Nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng hình phạt tiền của các quốc gia về thu hồi tài sản tham nhũng...
Thứ tư - 28/09/2022 22:56
(Phản biện) - Tình hình tham nhũng tại Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung ngày càng có diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát do hành vi tham nhũng. Tỉ lệ tài sản được thu hồi từ các vụ án tham nhũng còn thấp so với số tài sản thực tế bị chiếm đoạt. Người tham nhũng có xu hướng che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng, đặc biệt là tẩu tán tài sản ra nước ngoài dẫn đến khó khăn cho việc truy vết và thu hồi tài sản. Vì vậy việc nghiên cứu tìm hiểu kinh nghiệm về thu hồi tài sản tham nhũng của các quốc gia trên thế giới để vận dụng vào Việt Nam là vô cùng hữu ích.
Đề cao biện pháp hành chính bằng hình phạt tiền
Thụy Sĩ là quốc gia điển hình về việc sử dụng biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng bằng thủ tục hành chính. Năm 2010, Quốc hội nước này đã thông qua Đạo luật Trả lại tài sản bất hợp pháp, nhằm “khai thông” bế tắc trong việc thu hồi số tiền thất thoát có nguồn gốc tham nhũng nhưng tình trạng nguồn gốc của tài sản không thể tiến hành thủ tục hình sự. Đạo luật Trả lại tài sản bất hợp pháp quy định việc đóng băng, tịch thu và hoàn trả tài sản do những người có quan hệ chính trị nước ngoài và cộng sự của họ nắm giữ ở Thụy Sĩ trên cơ sở quyết định của Tòa án hành chính Liên bang.
Theo tinh thần tại Điều 6 của Đạo luật thì Tòa án có thể giả định nguồn gốc bất hợp pháp của những tài sản này khi “tài sản của người có quyền định đoạt tài sản đã tăng lên bất thường có liên quan đến việc thực thi chức vụ công của người có liên quan đến chính trị và mức độ tham nhũng ở quốc gia xuất xứ hoặc xung quanh người có liên quan đến chính trị được đề cập trong nhiệm kỳ của họ đã được thừa nhận là cao”.Nhờ áp dụng hiệu quả giải pháp này, Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những quốc gia ít tham nhũng nhất trong các nước thuộc liên minh Châu Âu và thế giới.
Đảo quốc Singapore trở hành quốc gia ít tham nhũng bậc nhất thế giới (đứng thứ 6 trên tổng số 180 quốc gia về tính minh bạch trong quản lý đất nước. Nếu xét tại Châu Á Thái Bình Dương, Singapore chỉ đứng thứ 2 sau New Zealand…theo khảo sát của Transparency International). Một trong những điểm mạnh của LuậtPhòng chống tham nhũng Singapore đánh mạnh vào lợi ích kinh tế của người tham nhũng và đã cho kết quả tốt. Theo đó, tòa án quốc gia này có quyền ra lệnh cho người nhận hối lộ nộp một khoản tiền phạt bằng khoản tiền hối lộ bên cạnh các chế tài trừng phạt khác. Vì không những không được hưởng lợi ích gì từ hành vi tham nhũng mà còn chịu hình phạt tù nên các công chức, viên chức ở quốc gia này không dám vào không muốn tham nhũng.
Luật PCTN của Cộng hòa Pháp ban hành năm 2016 với rất nhiều chính sách nghiêm khắc chống tham nhũng trong khu vực tư. Theo đó những công ty, tập đoàn lớn (có hơn 500 nhân viên và doanh thu hơn 100 triệu euro/1 năm - Pháp có khoảng 1600 công ty có quy mô này) bắt buộc phải thực hiện 08 biện pháp gồm: Thông qua một bộ quy tắc ứng xử; đánh giá rủi ro tham nhũng đối với cty; đào tạo nhân viên và báo cáo nội bộ... Pháp cũng có hoạt động thanh tra và có hình phạt rất nghiêm để xử lý tham nhũng trong các công ty này, hình phạt tiền có thể lên đến 1 triệu eur nếu các công ty không áp dụng biện pháp này, chưa nói đến các hình phạt khác áp dụng cho các cá nhân khi thực hiện hành vi tham nhũng.
Nghiên cứu luật hình sự của một số nước như: Liên bang Nga, Nhật Bản cho thấy BLHS cho phép thay thế hình phạt tiền bằng hình phạt buộc lao động cải tạo hoặc buộc phạt tù giam tương đương với mức phạt tiền. Ví dụ như Điều 46 Bộ luật hình sự Liên bang Nga quy định: “Phạt tiền là hình phạt bằng tiền trong giới hạn được Bộ luật này quy định. Phạt tiền được quy định ở mức 2500 rúp đến 01 triệu rúp hoặc bằng lương hay thu nhập khác của người bị kết án từ hai tuần đến năm năm. Phạt tiền ở mức từ 500 nghìn rúp hoặc bằng lương hay bằng thu nhập khác của người bị kết án đến trên 03 năm có thể được áp dụng chỉ đối với tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong các trường hợp được các điều luật tương ứng quy định.
Mức phạt tiền được Tòa án quyết định căn cứ theo mức độ nặng nhẹ của tội phạm và điều kiện vật chất của bản thân và gia đình người phạm tội, đồng thời căn cứ vào khả năng nhận được tiền lương và khoản thu nhập khác của người bị kết án. Căn cứ vào các tình tiết này Tòa án có thể áp dụng hình phạt tiền ở dạng trả góp trong thời hạn đến 3 năm. Trong trường hợp người phạm tội cố tình trốn tránh chấp hành hình phạt, khi hình phạt tiền áp dụng là hình phạt chính thì hình phạt này sẽ được thay thế bằng hình phạt khác trong phạm vi chế tài được điều luật tương ứng quy định”.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quy định: “Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tình tiết của tội phạm” và “số tiền phải nộp trả 01 lần hoặc nhiều lần trong thời hạn ghi trong bản án. Nếu không nộp phạt đúng hạn, thì bị áp dụng hình thức cưỡng chế. Đối với những người không có khả năng nộp toàn bộ số tiền phạt, thì bất kể thời gian nào, nếu Tòa án phát hiện ra người bị phạt có tài sản có thể nộp phạt lập tức yêu cầu nộp phạt. Có thể giảm hoặc miễn hình phạt tiền đối với những trường hợp thực sự không thể khắc phục được khó khăn trong việc nộp phạt”…
Ảnh minh họa
2 bài học có thể tham khảo cho Việt Nam ? Như vậy khuyến khích tội phạm tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả bằng biện pháp hành chính phạt tiền để tăng tỷ lệ thu hồi tài sản, hạn chế án hình sự, phi hình sự hóa các vụ án kinh tế là xu hướng, nhiều nước đang áp dụng. Tại Việt Nam, từ năm 2006, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) cũng đặt vấn đề nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều 40) quy định người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, tộiNhận hối lộmà sau đó chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tiền phạm tội và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, hoặc lập công lớn thì có thể được giảm xuống chung thân…
Qua đó cho thấy sự tôn nghiêm của pháp luật, nhưng cũng rất nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội biết ăn năn hối lỗi, trả lại tài sản tham nhũng. Tuy nhiên do còn nhiều bất cập trong nội dung điều chỉnh nên việc áp dụng hình phạt tiền trong BLHS 2015 còn nhiều hạn chế, đóng góp vào hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng và vụ án kinh tế chưa như mong đợi. Từ kinh nghiệm áp dụng hình phạt tiền của các quốc gia trên thế giới, theo chúng tôi có thể tham khảo vận dụng vào hoàn thiện hình phạt tiền trong BLHS 2015 và sửa đổi bổ sung 2017, một số nội dung như sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc hình phạt chính phải có mức độ nghiêm khắc hơn hình phạt bổ sung, nên việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính cũng cần phải nặng hơn, có tính răn đe hơn khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung. Có như vậy mới thực hiện triệt để nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong khi áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội. Hạn chế tại Điều 35 BLHS 2015 là chưa có sự phân biệt rõ giữa phạt tiền với tính chất là hình phạt chính và phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung về mức phạt là chưa hợp lý.
Quy định mức phạt tiền giữa hình phạt chính và hình phạt bổ sung ở một số tội không có chênh lệch quá nhiều, không phản ánh được tính chất mức độ của hành vi phạm tội, chưa thể hiện tính răn đe của hình phạt. Ví dụ: Đối với tội “Đánh bạc” theo quy định Điều 321 BLHS năm 2015 thì mức thấp nhất của khung hình phạt khi áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền là 20.000.000 đồng, trong khi đó hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đã có mức khởi điểm là 10.000.000 đồng và tối đa là 50.000.000 đồng tức là hình phạt tiền với tư cách là hình phạt bổ sung có mức phạt sẽ có trường hợp còn cao hơn cả hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính.
Trong trường hợp này có thể vận dụng kinh nghiệm từ luật hình sự các nước Liên bang Nga, Nhật Bản. Đó là khi hình phạt tiền áp dụng là hình phạt chính thì hình phạt này sẽ được thay thế bằng hình phạt khác trong phạm vi chế tài được điều luật tương ứng quy định. Tức là phải quy định mức tối thiểu của phạt tiền với tính chất là hình phạt chính phải cao hơn mức tối đa của phạt tiền với tính chất là hình phạt bổ sung.Có như vậy mới thực hiện triệt để nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong khi áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội.
Thứ hai, BLHS quy định khi quyết định hình phạt áp dụng hình phạt là hình phạt tiền thì Tòa án phải căn cứ vào điều kiện, khả năng tài chính của chủ thể thực hiện hành vi phạm tội. Các căn cứ đó phụ thuộc vào trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, nhưng thực tế cho thấy, việc chứng minh khả năng tài chính của người phạm tội đặc biệt là những có chức vụ quyền hạn chỉ mang tính chất tương đối và thường gặp nhiều khó khăn trong việc xác minh thu nhập cũng như tài sản riêng của họ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Trong trường hợp này, tại sao không nếu vận dụng kinh nghiệm từ Điều 6 của Đạo luật Trả lại tài sản bất hợp pháp của Thụy Sĩ ? Đó là Tòa án có thể quyết định thu hồi số tiền thu được do tham nhũng mà tình trạng nguồn gốc của tài sản không thể tiến hành thủ tục hình sự bằng việc giả định nguồn gốc bất hợp pháp của những tài sản này khi “tài sản của người có quyền định đoạt tài sản đã tăng lên bất thường có liên quan đến việc thực thi chức vụ công của người có liên quan đến chính trị và mức độ tham nhũng ở quốc gia xuất xứ hoặc xung quanh người có liên quan đến chính trị được đề cập trong nhiệm kỳ của họ đã được thừa nhận là cao”.