Xài xả láng sẽ thiếu điện
* Thưa ông, có ý kiến cho rằng nguyên nhân tăng tiền điện không hẳn là do tăng giá và dùng nhiều như EVN giải thích, mà còn do biểu giá điện sinh hoạt 6 bậc không còn phù hợp. Bậc 1 áp dụng cho sử dụng từ 0 - 50 số điện là quá thấp so với mức sử dụng trung bình của các hộ dân, nên những hộ sử dụng điện trung bình cũng đã phải chịu mức giá cao?
- Nếu nói quy định này không còn phù hợp thì là vấn đề chính sách của Chính phủ đối với năng lượng. Đây là chính sách để khuyến khích mọi người tiết kiệm năng lượng, vì dùng càng nhiều phải trả giá càng cao. Mặt khác, nếu người nghèo trả đầy đủ giá thì họ sẽ khó khăn, mà điện là nhu cầu thiết yếu nên Chính phủ phải ra bậc thang như vậy.
Cách đây hơn một năm, Bộ Công thương đã đưa ra 4-5 phương án lấy ý kiến, rồi kết luận giữ nguyên như hiện tại để bảo đảm chính sách khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và để người nghèo được hưởng giá thấp.
Tới đây có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì chỉ còn một giá, không ai bù cho ai nữa. Khi đó sẽ không còn giá bậc thang. Theo lộ trình, đến năm 2021 bắt đầu thử nghiệm thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và đến năm 2023 hoàn toàn là thị trường bán lẻ cạnh tranh. Lúc đấy Chính phủ không phải can thiệp về giá, mà hoàn toàn do cung cầu quyết định.
Khi đó giá sẽ lên, không có xuống. Vì thế, Chính phủ yêu cầu lộ trình phải từng bước, đầu tiên là thị trường phát điện cạnh tranh, sau đến thị trường bán buôn cạnh tranh, cuối cùng mới đến thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Nhiều ông cứ bảo giải tán EVN. Tôi nói thật: giải tán EVN hoặc giải tán các doanh nghiệp nhà nước đang làm điện thì giá điện tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngay. Cho nên mình phải nhìn vào thực tế khách quan, cái gì làm được, chưa làm được và phải có những góp ý rất cụ thể. Bây giờ khách hàng thấy khả nghi thì EVN sẵn sàng thẩm tra lại.
Ông Đinh Quang Tri - Ảnh: V.DŨNG
* Nhưng khi chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh mà biểu giá điện bậc thang không phù hợp thì cũng có thể điều chỉnh?
- Người dùng nhiều thì muốn một giá để trả ít tiền. Nhưng người dùng ít, dùng 50 số thì bảo phải giữ nguyên cơ chế đó. Hiện nay, hộ dùng ít điện chiếm số nhiều, hộ dùng nhiều không phải tỉ trọng lớn. Tôi nghĩ cơ chế bậc thang tiếp tục áp dụng đến khi ra thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Tiếp tục có biểu giá bậc thang vì cung đang không đáp ứng đủ cầu. Nếu mình để xài xả láng, có lúc sẽ thiếu điện. Tình hình cung cấp điện thời gian tới cực kỳ khó khăn. Một loạt nhà máy xây chậm. EVN chỉ được giao nhiệm vụ xây dựng các nhà máy mới đáp ứng 30% công suất mới, 70% là do bên ngoài đầu tư. Bây giờ bên ngoài chậm, lấy đâu điện mà dùng?
Khách hàng lúc nào cũng nghĩ đủ điện
* Thưa ông, có vẻ như mỗi lần muốn tăng giá điện, EVN đều dọa sẽ thiếu điện?
- Lâu ngày chúng ta có điện dùng nên cảm giác không thiếu, từ đó nghĩ EVN chỉ dọa. Nhưng chỉ người làm kế hoạch và điều hành hệ thống mới biết thiếu hay không. Mấy ngày nắng vừa rồi, hệ thống lên đến 36.000MW, tất cả các nhà máy chạy hết công suất.
Một số nhà máy phải đổ dầu vào đốt. Nếu tiếp tục dùng nhiều, đến 40.000MW trong khi công suất tất cả các nhà máy phát 35.000MW, chắc chắn phải cắt đi 5.000MW. Nếu không, toàn bộ hệ thống sẽ hỏng.
* Mỗi khi lý giải cho việc tăng giá điện, EVN thường quy đổi giá điện của Việt Nam sang USD và so sánh với giá điện các nước để nói giá điện Việt Nam thấp hơn. Nhưng một số chuyên gia cho rằng việc quy ra USD để so sánh là không hợp lý?
- So sánh giá điện nước này với nước kia chỉ là tương đối vì mỗi nước có hệ thống điện riêng, điều kiện kinh tế riêng. Việt Nam có thủy điện tương đối nhiều nên giá thành thấp. Than thì trước dùng trong nước là chính, nên giá điện ở Việt Nam rẻ hơn là điều dễ hiểu.
Nhưng nhu cầu điện càng tăng, than phải nhập khẩu theo giá quốc tế. Giá khí cũng theo thị trường thế giới, EVN phải mua và tính vào giá thành. Phần lớn nhà máy điện đấu thầu quốc tế và nhập khẩu thiết bị. 70% vay vốn nước ngoài bằng USD, euro, yen, đều là ngoại tệ mạnh. Nên việc so sánh theo ngoại tệ là bình thường.
Mộc góc của nhà máy thủy điện - Ảnh: TTO
* EVN sẽ đưa ra giải pháp nào để tăng nguồn cung cấp điện?
- Chúng tôi đang đề xuất một loạt giải pháp để khuyến khích đầu tư điện bán cho EVN, bán trực tiếp cho khách hàng. Ngân hàng Thế giới cũng đề xuất mở rộng mua bán điện trực tiếp, cho phép khách hàng mua điện tái tạo trực tiếp từ những người sản xuất và trả phí truyền tải cho EVN.
Khi đó, người ta tự đàm phán giá với nhau, EVN chỉ thu phí truyền tải, phân phối. Mở ra được như thế, một loạt nhà sản xuất có điều kiện tiếp cận, tăng được cung ngay. EVN không hề muốn một mình một chợ vì không đủ sức làm.
Chúng tôi mong muốn các hộ dân có điều kiện lắp pin mặt trời để dùng, dư thì bán cho EVN. Chính phủ đã có chính sách, các tổng công ty điện lực triển khai.
Ngoài ra, vai trò của người tiêu dùng điện cực kỳ quan trọng. Chúng tôi chỉ đạo tổng công ty điện làm việc với từng khách hàng lớn để thực hiện tiết kiệm điện. Khi thiếu điện, mỗi nhà tắt 1 bóng đèn cũng góp phần vào cung cấp điện.
Nếu không phát triển được điện lực, cả nền kinh tế sẽ khó khăn. Kỷ nguyên 4.0, điện cực kỳ quan trọng. Nếu mọi người không chung tay góp sức, đến lúc bệnh rồi thì vô phương cứu chữa.
Bộ Công thương lập đoàn kiểm tra giá điện
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh xác nhận với Tuổi Trẻ chiều 2-5 đã chỉ đạo lập đoàn kiểm tra giá điện và giao cho một thứ trưởng phụ trách lĩnh vực điện thực hiện.
Theo đó, việc kiểm tra sẽ tập trung vào vấn đề thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo đúng quy định ở các đơn vị điện lực với khách hàng. Bởi sau khi có quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36% vào ngày 20-3, trách nhiệm của Bộ Công thương là phải kiểm tra, đảm bảo thực hiện đúng quy định.
N.AN
Các nước thành lập cơ quan điều tiết điện lực đại diện cho người tiêu dùng nên họ biết điện lực đã cố gắng hết sức hay chưa, đã điều hành hệ thống tối ưu hay chưa.
Nguồn tin: tuoitre.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn