộc thực hiện nghĩa vụ.

5. Buộc bồi thường thiệt hại.

6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

7. Yêu cầu khác theo quy định của luật”.

Đối chiếu với định nghĩa về yêu cầu khởi kiện thì chỉ có khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 11 BLDS 2015 là yêu cầu đối với người bị kiện và được xem là yêu cầu khởi kiện như quy định của BLTTDS 2015.

Thứ tư, Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2014 (viết tắt là TTLT 01/2014), hướng dẫn thi hành Điều 32a của BLTTDS năm 2004 quy định Tòa án không áp dụng thời hiệu quy định trong pháp luật tố tụng hành chính khi xem xét yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật. Như vậy, yêu cầu huỷ quyết định cá biệt có thể được xem như là một trong những phương thức của cá nhân, tổ chức khi thực hiện bảo vệ quyền dân sự bằng phương thức yêu cầu Toà án hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền nhưng không phải là yêu cầu khởi kiện của đương sự như BLTTDS 2015 định nghĩa. Vì vậy, so với những yêu cầu khởi kiện khác phải chịu sự giới hạn về thời hiệu yêu cầu thì yêu cầu xem xét huỷ GCN lại không chịu sự chi phối của thời hiệu.

Như chúng ta đã biết, một trong những nguyên tắc cơ bản của BLTTDS 2015 là nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng dân sự (Điều 8 BLTTDS 2015). Vì vậy, khi áp dụng pháp luật nếu có sự không thống nhất trong việc thụ lý, xác định là yêu cầu hoặc không là yêu cầu khởi kiện của đương sự sẽ dẫn đến hệ quả có sự bất đồng trong áp dụng các quy định về nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí, nghĩa vụ chịu án phí dân sự, nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của đương sự, thời hiệu yêu cầu, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Người viết cho rằng cần sớm có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất cho yêu cầu huỷ GCN của đương sự trong vụ án dân sự để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong tố tụng dân sự.

Trên đây là quan điểm của người viết về yêu cầu xem xét huỷ GCN của đương sự. Rất mong sẽ nhận được ý kiến góp ý từ các chuyên gia, quý độc giả.

Theo https://tapchitoaan.vn/yeu-cau-huy-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-quyen-so-huu-nha-o-va-tai-san-khac-gan-lien-voi-dat-khong-phai-la-yeu-cau-khoi-kien-cua-duong-su9265.html

Tác giả bài viết: DƯƠNG THỊ CHIẾN, *Ths, Văn phòng Luật sư Lê Lam, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây