Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) được lập ra theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP song song với quyết định thu phí BTĐB bắt đầu từ đầu năm 2013 với cơ cấu hội đồng quản lý quỹ từ trung ương tới địa phương.
Gần đây nhất, tại phiên họp thứ 36, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bãi bỏ ngay Quỹ BTĐB cùng với một số loại quỹ khác và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân.
Câu hỏi lớn được đặt ra hiện nay là xóa bỏ tên gọi để chuyển qua một hình thức quản lý khác hay là xóa luôn phí BTĐB?
Ngay từ đầu, phí BTĐB hiện nay được thu theo loại hình phương tiện và thời gian cố định, đã là một sự không công bằng, mang tính cào bằng. Cùng một loại phương tiện, mức thu phí như nhau, nhưng số km chạy lại khác nhau, có khi chênh lệch nhau vài chục đến vài trăm lần. Chưa nói, tuy mang tiếng là phí BTĐB, tức là toàn bộ số tiền thu phí phải được sử dụng chỉ một mục đích là BTĐB thì hiện nay, theo thống kê các hoạt động được phép chi của quỹ này tới 17 loại hình chi, từ mua sắm trang phục, phương tiện tuần kiểm tới mua sắm các trang thiết bị chuyên ngành không liên quan chút nào tới bảo trì. Chưa kể tới số dư hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm có xoay vòng trong các ngân hàng thương mại hay không? Chưa có một thống kê cụ thể bao nhiêu % chi cho hoạt động bảo trì, duy tu, sửa chữa đường bộ xuống cấp và bao nhiêu % chi cho các hoạt động liên quan…
Người dân cho rằng Quỹ Bảo trì đường bộ chưa phát huy hiệu quả cao khi nhiều tuyến đường hư hỏng nhưng chậm sửa chữa- ảnh: Minh Chiến
Theo tổng kết sau 5 năm hoạt động, số tiền thu phí BTĐB là gần 30.000 tỉ đồng. Chỉ trong quý I/2019 đã thu được trên 2.000 tỉ đồng. Trong đợt thanh tra vào tháng 6-2019 của Bộ Tài chính về hoạt động của Quỹ BTĐB tại Văn phòng Quỹ BTĐB trung ương và 9 quỹ BTĐB địa phương đã kiến nghị xử lý tài chính số tiền 2.014.598.007 đồng do lập dự toán công trình BTĐB tăng không đúng về định mức, khối lượng, đơn giá nhân công, giá xăng dầu. Qua đó để thấy rằng vẫn tồn tại sự quản lý lỏng lẻo của cả một hệ thống quản lý quỹ từ trung ương tới địa phương, mà đây lại là số tiền được thu trực tiếp của người dân dưới hình thức bắt buộc.
Đó cũng chỉ là mới thanh tra trên 9 địa phương chứ chưa phải toàn bộ các địa phương trên cả nước.
Dư luận cả nước cũng không quên các vụ lùm xùm quanh các trạm BOT. Các doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo một đoạn đường huyết mạch xuống cấp, đặt trạm thu phí. Số tiền mà các chủ đầu tư phải bỏ ra để sửa chữa, cải tạo đó chỉ bằng một góc nhỏ trong quỹ BTĐB, chứng tỏ hiệu quả của quỹ này đã có vấn đề.
Hiện nay, vẫn tồn tại rất nhiều loại phí, lệ phí và kéo theo đó cũng là một loạt quỹ quản lý các loại phí, lệ phí trên. Chính vì nằm ngoài ngân sách nên càng cần phải rà soát, kiểm tra chặt chẽ, tránh tình trạng coi quỹ như một miếng bánh trên trời rơi xuống để một bộ phận trong hệ thống quản lý quỹ tha hóa, biến chất trục lợi. Tốt hơn hết, với Luật Ngân sách Nhà nước hiện nay, cần quy gom, sáp nhập về các bộ chuyên môn quản lý. Như vậy vừa có thể quản lý chặt chẽ, vừa tinh giản cơ cấu, tránh thất thoát lãng phí tài sản đóng góp của người dân.
Tác giả bài viết: ĐOÀN QUANG HUY
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn