(PL News) - Từ lúc mới 20 tuổi, cụ Hai đã có sở thích ăn ớt và nhiều thứ rau sạch ở quê. Đến nay cụ Hai và chồng đang là cặp vợ chồng cao tuổi nhất Việt Nam và châu Á.
Cụ Cao Viễn (109 tuổi) và cụ bà Vũ Thị Hai (103 tuổi) ở làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, Nghệ An đến thời điểm hiện tại vẫn giữ danh hiệu “Cặp vợ chồng cao tuổi nhất châu Á”. Trước đó vào ngày 27/8/2014, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã chính thức công nhận cặp vợ chồng này là cặp vợ chồng cao tuổi nhất châu Á. Ngày đầu năm Đinh Dậu, ngồi trò chuyện với vợ chồng cụ bà PV được nghe kể rất nhiều chuyện, trong đó có chuyện ăn ớt gần 90 năm.
Dù đã không còn linh hoạt như cách đây ít năm, nhưng hai cụ vẫn có thể đi lại, cách nói chuyện của cụ Cao Viễn vẫn hài hước như xưa, đặc biệt là vẫn giữ được trí nhớ minh mẫn.
Cụ Vũ Thị Hai kể lại chuyện xưa: “Lúc vợ chồng kết hôn, cụ ông mới 23 tuổi còn tôi chớm xuân 18. Ngày ấy vợ chồng ra ở riêng, với tài sản là một đôi quang gánh, 7 đôi đũa, một tấm vải xú (dạng vải thô bố sợi nhỏ) và 7 quan tiền. Mới ngày đầu làm dâu tôi đã ăn nhiều ớt trái, sau đó chuyển sang ớt bột và giờ là tương ớt công nghiệp”.
Mặc dù trước đây cuộc sống khó khăn, nhưng vợ chồng cụ Hai vẫn sống hạnh phúc hàng trăm năm qua. Đồng thời cũng là nhân chứng sống qua các thế hệ, biến cố lịch sử của dân tộc. Hiện tại vợ chồng cụ Hai có 6 người con, ai cũng ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” và có tới 135 cháu, chắt, chút, chít nội ngoại.
Trong bữa ăn, cụ Viễn thích ăn rau vườn, đồ mặn nhưng cụ Hai lại thích ăn ớt, tương ớt quanh năm và đến nay đã gần 90 năm ăn ớt. “Lúc đầu mới ăn, vị cay nồng chạy khắp cơ thể, sau dần dần vị cay đối với tôi trở thành vị bình thường, ăn bao nhiêu cũng được. Có cái lạ là tôi ăn gần 90 năm tương ớt cay, song không bị đau dạ dày hay bị bệnh về tiêu hóa. Tuy nhiên tôi cũng khuyên mọi người, đừng nên ăn quá cay, có lẽ vợ chồng tôi sống được đến nay là nhờ ơn trời phật” - cụ Hai chia sẻ.
Mỗi bữa ăn không thể thiếu món “quý” giá này, cũng chính vì vậy mà hằng ngày bà Cao Thị Tứ (71 tuổi), con gái thứ 4 của hai cụ đi chợ mua thức ăn luôn kèm theo chai tương ớt.
Bà Tứ chia sẻ: “Cụ bà giờ sức yếu, mỗi bữa chỉ ăn được vài thìa cơm hoặc bát cháo loãng, tuy nhiên dù không ăn được cơm cháo nhưng cũng phải ăn được một ít tương ớt. Riêng cụ ông thì cơm rau vườn và không thể thiếu đồ kho mặn”.
Mỗi dịp Tết đến, vợ chồng cụ Hai vẫn có đầy đủ vật chất do con cháu sắm sửa, nhưng theo cụ Hai thứ không thể thiếu trong dịp Tết từ hàng trăm năm qua của vợ chồng cụ là bánh chưng, rau xanh, tương ớt và thịt cá kho mặn.
Trải qua hàng trăm năm, mỗi cái Tết là một nỗi niềm riêng chứng kiến bao vui buồn, khổ cực - cụ Viễn chia sẻ: “Đau đớn nhất là Tết Mậu Thân (1968), khi cả gia đình đang chuẩn bị đón Tết, tin từ chiến trường báo về con trai thứ 3 tôi hy sinh. Năm 1973 con trai cả tôi cũng hy sinh tại chiến trường, xót xa lắm nhưng vì tổ quốc tôi thấy đó là niềm vinh dự cho cả dòng tộc tôi”.
Để vượt qua, sống đến hiện tại theo 2 vợ chồng cụ Viễn phải, ăn uống sạch, sống thật thà, không tham lam và luôn làm điều thiện. Trước khi chia tay vợ chồng cụ Viễn, cụ đã tặng chúng tôi câu thơ: “Thiên thời địa lợi nhân hòa / Ở đời giữ lấy thật thà là xuân / Chớ ham mấy của phù vân / Tự mình lao động mang vinh cho đời”.
Tác giả bài viết: Diễn Kim
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn